Ngày pháp luật

Phát triển thương mại điện tử: Cơ chế nào bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng?

Nhật Thu

Quyền lợi người tiêu dùng trên thương mại điện tử bị xâm hại khá nhiều. Dường như thương mại điện tử càng phát triển thì lòng tin của người tiêu dùng với thương mại điện tử càng giảm…

Phát triển càng nhanh, rủi ro càng lớn

Ông Phạm Trọng Vinh (Cục thương mại điện tử và Kinh tế số, Bộ Công Thương) khẳng định, hiện nay, thương mại điện tử đang ở giai đoạn phát triển nhanh với việc hội nhập kinh tế quốc tế, toàn cầu hóa (thông qua hàng loạt các hiệp định thương mại tự do được ký kết, tham gia vào các khu vực kinh tế lớn nhất toàn cầu); Chính phủ đang thúc đẩy thực hiện chương trình chuyển đổi số quốc gia…

Các dự báo cho thấy, đến năm 2025 doanh số thương mại điện tử B2C (tính cho cả hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng trực tuyến) tăng 25%/năm, đạt 35 tỷ USD, chiếm 10% so với tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng cả nước. Bên cạnh đó, mức chi tiêu cho mua sắm hiện đang là 225 USD/người/năm, dự đoán sẽ tăng lên 600 USD/người/năm vào năm 2025. 

Trách nhiệm của chủ sàn là yếu tố then chốt trong quản lý chất lượng hàng hóa trên sàn thương mại điện tử. (Ảnh minh họa)
Trách nhiệm của chủ sàn là yếu tố then chốt trong quản lý chất lượng hàng hóa trên sàn thương mại điện tử. (Ảnh minh họa)

Ứng dụng thương mại điện tử trong doanh nghiệp đến năm 2025 cũng sẽ phát triển mạnh với 80% website thương mại điện tử có đặt hàng trực tuyến, 50% doanh nghiệp vừa và nhỏ hoạt động trên các sàn giao dịch thương mại điện tử, 40% doanh nghiệp tham gia hoạt động thương mại điện tử trên các ứng dụng di dộng và 70% đơn vị cung cấp dịch vụ điện, nước, viễn thông và truyền thông triển khai hợp đồng điện tử với người tiêu dùng.

Ông Phan Trọng Đạt, Phó Tổng Thư ký Trung tâm trọng tài quốc tế Việt Nam (VIAC) cho biết, các rủi ro trong giao dịch qua thương mại điện tử xuất hiện ngay từ những ngày đầu tiên thương mại điện tử manh nha và đang dần gia tăng. Rủi ro ngày càng đa dạng và tinh vi như hack tài khoản email của doanh nghiệp để lừa đảo chuyển tiền, nhằm chiếm đoạt khoản tiền giao dịch; các bản chào hàng giá rẻ bất thường; các giao dịch ký kết lần đầu tiên, hàng hóa quảng cáo khác xa thực tế… 

Rủi ro phát sinh cho người tiêu dùng khi thực hiện các giao dịch qua thương mại điện tử cũng tăng cao bởi người mua không thể nhìn, sờ, kiểm tra sản phẩm trước khi đặt mua và có thể hàng được quảng cáo một đằng nhưng giao một nẻo. Vấn đề nữa là người tiêu dùng có thể không tuân thủ quy trình phân phối giao hàng như không kiểm tra hàng khi nhận hàng từ bên thứ ba, khiến cho việc giải quyết khiếu nại sau mua hàng sẽ khó giải quyết. 

Trách nhiệm của chủ sàn thương mại điện tử là then chốt

Ông Nguyễn Quang Thuận, Phó tổng giám đốc Công ty cổ phần Công nghệ Sen đỏ (đơn vị vận hành sàn thương mại điện tử sendo.vn) cho biết, quy trình tiếp nhận bán hàng trên sendo.vn khá chặt chẽ và việc hỗ trợ giải quyết khiếu nại của người mua cũng đang cải thiện nhiều hơn. Cụ thể, trong vòng 24 giờ kể từ khi phát sinh yêu cầu xử lý khiếu nại của người mua hoặc yêu cầu từ Sendo nhưng chủ gian hàng không có bất kỳ phản hồi nào, Sendo sẽ tiến hành phán quyết khiếu nại lỗi do chủ gian hàng và thực hiện hoàn tiền cho người mua. 

Với vấn đề chủ gian hàng không đảm bảo năng lực kinh doanh (không thể hoàn tất đơn hàng, đơn hàng bị khiếu nại... xuất phát từ lỗi của chủ gian hàng làm mất uy tín và giảm chất lượng phục vụ), Sendo có quyền buộc tạm ngừng hoặc hủy tài khoản bán nhằm đảm bảo chất lượng hoạt động của sàn. 

Ông Trác Tuấn Long, Giám đốc kinh doanh Công ty MediaStep (đại lý của Alibaba tại Việt Nam) chia sẻ, cách quản lý hàng hóa bán trên sàn của Alibaba kỹ càng và gắn chặt chẽ trách nhiệm của chủ hàng với hàng hóa và Alibaba. Theo đó, sau khi doanh nghiệp tiến hành đăng ký bán hàng trên sàn này sẽ phải gửi tất cả các giấy tờ chứng nhận liên quan đến sản phẩm. Và khi thấy đạt yêu cầu, Alibaba sẽ yêu cầu doanh nghiệp phải gửi hàng mẫu qua kho hàng tổng. Đây sẽ là bằng chứng để Alibaba kiểm soát những rủi ro có thể xảy ra trong quá trình hợp tác với nhà cung cấp khi bán hàng cho người tiêu dùng. 

Tuy nhiên, nhiều chủ sàn thương mại điện tử khi góp ý cho dự thảo sửa đổi Nghị định 52/2013/CP-NĐ về thương mại điện tử đều không đồng tình với việc quy định rõ ràng trách nhiệm của các chủ sàn với hàng hóa bán trên sàn. Lý do là, chủ sàn thương mại điện tử khó có thể quản lý tất cả do lượng hàng hóa quá lớn (ví dụ sendo.vn có đến 10 triệu sản phẩm).

Ông Nguyễn Thành Hưng, Chủ tịch Hiệp hội thương mại điện tử Việt Nam cho rằng, lâu nay, quyền lợi người tiêu dùng trên thương mại điện tử bị xâm hại khá nhiều. Dường như thương mại điện tử càng phát triển thì lòng tin của người tiêu dùng với thương mại điện tử càng giảm. Dự thảo sửa đổi Nghị định 52 đã cố gắng để cân bằng hai yếu tố này nhưng mong muốn bảo vệ người tiêu dùng mạnh mẽ hơn sẽ làm khó doanh nghiệp. Chẳng hạn như quy định trách nhiệm của sàn thương mại điện tử khi có hàng giả, hàng nhái khá nặng, tạo thêm chi phí tuân thủ.

Tuy nhiên, điều khoản tăng trách nhiệm của sàn sẽ vẫn được đưa vào trong nghị định sửa đổi vì trong thời đại phát triển mạnh mẽ thì chủ sàn cũng phải tham gia và có trách nhiệm với hàng hóa bán trên sàn. 

Cục trưởng Cục Quản lý thị trường Hà Nội Chu Xuân Kiên cũng khẳng định, cần luật hóa và làm rõ việc ràng buộc trách nhiệm của các sàn thương mại điện tử với hàng hóa bày bán, qua đó ngăn chặn tình trạng lợi dụng sàn thương mại điện tử để bán hàng giả, hàng lậu, lừa đảo người tiêu dùng.

Tin Cùng Chuyên Mục