Với mong muốn làm ăn thuận buồn xuôi gió, cuộc sống sung túc, mua vàng vào ngày vía Thần Tài (mùng 10 tháng Giêng) đã trở thành thói quen của nhiều người dân trong những năm trở lại đây.
Vào đúng ngày vía Thần Tài, các cửa hiệu vàng lớn thường có rất đông người dân đến xếp hàng từ sáng sớm để chờ giao dịch. Giá vàng trong nước những ngày này cũng thường tăng cao, bất chấp biến động của vàng thế giới.
Thế nhưng năm nay, khác với hình ảnh người dân xếp hàng từ 4-5h sáng tại các cửa hiệu lớn trên phố Trần Nhân Tông, Hà Nội, lượng người đến mua vàng ít hơn rất nhiều với giao dịch khá ảm đạm dù các doanh nghiệp kinh doanh vàng tung ra nhiều mẫu sản phẩm Thần Tài.
Nguyên nhân là dịch bệnh bùng phát trở lại, nhiều khách hàng đã chọn mua vàng online thay vì trực tiếp đến giao dịch. Ngoài ra, nhiều khách hàng cũng lo ngại việc tập trung đông người nên đã chủ động mua vàng trước ngày Thần Tài khoảng vài ngày. Giá vàng biến động thất thường trong năm vừa qua cũng khiến nhiều người e ngại khi quyết định mua vàng để đầu tư hay tích trữ.
Sáng nay (21/2), giá bán ra vàng miếng SJC phổ biến quanh mức 56,3-56,4 triệu đồng/lượng. Chênh lệch giá mua vào - bán ra khoảng 700 nghìn đồng/lượng.
Trong khi đó, vàng nhẫn SJC 99,99 loại 1 chỉ, 2 chỉ, 5 chỉ khoảng 54,2-54,9 triệu đồng/lượng (mua - bán); vàng nữ trang 99,99% khoảng 54,0-54,7 triệu đồng/lượng.
Giá vàng trong nước đã giảm 3 phiên liên tiếp trước đó và bật tăng nhẹ trở lại vào chiều ngày 19/2 do lực mua tăng mạnh sát ngày Thần Tài. Trong khi đó, giá vàng thế giới vẫn tiếp tục duy trì ở vùng thấp nhất 7 tháng.
Các sản phẩm được quan tâm nhất vẫn là nhẫn vàng, tượng vàng Thần Tài, vàng miếng với các biểu tượng Phúc, Lộc, Tài, Trâu vàng, Thần Tài,...Đa số khách hàng đến mua với số lượng nhỏ và không quan tâm giá vàng có tăng hay không, chỉ mua vàng với mong muốn cầu may trong năm mới.
Link bài gốc