Bộ Công Thương ngày 19/6 cho biết, sau khi tổ chức Phiên điều trần theo hình thức xử kín vào ngày 11/6/2019, ngày 17/6/2019, Hội đồng xử lý vụ việc cạnh tranh về tập trung kinh tế giữa Công ty TNHH Grab Taxi và Công ty TNHH Uber Việt Nam liên quan đến việc Grab mua lại các hoạt động của Uber tại Đông Nam Á, trong đó có Việt Nam đã ban hành Quyết định xử lý vụ việc cạnh tranh, trong đó khẳng định do chưa đủ yếu tố cấu thành hành vi tập trung kinh tế nên bên bị điều tra không vi phạm Luật Cạnh tranh.
Hội đồng Cạnh tranh là cơ quan do Chính phủ thành lập với các thành viên do Thủ tướng Chính phủ bổ nhiệm. Hoạt động của Hội đồng Cạnh tranh hoàn toàn độc lập với Bộ Công Thương. Điều 80 Luật Cạnh tranh năm 2004 quy định khi giải quyết vụ việc cạnh tranh cụ thể, Hội đồng xử lý vụ việc cạnh tranh hoạt động độc lập và chỉ tuân theo pháp luật.
"Do đó, quan điểm của Bộ Công Thương là tôn trọng các nội dung trong quyết định xử lý vụ việc cạnh tranh của Hội đồng xử lý vụ việc cạnh tranh", thông báo của Bộ Công Thương nêu.
Với vai trò là cơ quan chủ quản của Cục CT&BVNTD, Bộ Công Thương sẽ giao Cục CT&BVNTD nghiên cứu, đánh giá các lập luận của Hội đồng xử lý trong từng nội dung của Quyết định xử lý vụ việc cạnh tranh.
Theo quy định tại Điều 107 Luật Cạnh tranh năm 2004, trường hợp không nhất trí một phần hoặc toàn bộ nội dung quyết định xử lý vụ việc cạnh tranh của Hội đồng xử lý vụ việc cạnh tranh, các bên có quyền khiếu nại lên Hội đồng Cạnh tranh trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày Quyết định xử lý vụ việc cạnh tranh được ban hành.
Trước đó, ngày 16/4/2018, Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng – Bộ Công Thương (Cục CT&BVNTD) đã ban hành Quyết định số 45/QĐ-CT về việc điều tra sơ bộ hành vi vi phạm pháp luật cạnh tranh. Căn cứ kết quả điều tra sơ bộ, Cục trưởng Cục CT&BVNTD đã ban hành Quyết định số 64/QĐ-CT ngày 18 tháng 5 năm 2018 về việc điều tra chính thức vụ việc cạnh tranh theo quy định tại Khoản 2 Điều 88 Luật Cạnh tranh năm 2004.
Quá trình điều tra chính thức đã xác minh các nội dung về bên bị điều tra, thị trường liên quan, thị phần kết hợp trên thị trường liên quan và dấu hiệu của hành vi vi phạm. Kết quả điều tra chính thức cho thấy việc tập trung kinh tế giữa Grab và Uber tại thị trường Việt Nam có thị phần kết hợp vượt ngưỡng 50%. Như vậy, vụ việc này có dấu hiệu vi phạm quy định về tập trung kinh tế quy định tại Mục 3 Chương II Luật Cạnh tranh 2004.
Trong thời hạn luật định, ngày 30 tháng 11 năm 2018, Cục trưởng Cục CT&BVNTD đã ký Kết luận số 05/KL-CT về kết quả điều tra vụ việc. Ngày 17 tháng 12 năm 2018, Cục CT&BVNTD chuyển toàn bộ báo cáo điều tra, Kết luận điều tra cùng toàn bộ Hồ sơ vụ việc đến Hội đồng Cạnh tranh. Căn cứ yêu cầu điều tra bổ sung của Hội đồng xử lý vụ việc cạnh tranh, ngày 09 tháng 4 năm 2019 Cục trưởng Cục CT&BVNTD đã ký Kết luận số 02/KL-CT về kết quả điều tra bổ sung vụ việc.
Hồi tháng 3/2018, Grab đã công bố thông tin về việc mua lại hoạt động kinh doanh của Uber tại thị trường Đông Nam Á, trong đó có Việt Nam. Cụ thể, Grab sẽ tiếp nhận mảng dịch vụ chia sẻ xe và vận chuyển thực phẩm trong khu vực Đông Nam Á vào hệ thống vận tải đa phương tiện và nền tảng công nghệ của Grab. Đổi lại, Uber trở thành cổ đông sở hữu 27,5% tổng số cổ phần của Grab.
Báo cáo tài chính Grab năm 2018 cho thấy, năm 2018, Grab lỗ 885 tỷ đồng. Như vậy, sau 5 năm hoạt động tại Việt Nam, Grab đã thua lỗ đến 2.600 tỷ đồng.