Liên quan tới những vụ lùm xùm của startup WeWork, mới đây, một cựu nhân viên của công ty đã đệ đơn kiện dàn cựu lãnh đạo, bao gồm cả "tội đồ" Adam Neumann.
Cụ thể, Adam Neumann bị cáo buộc đã lạm dụng quyền điều hành để trục lợi, sử dụng sai các khoản đầu tư và gây thất thoát cho công ty. Đơn kiện cũng có nhắc tới vai trò của tỷ phú "điên" Masayoshi Son.
Theo Wall Street Journal, dựa theo các thoả thuận, Adam Neumann được nhận gần 1 tỷ USD tiền cổ phần tại WeWork, 500 triệu USD để thanh toán các khoản nợ cá nhân, và thêm 185 triệu tiền phí cố vấn.
Cựu CEO WeWork lĩnh trọn số tiền 1,7 tỷ USD và "dứt áo ra đi", dù được cho là người đã huỷ hoại công ty, khiến kế hoạch IPO của doanh nghiệp này thất bại.
Đơn kiện nêu rõ: "Việc WeWork không thể IPO có trách nhiệm thuộc về khả năng quản lý yếu kém của ông Adam Neumann. Dù vậy, ông ta vẫn được nhận mức phí cố vấn tới 185 triệu USD. Đây là khoản tiền phi lý bởi chính nhà đầu tư SoftBank cũng kết luận Neumann là người phá hoại công ty."
Hiện cả WeWork, SoftBank và bên đâm đơn kiện chưa có bất cứ phản hồi gì thêm.
Cựu nhân viên đâm đơn kiện từng giữ vị trí trợ lý điều hành cho ban lãnh đạo WeWork trong 17 tháng trước khi nộp đơn xin nghỉ vào đầu năm nay. Trong quá trình làm việc, người này được nhận cổ phiếu ưu đãi dành cho nhân viên.
Hiện SoftBank vẫn đang tiếp tục "bơm" tiền để cứu WeWork. Trước đó, họ đã đầu tư vào startup này tới 10 tỷ USD, góp phần tạo nên mức định giá ảo 47 tỷ USD. Mọi chuyện chỉ vỡ lở khi hồ sơ IPO xác định công ty chỉ ở mức 10 tỷ USD. Đây là một bài học nhớ đời dành cho tỷ phú Masayoshi Son, người nổi danh với các khoản đầu tư "liều ăn nhiều" từ trước tới nay.
Nếu không có gói cứu trợ của SoftBank, rất có thể WeWork sẽ phải phá sản. Mới đây nhất, Masayoshi Son đã nêu 3 việc cần làm ngay nhằm vực dậy startup này. Đó là: Tạm dừng ký hợp đồng với văn phòng mới, cắt giảm chi phí hoạt động và loại bỏ những mảng kinh doanh không đem lại lợi nhuận.