Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex, mã CK: PLX) mới đây thông báo cuộc họp Đại hội đồng cổ đông bất thường năm 2022 dự kiến diễn ra lúc 8h30 ngày 6/12 tới đây.
Trong dự thảo tờ trình Đại hội đồng cổ đông bất thường năm 2022, Tập đoàn Petrolimex đã trình bày về chiến lược tái cấu trúc, thoái vốn, sắp xếp lại doanh nghiệp giai đoạn 2021-2025.
Theo đề án tái cơ cấu, Petrolimex cho biết dù đã có lộ trình thoái vốn về mức trên 50-65%, nhưng Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp hồi tháng 9/2022 đã ban hành chỉ đạo về việc giữ nguyên tỷ lệ sở hữu vốn Nhà nước tại Tập đoàn, cụ thể là 75,87% vốn điều lệ trong giai đoạn 2021-2025. Do đó, Tập đoàn sẽ duy trì tỷ lệ này trong giai đoạn nêu trên.
Đối với các công ty thành viên, Petrolimex cho biết trong giai đoạn 2022-2023 sẽ tập trung thoái vốn tại Ngân hàng TMCP Xăng dầu Petrolimex (PG Bank, mã CK: PGB). Tuy nhiên, với các công ty thuộc mảng kinh doanh xăng dầu - cũng là mảng cốt lõi, Petrolimex sẽ đảm bảo nắm quyền sở hữu chi phối trong giai đoạn 2021-2025.
Cụ thể, Tập đoàn sẽ tiếp tục nắm giữ tỷ lệ sở hữu 100% với 43 công ty trong lĩnh vực kinh doanh xăng dầu trực thuộc; giữ tỷ lệ 100% sở hữu tại Công ty TNHH MTV Petrolimex Singapore. Đồng thời thoái toàn bộ 100% vốn Tập đoàn tại Công ty TNHH MTV Petrolimex Lào thông qua hình thức trực tiếp hoặc gián tiếp.
Đối với các công ty thuộc ngành nghề kinh doanh có liên quan phục vụ trực tiếp ngành, lĩnh vực kinh doanh chính và ngành nghề kinh doanh khác, Tập đoàn sẽ tiếp tục nghiên cứu, đánh giá và xây dựng các phương án tái cơ cấu cụ thể, phù hợp với tình hình sản xuất kinh doanh thực tiễn và điều kiện phát triển của Tập đoàn để đáp ứng sự thay đổi của nền kinh tế trong và ngoài nước.
Trong đó, với các công ty thuộc ngành nghề kinh doanh phục vụ trực tiếp mảng xăng dầu, Petrolimex sẽ tiếp tục nắm giữ tỷ lệ trên 50% với Tổng công ty Hóa dầu Petrolimex (PLC), Tổng công ty Gas Petrolimex (PGC), Công ty cổ phần Nhiên liệu bay Petrolimex, Công ty TNHH Liên doanh kho ngoại quan Vân Phong. Ngoài ra, Tập đoàn sẽ giữ tỷ lệ sở hữu 35% tại Công ty TNHH BP Petco.
Với các công ty thuộc ngành nghề khác, Petrolimex dự kiến thoái 100% vốn tại Tổng công ty Xây lắp và Thương mại Petrolimex, và duy trì nắm giữ 40,95% tỷ lệ sở hữu tại Tổng công ty cổ phần Bảo hiểm Petrolimex (PGI).
Bên cạnh đó, "ông lớn" ngành xăng dầu này cũng trình Đại hội cổ đông bản điều chỉnh chỉ tiêu kế hoạch sản xuất kinh doanh năm 2022.
Theo đó, Petrolimex đề nghị điều chỉnh chỉ tiêu kinh doanh toàn tập đoàn với kế hoạch doanh thu tăng từ 186.000 tỷ đồng lên 240.000 tỷ đồng. Tuy nhiên, doanh nghiệp lại giảm chỉ tiêu kế hoạch lợi nhuận trước thuế từ mức 3.060 tỷ đồng xuống còn 300 tỷ đồng, tương ứng giảm khoảng 90%.
Doanh nghiệp cho biết việc điều chỉnh các chỉ tiêu do các nguyên nhân bất khả kháng. Trong đó, chỉ tiêu lợi nhuận trước thuế đề nghị điều chỉnh được căn cứ theo các thông tin thị trường xăng dầu thế giới tại thời điểm báo cáo.
Theo tập đoàn, năm 2022, dưới tác động của rất nhiều yếu tố liên quan đến biến động bất thường của giá dầu và nguồn cung năng lượng thế giới, cơ chế vận hành liên quan đến cấu thành giá cơ sở và sự cố từ Nhà máy Lọc dầu Nghi Sơn đã làm cho hoạt động kinh doanh xăng dầu của toàn tập đoàn bị ảnh hưởng trực tiếp và trọng yếu.
Theo "ông lớn" xăng dầu này, 9 tháng đầu năm, đặc biệt vào các thời điểm biên độ giá tăng lớn nhu cầu xăng dầu dồn về Petrolimex mạnh, khiến cho sản lượng tiêu thụ của tập đoàn tăng cao trên tất cả các kênh bán hàng.
Sản lượng tiêu thụ tăng đột biến tạo áp lực lớn trong công tác tạo nguồn của tập đoàn. Lượng hàng tồn kho sụt giảm rất nhanh vào những chu kỳ xu hướng giá tăng dẫn đến tập đoàn phải nhập mua đuổi để kịp thời bù đắp và đảm bảo nguồn cung cho nhu cầu tiêu thụ trong nước.
Trong tờ trình về kế hoạch sản xuất kinh doanh giai đoạn 2021-2025, Petrolimex dự kiến doanh thu hợp nhất trong giai đoạn này đạt 971.009 tỷ đồng, 14.139 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế và nộp ngân sách khoảng 171.626 tỷ đồng.