Ngày pháp luật

Phạm Công Danh: ‘Bị cáo dám làm, dám chịu’

Yến Châu Minh Chung

Nói lời sau cùng trước khi tòa nghị án, Phạm Công Danh xin giảm nhẹ hình phạt cho các bị cáo khác bởi “họ đã tin tưởng tôi mà lâm vào con đường tù tội”.

Hôm qua, 18-12, TAND Cấp cao tại TP.HCM đã cho các bị cáo trong vụ gây thiệt hại 6.126 tỉ đồng tại Ngân hàng Xây dựng Việt Nam - VNCB (nay gọi là CB Bank) nói lời sau cùng. Tòa tuyên bố nghị án kéo dài và dự kiến sẽ tuyên án vào ngày 26-12.

Tiền thu hồi có phải là vật chứng?

Trước đó, trong phần tranh luận, đại diện của CB Bank cho rằng việc tăng vốn điều lệ bằng số tiền 4.500 tỉ đồng không phải là một giao dịch dân sự đơn thuần.

Vì vậy, nếu áp dụng thêm BLDS làm cơ sở để thu hồi số tiền này từ CB Bank trả lại cho ông Danh như phán quyết của cấp sơ thẩm là chưa đủ cơ sở vững chắc...

Phạm Công Danh: ‘Bị cáo dám làm, dám chịu’ - Ảnh 1
Các bị cáo tại phiên xử ngày 18-12. Ảnh: MINH CHUNG

Cạnh đó, luật sư (LS) của CB Bank còn nhận định rằng việc thu hồi tài sản của các tổ chức, cá nhân đã vay từ ba ngân hàng khi thi hành án sẽ gây khó khăn hơn rất nhiều so với việc thu trực tiếp từ ba ngân hàng này...

LS của Ngân hàng BIDV cho rằng ông Danh là chủ tịch HĐQT của cả VNCB và Tập đoàn Thiên Thanh. ông Danh đã chủ động chỉ đạo các lãnh đạo và nhân viên thực hiện hành vi cố ý làm trái..., gây thiệt hại cho chính ngân hàng của mình là VNCB.

Giữa hành vi vi phạm của ông Danh và hậu quả thiệt hại của VNCB có mối quan hệ nhân quả; BIDV không có lỗi trong hành vi phạm tội của bị cáo .

Theo LS, luật quy định người phạm tội phải bồi thường thiệt hại do hành vi phạm tội gây ra.

Do vậy, trách nhiệm bồi thường thiệt hại là do ông Danh, việc án sơ thẩm quyết định thu hồi số tiền này từ BIDV là không đúng đối tượng, hoàn toàn không có căn cứ pháp lý và không thỏa đáng.

Các LS của Agribank và OceanBank đều cho rằng quá trình thẩm định, cho vay, giải ngân và tất toán các khoản vay giữa hai đơn vị này và các pháp nhân, cá nhân do ông Danh lập ra là đúng quy định của pháp luật, đúng với nghiệp vụ ngân hàng.

Các giao dịch này là hợp pháp, ngay tình, phù hợp với quy định của BLDS 2015 nên không thể xem là vật chứng, vì vậy không có cơ sở để thu hồi tiền từ Agribank và OceanBank…

Đối đáp, VKS cho rằng án sơ thẩm nhận định có mâu thuẫn, không nhất quán. Cùng số tiền 2.371 tỉ đồng nhưng án sơ thẩm nhận định vừa là vật chứng (do hành vi phạm tội của ông Danh và đồng phạm), vừa là tài sản của cá nhân ông Danh.

Mặt khác, theo VKS, số tiền 4.500 tỉ đồng không phải là công cụ, phương tiện phạm tội, không phải là đối tượng phạm tội nên không có cơ sở để thu hồi.

VKS: “Nhà nước mất thêm 4.500 tỉ”

Theo VKS, nhóm đầu tư mới phải cam kết tái cơ cấu ngân hàng trên cơ sở năng lực tài chính. Ngân hàng Nhà nước đã có văn bản cam kết VNCB tăng vốn điều lệ theo phương án chào bán cổ phần, trong đó chỉ đạo việc tăng vốn điều lệ phải đảm bảo không dùng vốn ủy thác, vốn huy động, vốn vay của các tổ chức, cá nhân mua cổ phần của VNCB.

Do đó, không thể xem việc Ngân hàng Nhà nước yêu cầu nhóm đầu tư mới tăng vốn điều lệ theo cam kết là chấp nhận việc ông Danh được sử dụng tiền cho vay do chính VNCB bảo lãnh để tăng vốn điều lệ.

Số tiền 4.500 tỉ đồng phần lớn từ quan hệ tín dụng trái pháp luật, số tiền này không phải là tiền của cá nhân ông Danh có năng lực tài chính đưa vào mà nó có nguồn gốc bất hợp pháp.

Án sơ thẩm cho rằng số tiền này là của Danh khi chỉ căn cứ vào việc các cá nhân góp vốn có tiền mà không xem xét nguồn gốc số tiền là không có cơ sở.

Số tiền tăng vốn điều lệ sau khi chuyển vào VNCB đã hòa chung vào nguồn tiền của VNCB và có cơ sở ông Danh là người chỉ đạo sử dụng số tiền 4.500 tỉ đồng.

Số tiền này án sơ thẩm thu hồi trả lại cho ông Danh trong khi ông Danh đã sử dụng là ông Danh được hưởng hai lần, đồng nghĩa với việc Nhà nước mất thêm 4.500 tỉ đồng.

Xin thu hồi tiền đã trả cho bà Phấn

Sau khi VKS phát biểu, bị cáo Phạm Công Danh xin có ý kiến. Bị cáo cám ơn HĐXX đã cho tất cả LS và các bị cáo có cơ hội trình bày để làm rõ sự thật vụ án.

Đối với ý kiến về số tiền 194 tỉ đồng, theo ông Danh, tất cả khoản tiền có người nhận, án sơ thẩm đã ghi nhận, sự việc đã rất rõ.

Ông cho rằng mình đưa ra khoản tiền mặc dù không nằm trong phạm vi xét xử nhưng đây là cơ hội cuối cùng, thậm chí một số tài sản của ông cũng không phải vật chứng, không liên quan tới vụ án nhưng vẫn bị thu hồi.

Trong khi đó vợ con ông đi ở nhà thuê nhưng ông cam chịu, dám làm thì dám chịu.

Cạnh đó, theo bị cáo, số tiền hơn 3.600 tỉ đồng (tiền trả cho bà Phấn) không nằm trong vụ án này nhưng đây là số tiền thật, có chứng từ, hoàn toàn có cơ sở để thu hồi.

Và nếu thu hồi được thì ông và các bị cáo sẽ được giảm nhẹ hình phạt, bởi mục đích cuối cùng trong các vụ án kinh tế là thu hồi được tài sản, khắc phục hậu quả.

Đối đáp, LS của ông Danh cho rằng nếu VKS cho rằng số tiền 4.500 tỉ đồng không phải là của ông Danh mà có từ các giao dịch bất hợp pháp thì đề nghị VKS nêu hướng xử lý.

LS của ông Danh còn cho rằng CB bank không tất toán chờ kết quả của CQĐT, chứ không có câu chữ nào nói là hành vi góp vốn này bất hợp pháp...

Phạm Công Danh xin giảm nhẹ cho bà mẹ đơn thân

Nói lời sau cùng , Phạm Công Danh bày tỏ thông qua các LS bảo vệ cho mình, bị cáo được biết có nhiều nhà đầu tư vẫn mong muốn rót vốn vào Thiên Thanh để vừa khôi phục Thiên Thanh, vừa khắc phục hậu quả đã xảy ra.

Bị cáo mong HĐXX tạo điều kiện cho bản thân bị cáo và Tập đoàn Thiên Thanh có cơ chế, có điều kiện để khắc phục hậu quả...

Ngoài ra, bị cáo Danh mong muốn HĐXX giảm nhẹ hình phạt cho các bị cáo khác bởi họ tin tưởng ông nên đã lâm vào con đường tội lỗi. ông danh cũng mong HĐXX quan tâm đến một bị cáo (Nguyễn Thị Kim Vân, người bị VKS kháng nghị không cho hưởng án treo - PV) đã ly hôn, là bà mẹ đơn thân…

Hậu quả đặc biệt nghiêm trọng

Về việc không cho bốn bị cáo hưởng án treo, VKS nói sau khi nghe các bị cáo trình bày hoàn cảnh gia đình, các tình tiết giảm nhẹ, VKS rất đồng cảm với các bị cáo.

Mặc dù các bị cáo phạm tội, không hưởng lợi nhưng các bị cáo đã thành niên nên buộc phải hiểu và phải chịu trách nhiệm trước những hành vi của mình.

VKS xác định các bị cáo không đủ điều kiện hưởng án treo và đã nêu rõ trong kháng nghị nhưng không có nghĩa VKS đề nghị cách ly các bị cáo ra khỏi xã hội, vì theo quy định ngoài án treo còn có các hình phạt khác, HĐXX sẽ cân nhắc.

VKS cho rằng hậu quả của vụ án là đặc biệt nghiêm trọng, các bị cáo phải liên đới chịu trách nhiệm. “Hình phạt cấp sơ thẩm đã tuyên là tương xứng với hành vi phạm tội nên không có cơ sở xem xét” - VKS nói.

Tin Cùng Chuyên Mục