Dịch Covid-19 bùng phát trở lại tiếp tục có những tác động lớn đến thị trường bất động sản Đà Nẵng, đặc biệt là phân khúc bất động sản nghỉ dưỡng - lĩnh vực gặp nhiều khó khăn vì các đợt sóng dịch diễn ra liên tiếp. Theo số liệu của Savills, phân khúc khách sạn đang đối mặt với nhiều thử thách khi công suất thị trường sụt giảm 44% theo năm, thấp nhất trong vòng 10 năm trở lại đây. Giá phòng trung bình cũng giảm 50% theo năm.
Tuy nhiên đây cũng là thời điểm nhiều phân khúc khác vươn lên trở thành điểm sáng ở thị trường Đà Nẵng như bất động sản công nghiệp, thương mại, nhà ở, công nghiệp.
Cụ thể, lĩnh vực bất động sản công nghiệp ghi nhận những diễn biến khá tích cực. Vị trí thuận lợi cùng nhiều gói ưu đãi khuyến khích đầu tư là đòn bẩy để các doanh nghiệp đẩy mạnh hoạt động xúc tiến đầu tư công nghiệp tại Đà Nẵng.
Theo dự báo của Savills, bất động sản công nghiệp Đà Nẵng sẽ tiếp tục mở rộng trong thời gian tới nhờ lợi thế về chi phí cũng như các ưu đãi của chính phủ về phát triển công nghiệp. Hiện nay nhiều doanh nghiệp đã và đang có những hoạt động đầu tư rất tích cực cho lĩnh vực này.
Đối với thị trường nhà ở, phân khúc này cũng được hưởng lợi từ bản quy hoạch và phát triển đô thị mới được công bố. Đây là điều kiện thuận lợi để thị trường phát triển đa dạng hơn danh mục bất động sản nhà ở nhằm phục vụ mục đích sinh sống lâu dài của người dân thay vì chỉ tập trung vào bất động sản nghỉ dưỡng ven biển.
Theo báo cáo của Savills, giá chào bán căn hộ tại thị trường này tăng trưởng tốt trong vòng 5 năm qua, mang lại lợi nhuận lâu dài bền vững. Tỷ lệ hấp thụ của hạng mục biệt thự/nhà liền kề đạt 92% đến nay, dù thị trường đã phát triển chậm lại sau một thời gian phát triển mạnh từ năm 2016 đến 2019.
Ngoài ra khoảng 850 ha từ 14 dự án có hạng mục biệt thự và nhà liền kề sẽ được triển khai trong những năm tới đây, phần lớn đến từ giai đoạn tiếp theo của những dự án hiện hữu. Không chỉ là nhu cầu từ những nhà đầu tư từ các địa phương khác như trước kia, thị trường Đà Nẵng bắt đầu ghi nhận nhu cầu từ nhà đầu tư tại thành phố. Đáng chú ý bất động sản nhà ở tại Đà Nẵng phát triển mạnh mẽ nhờ vào nguồn cầu khá lớn từ phía các nhà đầu tư cho các phân khúc chung cư, biệt thự, nhà liền kề hay thậm chí nhà ở có thương hiệu (Branded Residences).
Đối với bất động sản văn phòng, thị trường Đà Nẵng ghi nhận mức phát triển ổn định khi tâm lý lo ngại bất ổn và các lệnh hạn chế đi lại khiến số lượng giao dịch giảm so với cùng kỳ trước đó. Tuy nhiên bên cạnh nhóm khách thuê doanh nghiệp phải đóng cửa do không chịu nổi chi phí mặt bằng và vận hành trong thời gian dài, thị trường vẫn ghi nhận một lượng cầu nhất định cho việc mở rộng mặt bằng hoặc mở thêm chi nhánh văn phòng tại Đà Nẵng.
Theo số liệu của đơn vị nghiên cứu, giá thuê mặt bằng bán lẻ và văn phòng tại Đà Nẵng trong giai đoạn này giảm nhẹ so với thời điểm trước Covid-19, có những nơi giảm gần 40% giá thuê để thu hút khách. Đây cũng là động lực để những doanh nghiệp vẫn phát triển ổn định, có dòng tiền vững chắc tiếp tục tham gia hợp đồng thuê dài hạn tại thị trường này.
Gần đây với nhiều thông tin tích cực như Chính phủ đã thông qua Điều chỉnh quy hoạch chung TP Đà Nẵng đến năm 2030 tầm nhìn đến năm 2045, mục tiêu xây dựng thành phố Đà Nẵng trở thành một trong những trung tâm kinh tế - xã hội lớn của cả nước và khu vực Đông Nam Á, trong dài hạn thị trường Đà Nẵng dự báo sẽ có những hoạt động tích cực hơn nữa.
"Đà Nẵng cần được nhìn nhận là thị trường nhiều tiềm năng cho các phân khúc bất động sản khác chứ không chỉ là điểm đến du lịch. Có thể nói chúng tôi tin tưởng vào khả năng hồi phục của thị trường Đà Nẵng sau dịch", ông Matthew Powell, Giám đốc Savills Hà Nội khẳng định.