Sáng 26/6, Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex, HoSE: PLX) tổ chức họp ĐHĐCĐ thường niên theo hình thức trực tuyến. Cuộc họp diễn ra trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến các hoạt động của nền kinh tế, theo đó tác động tiêu cực đến tình hình kinh doanh của nhà bán lẻ xăng dầu lớn nhất nước.
Việc Petrolimex ứng phó và xây dựng kế hoạch kinh doanh 2020 như thế nào trong bối cảnh này, vì thế trở thành nội dung được cổ đông quan tâm nhất, cùng với đó là hoạt động tái cơ cấu, thoái vốn Nhà nước và các định hướng lâu dài khác của tập đoàn.
Quý II ước lãi 350 tỷ đồng, ít nhất hoàn thành kế hoạch năm
Trình bày báo cáo đầu cuộc họp, Thành viên HĐQT, Tổng giám đốc Phạm Đức Thắng nhìn nhận lại 2019 là một năm kinh tế tăng trưởng tốt, song thị trường cũng xuất hiện những yếu tố ảnh hưởng đến ngành xăng dầu như giá thế giới biến động mạnh, nguồn cung trong nước chưa ổn định, tình trạng cạnh tranh không lành mạnh của các đại lý nhỏ…
Trong bối cảnh đó, Petrolimex cũng có một năm thành công, cơ bản đạt được các chỉ tiêu sản lượng, lợi nhuận… Doanh thu tuy không đạt chủ yếu do ảnh hưởng giá thế giới, song lợi nhuận công ty mẹ vẫn đạt 100% kế hoạch, cổ tức đạt 30% như phương án trình đại hội.
Tuy nhiên bước sang những tháng đầu năm 2020, với tác động trên phạm vi toàn cầu của dịch Covid-19, xăng dầu là một trong những mặt hàng bị ảnh hưởng nặng nề nhất khi các hoạt động kinh tế bị đình trệ. Không chỉ hoạt động kinh doanh toàn tập đoàn bị ảnh hưởng, thể hiện ở con số lỗ sau 6 tháng đầu năm mà kết quả kinh doanh tại từng công ty thành viên cũng phản ánh rất rõ. Số liệu cụ thể được Chủ tịch HĐQT Phạm Văn Thanh cung cấp như sau:
Tuy vậy, sau quý I đi xuống rất mạnh, tình hình kinh doanh quý II đã có sự đảo chiều, dù tốc độ đi lên khó có thể theo kịp đà giảm của đột ngột của quý I. Petrolimex là doanh nghiệp lớn, luôn có lợi thế là có tồn kho, cùng với việc thực hiện dự trữ lưu thông theo quy định tại Nghị định 83 nên có lợi thế nhất định khi thị trường phục hồi.
“Hiện chưa kết thúc tháng 6, nên các kết quả mới có thể tính toán dựa trên giá điều hành dự kiến và giá mua. Song ước tính quý II, tập đoàn có thể ghi nhận mức lãi khoảng 350 tỷ đồng”, Phó Tổng giám đốc Trần Ngọc Năm tính toán.
Cùng với dự báo thị trường có thể khởi sắc trong giai đoạn cuối năm và các biện pháp tích cực được triển khai trong toàn "hệ sinh thái", lãnh đạo Petrolimex cho rằng tập đoàn tối thiểu có thể hoàn thành kế hoạch lợi nhuận hợp nhất cả năm 1.570 tỷ đồng.
Trước đó, theo tài liệu trình ĐHĐCĐ, Tập đoàn Xăng dầu đề ra chỉ tiêu sản lượng giảm 17% còn gần 11,5 triệu m3,tấn. Lợi nhuận trước thuế hợp nhất giảm 72% so với năm 2019. Tỷ lệ chia cổ tức tối thiểu 12%. Kế hoạch này dựa trên kịch bản giá Xăng 42 USD/thùng, dầu DO 47 USD/thùng, KO 44 USD/thùng và FO 250 USD/tấn.
Năm 2019, Petrolimex chốt mức cổ tức 30%, tương đương với số tiền chi ra 3.572 tỷ đồng. Nguồn chia được lấy từ lợi nhuận chưa phân phối và quỹ khác thuộc vốn chủ sở hữu (để chi trả cổ tức cho cổ đông theo kết luận của Kiểm toán nhà nước).
Dù thị trường nhiều biến động song tập đoàn này vẫn hoàn thành vượt mức các chỉ tiêu sản lượng và lợi nhuận đề ra. Sản lượng đạt gần 13,9 triệu m3,tấn, vượt 14% kế hoạch năm. Lợi nhuận trước thuế hợp nhất đạt 5.648 tỷ đồng, vượt 8% kế hoạch đề ra.