Ngày pháp luật

Phó tổng giám đốc Satra: "Vissan không cạnh tranh với Masan"

Theo Báo Đầu Tư

Lãnh đạo Công ty cổ phần Việt Nam kỹ nghệ súc sản (Vissan, mã: VSN) cho rằng, dư địa thị trường thịt tươi sống tại Việt Nam còn rất lớn nên họ không cạnh tranh với đối tác chiến lược.

Quy mô thị trường khoảng 6 tỷ USD

Tổng Công ty Thương mại Sài Gòn (Satra) đang là cổ đông lớn nhất của Vissan với tỉ lệ sở hữu là 67,76%, theo sau là Công ty cổ phần dinh dưỡng nông nghiệp Quốc tế Anco với 24,94% và CJ CheilJedang nắm 3,8%.

Anco được thành lập từ năm 2003, chuyên sản xuất thức ăn chăn nuôi. 12 năm sau đó, Công ty cổ phần Tập đoàn Masan đã “vượt mặt” công ty CJ CheilJedang, khi thông qua công ty con là Anco, chi hơn 1.400 tỷ đồng để nắm 14% vốn điều lệ Vissan.

Tại đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2020 của Vissan được tổ chức sáng 18/06, các cổ đông đặt câu hỏi cho ban lãnh đạo công ty về mức độ cạnh tranh giữa Vissan và Masan trong lĩnh vực thịt tươi sống khi cả hai đều có nhiều mặt hàng tương đồng.  

Ông Nguyễn Phúc Khoa, Chủ tịch HĐQT Vissan/ Phó Tổng giám đốc Satra khẳng định, thị trường thịt còn rất rộng mở, trong khi đó, mỗi đơn vị đều có phân khúc và phân định thị trường khác nhau. 

“Không có lý do gì chúng tôi là đối tác chiến lược, lại đi cạnh tranh với nhau”, ông Nguyễn Phúc Khoa nói và dẫn chứng, quy mô thị trường thịt khoảng 10 tỷ USD, theo nghiên cứu của Masan tại thời điểm trước khi dịch tả châu Phi (ASF) diễn ra.  

Phó tổng giám đốc Satra:

Ông Nguyễn Phúc Khoa, Chủ tịch HĐQT Vissan (thứ ba từ phải sang, bàn chủ tọa) trả lời câu hỏi cổ đông tại Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2020 (Ảnh: Vissan). 

Do ảnh hưởng từ ASF, hiện quy mô còn khoảng 6 tỷ USD (tương đương 130.000 tỷ đồng). Trong khi đó, doanh số mảng thịt tương sống của Vissan năm 2019 là 2.500 tỷ đồng và Masan với các sản phẩm mang thương hiệu MEATDeli khoảng 2.000 tỷ đồng. 

“Cộng doanh số cả hai đơn vị chỉ tầm 4.5000 tỷ đồng. Con số rất nhỏ trong khi thị trường khoảng 130.000 tỷ đồng. Tham vọng của chúng tôi là định hướng người tiêu dùng sử dụng thịt sạch, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm”, ông Phúc Khoa lý giải thêm. 

Đại diện này cũng cho biết, tại TP.HCM, Vissan chiếm 70% thị phần thịt tươi sống tại các kênh hiện đại, trong khi kênh truyền thống chỉ từ 25-30% nhưng đang giảm qua từng năm.

Do đó, cơ hội sẽ thuộc về doanh nghiệp nào có thể trở thành sự lựa chọn đầu tiên của người dùng có thói quen mua thịt nóng tại chợ truyền thống. 

“Giá heo hơi sẽ giảm dần từ giữa năm 2021"

Ban lãnh đạo Vissan dự đoán, giá heo hơi nguyên liệu sẽ duy trì ở mức cao trong năm nay và giảm dần từ giữa năm 2021 trước khi đi vào ổn định từ năm 2022. 

Trong khi đó, giá nguyên liệu bò hơi và các nguyên vật liệu sản xuất khác sẽ tương đối ổn định do Việt Nam gia nhập các Hiệp định thương mại quốc tế giúp nguồn nguyên liệu nhập khẩu dồi dào, với giá cạnh tranh.

Ông Nguyễn Phúc Khoa chia sẻ về thị trường thịt heo biến động thời gian qua, đặc biệt từ năm 2018 khi nhiều doanh nghiệp tham gia bình ổn thị trường như Vissan phải tham gia “giải cứu” với giá 40.000 đồng/kg. 

Trong khi cùng thời điểm này năm 2019, giá heo hơi mà đơn vị này phải mua có thời điểm trên 100.000 đồng/kg.

“Trong thời gian ngắn, chúng tôi vừa xoay sang giải cứu khi mua cực nhanh cho nông dân rồi phải tính toán khi mua giá thả nổi cực cao. Có lúc anh em ở phòng thu mua đi kiếm nguồn heo rất vất vả”, ông Khoa nói và lấy ví dụ, 2 trang trại của Vissan tại Bình Dương và Bình Thuận chỉ cung cấp được từ 10-15% nhu cầu mỗi ngày cung cấp ra thị trường. 

Phần còn lại buộc phải mua từ các đơn vị cung ứng thân tín lâu năm như CP, Japfa và CJ- đơn vị cung cấp nhiều nhất cho Vissan.

"Khi giá heo hơi tăng quá nhanh, nhiều doanh nghiệp quay mặt với mình. Thậm chí, để kiếm được nguồn heo chất lượng với Vissan cũng rất khó.

Nhìn chung, các doanh nghiệp kinh doanh thịt tươi sống có tham gia chương trình bình ổn đều đang khó khăn”, ông Phúc Khoa, Chủ tịch Vissan thẳng thắn nói. 

Nhưng thị trường thiếu hụt nguồn cung, giá heo hơi được đẩy lên cao khiến các đối tác của Vissan cũng không sản lượng cung cấp theo như cam kết.

Phần vì Vissan là một trong những doanh nghiệp đứng đầu danh sách tham gia chương trình bình ổn thị trường hàng năm nên giá bán cho Vissan giá sẽ không cao như các đơn vị mua khác trong thị trường.

Ban lãnh đạo Vissan cho biết, thị trường TP.HCM mỗi ngày tiêu thụ khoảng 12.000 con. Đơn vị này không có kế hoạch nhập khẩu heo sống bởi chưa đủ khả năng kiểm soát chất lượng nguồn heo ở nước ngoài, mà chỉ tăng nhập thịt đông lạnh làm nguyên liệu sản xuất các nhóm sản phẩm chế biến.  

Phó tổng giám đốc Satra:

Bảng giá thịt heo tươi sống tại cửa hàng Vissan 420 Nơ Trang Long tại thời điểm sáng 18/06 (Ảnh: Hồng Phúc). 

Ông Nguyễn Phúc Khoa cho biết, Vissan tính đến khả năng mua hoặc thuê trại chăn nuôi heo nhưng chưa kịp mua thì chủ trại đã bán vì đợi Vissan thực hiện các thủ tục về thẩm định đầu tư quá lâu. 

Do đó, Vissan đặt nhiều kỳ vọng vào dự án di dời và đổi mới công nghệ nhà máy giết mổ gia súc, chế biến thực phẩm tại Long An với quy mô 1.500 tỷ đồng đang thực hiện và dự kiến năm nay giải ngân từ 300-500 tỷ đồng.

Đến năm 2023, Vissan sẽ di dời máy móc, thiết bị tại TP.HCM đến nhà máy mới. 

Ông Nguyễn Phúc Khoa lý giải, một trong những lý do khiến dự án triển khai chậm tiến độ bởi Vissan dù là Công ty cổ phần nhưng vốn Nhà nước chi phối khiến mọi hoạt động đầu tư, đấu thầu, tư vấn,… phải theo mô hình doanh nghiệp Nhà nước. 

Vậy, nếu vốn Nhà nước không chi phối, liệu Vissan có thể triển khai dự án này nhanh hơn?

“Chúng tôi nhìn vào doanh nghiệp cùng ngành như Masan. Họ triển khai dự án cực nhanh nhờ việc thực hiện các khâu không giống quy định doanh nghiệp thuộc doanh nghiệp Nhà nước”, ông Nguyễn Phúc Khoa chia sẻ.

Tin Cùng Chuyên Mục