Ngày pháp luật

Ông Phạm Văn Học - Chủ tịch HĐTV Hệ thống y tế Hùng Vương: “Xây dựng thương hiệu từ lương tâm, đạo đức và trách nhiệm”

Đức Khiêm

Kinh doanh thành công là một bài toán khó, nhưng càng khó hơn, nếu bạn luôn đặt lương tâm và trách nhiệm vào trong đó. Chủ tịch HĐTV Hệ thống y tế Hùng Vương Phạm Văn Học là một trong những người luôn đau đáu, hướng tới mục tiêu này và ông đã nỗ lực hết mình để hoàn thành sứ mệnh đó. Tâm tư thầm kín này được ông sẻ chia với DN&PL trong ấn phẩm đặc biệt kỷ niệm 16 năm ra mắt.

Có được thành công như ông là điều không phải ai cũng làm được. Ông có thể tổng kết lại những dấu ấn, thành quả mà mình đã nỗ lực có được trong suốt thời gian qua? 

Tôi không tự nhận mình là một người thành công bởi khi bước chân vào ngành y, tôi tự nhận thấy những gì mình đã và đang có chỉ như hạt cát giữa sa mạc. Tuy nhiên, trong 14 năm lăn lộn với nghề bằng lương tâm, đạo đức, trách nhiệm tôi cũng có cho bản thân và doanh nghiệp một số thành tựu nhất định.

Ông Phạm Văn Học - Chủ tịch HĐTV Hệ thống y tế Hùng Vương.
Ông Phạm Văn Học - Chủ tịch HĐTV Hệ thống y tế Hùng Vương.

Đầu tiên, tôi và các cộng sự đã gây dựng được Hệ thống y tế Hùng Vương với 2 bệnh viện ở Phú Thọ, Gia Lai tổng quy mô hơn 800 giường bệnh, 3 phòng khám vệ tinh và nhiều công ty con trực thuộc hoạt động trong lĩnh vực y tế. Trong tương lai gần, công ty chúng tôi sẽ mở rộng địa bàn với mong muốn đem đến dịch vụ y tế hoàn hảo đến với các khu vực mà người dân có nhu cầu.

Thứ hai, tôi có được sự đồng hành, ủng hộ, hỗ trợ nhiệt tình của các thầy, các nhà khoa học, đồng nghiệp cả trong nước lẫn nước ngoài và một đội ngũ nhân sự tinh thông, luôn biết học hỏi và trau dồi về y đức, y thuật, y lý.

Thứ ba, bằng nhiều cách cả trực tiếp lẫn gián tiếp, tôi đã góp phần đưa tiếng nói của nhân sự ngành y đến với các đơn vị Nhà nước, các diễn đàn nhằm tạo ra một môi trường y tế lành mạnh, công bằng.

Thứ tư, cá nhân tôi và các cộng sự cũng như doanh nghiệp được người dân tín nhiệm, tôn trọng - các đối tác gắn kết và thành quả được cơ quan Nhà nước từ cấp Trung ương đến địa phương ghi nhận bằng nhiều hình thức như bằng khen của Thủ tướng Chính phủ, Bằng khen của Bảo hiểm xã hội Việt Nam, Cờ thi đua của Bộ Y tế, Bộ Tư pháp vinh danh “Gương sáng Pháp luật”…

Tôi luôn biết ơn và ghi tạc những sự giúp đỡ, động viên để có được những thành tựu này. Và tôi hiểu, cá nhân tôi và các cộng sự sẽ phải cố gắng nhiều hơn để đáp lại những tình cảm đó.

Để thành công trong lĩnh vực kinh doanh đã khó. Trên vai ông còn gánh vác thêm trách nhiệm với nền y tế cộng đồng và khát vọng thiết lập sự công bằng trong hệ thống khám chữa bệnh. Ngần ấy trọng trách có quá nặng nề? Làm thế nào ông có thể “làm tròn” các sứ mệnh đó? 

Tôi có hai niềm đam mê và thật may mắn vì được sống với nó, đó chính là luật và y tế. Tôi không coi đó là sự nặng nề mà thấy vinh dự vì tiếng nói của mình về y tế cộng đồng cũng như công bằng trong hệ thống khám chữa bệnh được đại đa số lãnh đạo, nhân dân hưởng ứng. Bản thân tôi cũng chưa dám nhận hai chữ “làm tròn” vì năng lực cũng có giới hạn nhưng tôi biết cách điều tiết công việc cũng như hài hoà lợi ích giữa doanh nghiệp, cá nhân với lợi ích của người bệnh, cộng đồng và các đồng nghiệp. Với tôi, đây là tôn chỉ khi bước chân vào lĩnh vực kinh doanh - đặc biệt là kinh doanh trong ngành y cao quý, một ngành mà nhân viên y tế vẫn luôn được gọi là “thầy”.

Tôi biết ông vẫn luôn đau đáu với bài toán công bằng trong lĩnh vực khám chữa bệnh. Vì sao ông lại đặt nặng trọng trách này đến vậy? Đâu là tâm huyết, điều mà ông mong muốn có được? 

Công bằng trong lĩnh vực y tế là điều mà tôi muốn hướng tới. Bởi xã hội luôn phân chia dưới nhiều hình thái nhưng khi ốm đau, bệnh tật hay cần sự chăm sóc y tế thì ai cũng như ai. Do vậy, sự công bằng trong y tế là cần thiết để người dân đạt được sự hài lòng với nhu cầu cơ bản, chính đáng của mình.

Điều mà tôi luôn trăn trở, mong muốn đó chính là một môi trường y tế lành mạnh, trong sạch, ba chủ thể chính của ngành y có sự hài hoà về lợi ích; Người bệnh được thụ hưởng dịch vụ y tế tốt nhất và ở đâu cũng như nhau; Nhân viên y tế được tôn trọng, có thể sống với nghề bằng lương tâm, y đức và làm việc trong môi trường y tế như nhau; Cơ sở khám chữa bệnh được đón nhận, đối xử về chính sách tương đồng cho dù là công lập hay tư nhân.

Ông Phạm Văn Học - Chủ tịch HĐTV Hệ thống y tế Hùng Vương: “Xây dựng thương hiệu từ lương tâm, đạo đức và trách nhiệm” - Ảnh 1

Có khi nào ông tự hỏi: Các thành quả hiện tại của mình đến từ đâu? Theo ông, yếu tố nào quyết định sự thành công của doanh nghiệp nói riêng và một người nói chung? Mỗi khi khó khăn ập đến, ông thường làm gì để vượt qua thách thức đó? 

Tôi hiểu rằng không ai thành công mà đi một mình một con đường cả. Để có được những thành quả, ngoài những nỗ lực của tôi và các cộng sự, chúng tôi đã nhận được nhiều sự động viên, giúp đỡ tận tâm, trong sáng của các cấp lãnh đạo, sự đồng thuận, đùm bọc và tin yêu của bà con nhân dân, sự gắn kết và hợp tác của các đối tác, sự sẻ chia của các thầy cô, các nhà khoa học.

Theo quan điểm của tôi và hầu hết các nhân sự thuộc Hệ thống y tế Hùng Vương, yếu tố quyết định sự thành công của doanh nghiệp cũng như một người đó chính là định hướng. Chúng tôi xây dựng thương hiệu theo định hướng từ lương tâm, đạo đức, trách nhiệm và tôn thờ định hướng đó. Khi có định hướng thì cái đích phải đến sẽ rõ ràng hơn - con đường tới đích cũng được xác định - phương án tới đích cũng được đặt ra. Tất nhiên, định hướng phải đúng đắn!

Để đến được đích sẽ có nhiều chông gai và khó khăn ập đến là chuyện không tránh khỏi. Mỗi khi gặp khó, tôi nghĩ đến đoạn đường đã trải qua, nghĩ đến những nỗ lực của mình và các cộng sự, nghĩ đến mồ hôi, máu và nước mắt đã nếm trải để thấy “tiếc” và có thêm nghị lực để vượt qua. Với tôi, đoạn đường phía trước còn rất dài và còn nhiều khó khăn, thử thách, nhưng tôi tin chúng tôi có đủ nhiệt huyết, tinh thần để đạt tới điều mà chúng tôi mong muốn. Bởi tôi biết, định hướng và con đường chúng tôi đang đi là đúng đắn!

Trân trọng cảm ơn và chúc cho những mỏi mong, khát vọng của ông  sẽ thành hiện thực!

 

“Mỗi khi gặp khó, tôi nghĩ đến đoạn đường đã trải qua, nghĩ đến những nỗ lực của mình và các cộng sự, nghĩ đến mồ hôi, máu và nước mắt đã nếm trải để thấy “tiếc” và có thêm nghị lực để vượt qua…”

Tin Cùng Chuyên Mục