Từ lâu, Panasonic đã sản xuất nhiều loại pin khác nhau. Ngoài pin cho xe điện, công ty có trụ sở tại Osaka, hãng còn sản xuất các tấm pin mặt trời, pin nhiên liệu hydro và pin lưu trữ để sử dụng tại nhà, văn phòng và nhà máy.
Yuki Kusumi, CEO kế nhiệm cựu CEO Kazuhiko Tsuga của Panasonic đã vạch ra chiến lược kinh doanh mới, đặt cược vào thế mạnh về pin để tăng lợi nhuận cho công ty
Kusumi cho biết, công ty hiện đang phát triển một hệ thống năng lượng quy mô nhỏ, có thể cung cấp năng lượng cho các văn phòng và nhà máy mà không cần sử dụng nhiên liệu hóa thạch.
Hệ thống này sẽ kết hợp với pin nhiên liệu, các tấm pin mặt trời và pin lưu trữ, để linh hoạt trong vấn để sử dụng năng lượng. Ví dụ vào những ngày nắng sẽ sử dụng năng lượng mặt trời; dùng pin nhiên liệu vào những ngày nhiều mây và ban đêm, và tận dụng nguồn điện đã được lưu trữ trong pin. Hệ thống này sẽ có khả năng sản xuất điện với giá thành thấp hơn giá điện hiện hành.
Nhu cầu về hệ thống kể trên dự kiến sẽ tăng lên đáng kể trong thời gian tới, chí ít là tại Nhật Bản, khi tân Thủ tướng Yoshihide Suga cam kết đạt mức phát thải carbon bằng 0 vào năm 2050.
Công ty đặt mục tiêu doanh thu 300 tỷ yên (2,7 tỷ USD) vào năm 2030, bằng cách mở rộng thị trường ở Nhật Bản, Trung Quốc và châu Âu cùng một số quốc gia khác.
Vị CEO này cũng tiết lộ, liên doanh với Tesla là một trong những nhiệm vụ quan trọng trong lĩnh vực phát triển năng lượng sạch của Panasonic. Đồng thời, ông cũng nhấn mạnh, công ty sẽ giữ vững lợi thế công nghệ trong lĩnh vực này, trong bối cảnh phải đối mặt với sự cạnh tranh gay gắt của các công ty khác như CATL (Trung Quốc) và LG Chem (Hàn Quốc).
Cùng với đó, Panasonic sẽ tập trung phát triển dòng pin mới - có mã "4680" - loại được Tesla đã trình làng vào năm ngoái. Loại pin này được kỳ vọng sẽ mở rộng phạm vi phủ sóng của xe điện Tesla khiến chúng có giá phải chăng hơn.