Nghiên cứu vừa công bố trên tạp chí Journal of Oral Microbiology khẳng định việc kiểm tra lưỡi và xét nghiệm hệ vi sinh trên đó sẽ giúp bệnh nhân ung thư tuyến tụy có cơ hội sống vì những dấu hiệu đặc trưng cảnh báo căn bệnh xuất hiện từ rất sớm.
Với các công nghệ hiện tại, ung thư tuyến tụy thường chỉ được phát hiện khi đã di căn rộng. Nó thuộc nhóm các bệnh ung thư mà thời gian sống trung bình sau chẩn đoán ngắn nhất. Các xét nghiệm nhằm sàng lọc, phát hiện sớm căn bệnh chưa có.
Thế nhưng công trình nêu trên, do nhóm nghiên cứu tại Đại học Chiết Giang (Trung Quốc) thực hiện, lại tìm thấy sự khác biệt đáng kể về hệ vi sinh ở các tình nguyện viên khỏe mạnh và các bệnh nhân ung thư. Các vi khuẩn này phủ đầy trên lưỡi chúng ta và ngay từ giai đoạn rất sớm của ung thư tuyến tụy, hệ vi khuẩn đã có khác biệt đáng kể so với người khỏe mạnh.
Nguyên nhân được xác định là do sự làm việc của hệ thống miễn dịch. Ngay từ khi các công cụ hiện đại chưa phát hiện được ung thư, hệ thống miễn dịch của cơ thể đã phát hiện ra. Phản ứng của hệ thống miễn dịch nhằm chống lại căn bệnh đã khiến một số dạng vi khuẩn trên lưỡi phát triển hơn các loại khác.
Bốn loại vi khuẩn cho thấy người được xét nghiệm có nguy cơ cao bị ung thư tuyến tụy: Haemophilus và porphyromonas (càng ít, nguy cơ ung thư càng cao), Leptotrichia và Fusobacterium (càng nhiều, nguy cơ càng cao).
Vì thế, nếu phát hiện sớm được hệ vi khuẩn trên lưỡi ai đó, chúng ta có thể biết được họ đang bắt đầu bị ung thư hoặc sắp phát triển bệnh ung thư.
Các nhà khoa học nhìn nhận rằng còn cần nhiều nghiên cứu hơn nữa để đánh giá đủ vai trò của hệ vi sinh trên lưỡi và những thay đổi tinh vi của nó khi bị bệnh ung thư tác động. Các kết quả có thể cung cấp thêm cho ngành y dữ liệu để tiến đến nghiên cứu các phương pháp điều trị mới, bao gồm kháng sinh, liệu pháp miễn dịch hoặc thậm chí là men vi sinh.