Thế giới biết đến Warren Buffett là một huyền thoại đầu tư nhưng ít ai biết nhà tiên tri xứ Omaha đã thua trắng tay trước một người đàn ông không mấy danh tiếng.
Tháng 7/2017, Bloomberg thực hiện một bài viết với tựa đề "Nỗi khiếp sợ của những CEO" – bài viết này nói đến một người đàn ông Do Thái 72 tuổi có tên Paul Singer. Không nhiều nhà đầu tư biết đến cái tên này, nhưng CEO những tập đoàn lớn nhất thế giới thì không ai là không biết đến nhà đầu tư được mệnh danh là "kền kền chúa" trên thị trường tài chính.
Là người chinh chiến trong trong lĩnh vực đầu tư suốt 40 năm, Paul Singer nhắm vào công ty khai mỏ lớn nhất thế giới, gây chiến với Warren Buffett ở công ty phân phối điện lớn nhất bang Texas, hạ bệ hàng loạt CEO của các công ty lớn ở cả hai bên bờ Đại Tây Dương và gần nhất là dính dáng đến một loạt vụ kiện dẫn đến cựu Tổng thống Hàn Quốc Park Geun-hye bị phế truất.
Tạp chí Fortune miêu tả Paul Singer là một trong những "nhà quản lý quỹ thông minh nhất và cũng ngoan cố nhất" trong giới đầu cơ.
Là một người có vẻ mặt lạnh lùng, lầm lì, thích sống ẩn dật xa rời đám đông, nhưng những thương vụ của ông lại là đề tài mà báo chí tốn không ít giấy mực. Paul Singer được không ít người gọi là "nhà tư bản trục lợi", "con kền kền" vì những thương vụ có phần tàn ác với hậu quả thảm khốc dành cho không ít cá nhân và doanh nghiệp đối đầu với ông.
Tuy nhiên, người đàn ông này coi đó là như một điểm tích cực để thu hút các khách hàng đến với quỹ Elliott Management. "Chuyện đó không khiến tôi thấy phiền nữa", ông nói trên Bloomberg TV và cho rằng sẽ tốt khi các lãnh đạo doanh nghiệp lắng nghe.
Và điều làm nên sự thành công của quỹ đầu tư hơn 30 tỷ USD là phong cách đầu tư có phần ngược đời, tàn nhẫn nhưng không kém phần hiệu quả của Paul Singer.
Ai từng học qua những giáo trình về tài chính, đọc những cuốn sách về đầu tư đều biết rõ triết lý bao trùm lên các lý thuyết đầu tư kinh điển là phải tìm ra các công ty tốt rồi bỏ tiền vào đó. Và những nhà đầu tư cũng thường nhắc đến những phương pháp đầu tư "như Warren Buffett" hay "phương án Canslim". Tuy nhiên, không ai nhắc đến phương pháp đầu tư như "Paul Singer" không có nghĩa là nó không hiệu quả. Khi mọi người đều hướng vào các tốt thì người đàn ông gốc Do Thái này chọn nước đi hoàn toàn khác "bỏ tiền và những tài sản xấu".
Nói một cách dễ hiểu hơn, Paul Singer đi theo chiến lược săn lùng các "zombie" trong lĩnh vực tài chính và tìm cách kiếm lời từ những thứ mà mọi người ngoảnh mặt.
Một trong những "chiến công" kinh điển của nhà đầu tư này là đánh bại Chính phủ Argentina – một quốc gia trên bờ vực vỡ nợ. Là một chủ nợ của Argetina khi sở hữu số trái phiếu mà nước này phát hành từ năm 2001 do đứng trước nguy cơ vỡ nợ, quỹ Elliott của Paul Singer đã từ chối lời đề nghị hoán đổi nợ mà Chính phủ Argentina đưa ra. Ông là người dẫn đầu một nhóm các quỹ đầu cơ cố gắng kiếm lợi nhuận từ nợ của Argentina trong khi các nhà đầu tư khác chấp nhận mất gần hết tài sản. Cuộc kiện tụng giữa Singer và Chính phủ Argentina kéo dài tới 15 năm.
Trong cuộc chiến dài đằng đẵng này, Elliott đã thành công trong việc buộc Argentina phải quay trở lại bàn đàm phán bằng cách triệt tiêu khả năng vay mượn trên thị trường quốc tế của nước này, đồng thời tìm cách tịch thu tài sản. Năm 2012, quỹ thu giữ con tàu của Chính phủ Argentina đang neo đậu ở Ghana. Thậm chí Tổng thống Argentina từng phải thuê máy bay thương mại vì sợ các chủ nợ sẽ bắt giữ máy bay chở Tổng thống. Cuối cùng thì năm 2016, Chính phủ Argentina đã phải đầu hàng và Elliott nhận được 2,4 tỷ USD – số tiền cao gấp 4 lần so với mệnh giá của số trái phiếu mà quỹ này nắm giữ.
Cách thức làm việc của Paul Singer là minh chứng rõ ràng nhất cho câu nói "không có tài sản xấu hay tốt, chỉ có tài sản mang lại lợi nhuận hoặc không".
Dù vậy, cũng như nhà đầu tư huyền thoại Warren Buffett, việc bắt chước phong cách đầu tư của những huyền thoại này là điều không khả thi với những "tay chơi" trên thị trường chứng khoán. Thông thường các vụ kiện hay khoản đầu tư mà Paul Singer theo đuổi có thể kéo dài hàng năm trời với những tình tiết phức tạp, cũng như câu chuyện nắm giữ cổ phiếu của nhà tiên tri xứ Omaha. Tuy nhiên, câu chuyện này lại mở ra một ý tưởng khác.
Thị trường chứng khoán được xem như một cái chợ, có món hàng tốt, món hàng xấu, nhưng không phải mọi món hàng xấu đều là thứ bỏ đi.
Không ít cổ phiếu thuộc dòng Penny với mức giá ngang cốc trà đá, mớ rau đã mang đến cơ hội làm giàu cho những nhà đầu tư sở hữu nhờ sự phục hồi trở lại, hoặc ít nhất là không xấu như trước.
Điều quan trọng không phải bạn mua cổ phiếu nào mà là bạn có thể kiếm tiền từ cổ phiếu đó hay không. Không có cổ phiếu tốt hay xấu, chỉ có cổ phiếu giúp bạn kiếm tiền hoặc khiến bạn mất tiền.