Vừa qua, Ngân hàng số Timo đã tổ chức buổi lễ công bố chính thức đối tác ngân hàng hợp tác chiến lược đồng hành trong giai đoạn mới là Ngân hàng Bản Việt (Viet Capital Bank), đồng thời công bố tên gọi mới là Timo Plus.
Sau khi về một nhà với Ngân hàng Bản Việt, Ngân hàng số Timo có CEO mới, là ông Nguyễn Bảo Hoàng, CEO của Quỹ đầu tư IDG Ventures tại Việt Nam (IDGVV), chuyên đầu tư vào các công ty thuộc lĩnh vực tiêu dùng, công nghệ, truyền thông và viễn thông tại Việt Nam từ năm 2004.
Ông Bảo Hoàng là nhân vật có tiếng trong giới đầu tư tài chính Việt Nam, và cộng đồng nhà đầu tư Mỹ. Hiện tại ông cũng chính là thành viên Hội đồng quản trị Ngân hàng Bản Việt.
Trước khi gia nhập IDGVV, ông Bảo Hoàng từng là cộng sự của Ngân hàng đầu tư Goldman Sachs tại New York, trường Đại học Y khoa Harvard và Bệnh viện Northwestern Memorial. Ông là Giám đốc Nhượng quyền Phát triển của tập đoàn McDonald’s tại Việt Nam.
Tại buổi ra mắt Timo Plus, dưới tư cách CEO mới của Timo, ông Nguyễn Bảo Hoàng chia sẻ: “So với thế giới, thị trường ngân hàng số tại Việt Nam vẫn đang trong giai đoạn hình thành và còn nhiều tiềm năng phát triển. Việt Nam với dân số đông và lực lượng lao động trẻ năng động chính là một điểm cộng thuận lợi.”
Ông Hoàng nhận định đây chính là thời điểm vàng để ngành công nghệ tài chính phát triển, thu hút và mở rộng tập khách hàng. Nhóm dân số vàng tại Việt Nam hiện nay là những người sẵn sàng tiếp nhận trải nghiệm mới và những thay đổi công nghệ hiện đại.
Mục tiêu của Timo Plus là mang lại trải nghiệm Ngân hàng số trên điện thoại thông minh “thật tinh gọn, xác thực người dùng đơn giản, giao diện thân thiện, tiện lợi mà bất cứ ai cũng sử dụng được”.
Ngân hàng này cho biết, sau năm năm vận hành, Timo có hơn 350.000 tài khoản đăng ký sử dụng và mở được bốn điểm giao dịch tại bốn thành phố lớn.
Cuối tháng 7/2020, Ngân hàng số Timo thông báo với khách hàng có đối tác mới với Ngân hàng Bản Việt sau thời gian hợp tác với VPBank. Vào thời điểm Timo thành lập năm 2016, do Việt Nam chưa có khung pháp lý cho các startup hoạt động trong dịch vụ ngân hàng số, đơn vị này hợp tác với ngân hàng VPBank để làm đối tác bảo trợ.
Điều này đồng nghĩa với việc khách hàng đăng kí Timo đều là các tài khoản VPBank. Trong đó, các giao dịch như chuyển tiền, thanh toán hóa đơn, gửi tiết kiệm, bảo hiểm, đầu tư đều thông qua VPBank.
Timo cũng tận dụng hệ thống máy ATM của tất cả các ngân hàng và cho phép khách hàng rút tiền miễn phí ở tất cả các máy của ngân hàng trong hệ thống của NAPAS.
Hiện mô hình “cà phê ngân hàng” của Timo có bốn chi nhánh tại TP HCM, Hà Nội, Đà Nẵng và Cần Thơ. Timo là một trong những ngân hàng tiên phong tích hợp các tính năng vay và gửi tiết kiệm trên ứng dụng.
Trong cuộc đua khốc liệt để thu hút khách hàng cùng với sự bùng nổ của những ứng dụng fintech, những năm gần đây, các ngân hàng thương mại Việt Nam chú ý nhiều hơn đến những tiện ích ngân hàng số.
Techcombank, VPBank, TPBank... bắt đầu cuộc đua cải tiến các ứng dụng ngân hàng của mình từ nhiều năm nay. Lãnh đạo của một ngân hàng cho biết, ngân hàng có quy mô càng nhỏ thì việc chuyển đổi số càng bớt phức tạp.
“Chuyển đổi số là xu thế tất yếu của hiện tại và tương lai đối với các ngân hàng bởi bối cảnh xã hội cũng như sự thay đổi nhanh chóng của công nghệ làm dịch chuyển thói quen người tiêu dùng. Ngân hàng Bản Việt cũng không nằm ngoài xu thế này”, ông Ngô Quang Trung, Tổng Giám đốc của Ngân hàng Bản Việt chia sẻ.
Chiến lược sắp tới của Bản Việt là cung cấp nền tảng và dịch vụ ngân hàng cho các đối tác hoạt động trong lĩnh vực công nghệ tài chính (fintech). Do đó, ngân hàng này sẽ đẩy mạnh hợp tác với các công ty Fintech để tạo ra nhiều trải nghiệm cho khách hàng ngân hàng.
Ông Don Lam, Tổng Giám đốc Tập đoàn VinaCapital, người sáng lập và là một trong những nhà đầu tư ban đầu của Timo chia sẻ từ khi thành lập ngân hàng số này xác định trọng tâm làm sản phẩm với trải nghiệm khác biệt về dịch vụ ngân hàng số. Nhân sự đến từ những lĩnh vực khác ngoài ngân hàng truyền thống để hỗ trợ cho mục tiêu này.