Theo đồng chí Nguyễn Văn Bình, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương, Đảng ta xác định phát triển kinh tế tư nhân là một động lực quan trọng của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa; kinh tế nhà nước, kinh tế tập thể cùng với kinh tế tư nhân là nòng cốt để xây dựng một nền kinh tế độc lập, tự chủ.
Thưa ông, thông qua Nghị quyết số 10 Hội nghị Trung ương 5, Khóa XII, Đảng ta đã nhìn nhận như thế nào về vai trò của kinh tế tư nhân trong phát triển kinh tế?
Đồng chí Nguyễn Văn Bình: Nghị quyết số 10 Hội nghị Trung ương 5, Khóa XII về phát triển kinh tế tư nhân trở thành một động lực quan trọng của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, là kết tinh trí tuệ của toàn Đảng, toàn dân ta, là tổng hợp những kinh nghiệm, bài học quý báu của hơn 30 năm Đổi mới, là kế thừa có chọn lọc những thành tựu về phát triển kinh tế thị trường của nhân loại.
Với việc đánh số 10 cho Nghị quyết này cũng nói lên quyết tâm của toàn Đảng, toàn dân ta mong muốn nghị quyết mang lại những thành tựu có ý nghĩa đột phá như chúng ta đã đạt được với Nghị quyết về Khoán 10 trong lĩnh vực nông nghiệp vào thời kỳ đầu Đổi mới.
Tại Nghị quyết lần này, Đảng ta đã xác định, phát triển kinh tế tư nhân lành mạnh là một nhiệm vụ vừa cấp bách, vừa thường xuyên trong suốt quá trình hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, và coi đây là một phương thức quan trọng để giải phóng sức lao động, sản xuất, để huy động, phân bổ và sử dụng có hiệu quả mọi nguồn lực để phát triển.
Đảng ta xác định phát triển kinh tế tư nhân là một động lực quan trọng của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, và cũng là lần đầu tiên Đảng ta xác định kinh tế nhà nước, kinh tế tập thể cùng với kinh tế tư nhân là nòng cốt để xây dựng một nền kinh tế độc lập, tự chủ.
Các quan điểm của Nghị quyết là các quan điểm rất mới, rất mạnh mẽ và đột phá. Tuy nhiên, khi chúng ta chủ trương như vậy thì cũng phải luôn cảnh giác với mọi biểu hiện sai lệch, dẫn tới tuyệt đối hóa vai trò của kinh tế tư nhân.
Chủ trương xuyên suốt và nhất quán của Đảng ta là phát triển một nền kinh tế nhiều thành phần và các thành phần kinh tế đều bình đẳng. Mỗi thành phần kinh tế đều có vị trí, vai trò, chức năng riêng của mình trong tổng thể nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa.
Cụ thể như tại Nghị quyết lần này, chúng ta đã xác định kinh tế tư nhân là động lực quan trọng của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa.
Do vậy, bên cạnh việc xác định xóa bỏ mọi rào cản, mọi định kiến và tạo mọi điều kiện để kinh tế tư nhân phát triển lành mạnh thì Đảng ta cũng kiên quyết đấu tranh ngăn chặn, đẩy lùi các biểu hiện tiêu cực của kinh tế tư nhân, nhất là những biểu hiện về chủ nghĩa tư bản thân hữu, lợi ích nhóm hay biểu hiện về thao túng chính sách, cạnh tranh không bình đẳng dẫn tới trục lợi.
Bên cạnh đó, Đảng ta luôn chăm lo, quan tâm đến việc bồi dưỡng một đội ngũ doanh nhân Việt Nam có ý thức chính trị; có lòng yêu nước, tự hào, tự tôn dân tộc; có ý chí tự lực, tự cường; gắn bó với lợi ích của quốc gia, dân tộc với sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội.
Xác định phát triển kinh tế tư nhân trở thành một động lực quan trọng của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, Đảng ta đã đề ra những giải pháp nào, thưa ông?
Đồng chí Nguyễn Văn Bình: Tại Nghị quyết lần này, Đảng ta đã đưa ra hệ thống 5 nhóm giải pháp, tôi xin đề cập đến 3 nội dung có ý nghĩa cốt lõi xuyên suốt 5 nhóm giải pháp nêu trên.
Thứ nhất là về nhận thức, tư tưởng và hành động trong phát triển kinh tế tư nhân. Một mặt chúng ta đã xác định rất rõ vai trò của kinh tế tư nhân là một động lực quan trọng trong nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, nhưng chúng ta cũng phải thấy được những mặt trái của kinh tế tư nhân để có những giải pháp làm sao phát huy được mặt tích cực của kinh tế tư nhân cho phát triển kinh tế - xã hội, cho lợi ích của quốc gia của dân tộc, mặt khác cũng hạn chế được mặt tiêu cực, tránh nhất là những biểu hiện mà như tôi đã nêu ở trên.
Thứ hai là giải quyết tốt mối quan hệ giữa nhà nước và thị trường trong nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, nhà nước đóng vai trò định hướng, xây dựng, hoàn thiện thể chế kinh tế, sử dụng các công cụ chính sách và các nguồn lực của nhà nước để định hướng, điều tiết nền kinh tế, thúc đẩy sản xuất kinh doanh, bảo vệ tài nguyên môi trường và phát triển văn hóa - xã hội. Còn thị trường đóng vai trò chủ yếu trong việc giải phóng sức sản xuất, trong việc huy động, phân bổ và sử dụng có hiệu quả mọi nguồn lực để phát triển.
Chúng ta có giải quyết tốt mối quan hệ giữa nhà nước với thị trường trong quá trình hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa thì chúng ta mới góp phần tạo điều kiện thuận lợi cho kinh tế tư nhân phát triển.
Thứ ba là tạo dựng môi trường kinh doanh thuận lợi cho kinh tế tư nhân phát triển, tôi cho rằng nội dung này là hệ quả trực tiếp của hai nội dung nêu trên. Nếu chúng ta giải quyết tốt hai nội dung nêu trên thì nhất định ta sẽ có nội dung thứ ba phù hợp.
Trong nội dung này liên quan đến những vấn đề cụ thể như là chúng ta phải tạo dựng được một môi trường kinh tế vĩ mô ổn định, phải xây dựng được một kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội đồng bộ phát triển và các cơ chế chính sách để thu hút đầu tư tư nhân để cho tư nhân có thể phát triển trong nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, chúng ta phải mở rộng khả năng tham gia thị trường của kinh tế tư nhân và đảm bảo cạnh tranh bình đẳng, lành mạnh của kinh tế tư nhân trong nền kinh tế thị trường.
Chúng ta phải tạo điều kiện để tư nhân tiếp cận các nguồn lực để phát triển, đặc biệt là nguồn lực đất đai, nguồn vốn, lao động. Chúng ta phải tạo điều kiện để tư nhân tiếp cận khoa học công nghệ, thúc đẩy đổi mới sáng tạo, ứng dụng khoa học công nghệ trong sản xuất kinh doanh. Đó là nội dung cụ thể trong tạo dựng môi trường thuận lợi cho kinh tế tư nhân phát triển.