Câu trả lời xuất hiện ngay trong đầu là không nên, vì bình thường mở ra kinh doanh là đã đủ rủi ro rồi, bây giờ kinh tế khó khăn như vậy thì rủi ro gấp bội!
Đó là câu trả lời nhanh theo phản xạ bình thường, còn câu trả lời có tính toán sâu hơn một chút sẽ còn tuỳ, vì nếu có một ý tưởng tốt có thể đáp ứng được một nhu cầu rõ ràng của thị trường thì tại sao không!
Rủi ro thật sự ở đây phải được hiểu là đi khởi nghiệp hay mở kinh doanh mới vào đúng một lĩnh vực mà nhu cầu thị trường đã bão hoà hay đang đi xuống, chẳng khác nào lái xe mà đâm đầu vào mấy con đường đang kẹt xe kín mít.
Tác giả Chan Kim và Renee Mauborgne của cuốn sách best seller Chiến Lược Đại Dương Xanh (Blue Ocean Strategy) gọi mấy con đường kẹt xe đó là “đại dương đỏ” - một thị trường cạnh tranh đầy máu!
Nói cách khác, môi trường kinh tế dù có thuận lợi đến cỡ nào đi nữa mà mở hoạt động kinh doanh mới ngay vào trong tâm bão thì chỉ có từ chết đến bị thương.
Nên theo hai tác giả này, các hoạt động kinh doanh mới nên tìm cách đi vào các “đại dương xanh” với ít hoặc chưa có đối thủ cạnh tranh mà nhu cầu thị trường lại rất lớn.
Đúng ra chính các hoạt động kinh doanh mới này sẽ là người khai mở, đánh thức và đáp ứng những nhu cầu đang tiềm tàng trong thị trường. Một khi những nhu cầu này mà được “gãi đúng chỗ ngứa” thì thời điểm nào, bối cảnh kinh tế nào không còn quan trọng nữa.
Ví dụ như ngay lúc này (thời dịch bệnh Covid-19) mà đi khởi nghiệp hay mở thêm kinh doanh trong các lãnh vực, ngành nghề liên quan hay phải dựa vào du khách quốc tế thì vô cùng rủi ro.
Vì việc đi đứng qua lại giữa các biên giới không biết bao giờ mới được khai thông trở lại hoàn toàn, chưa kể tâm lý của người tiêu dùng còn tiếp tục chịu ảnh hưởng một thời gian dài sau đó.
Nhưng cũng chính những rào cản, khó khăn, thay đổi trong và sau dịch cúm mà hàng loạt cơ hội mới lại mở ra, tạo điều kiện cho các “đại dương xanh” hình thành.
Phát hiện ra các nhu cầu mới này của thị trường sẽ là chiếc chìa khoá thành công bằng vàng cho các doanh nghiệp.
Vậy nhu cầu mới đó là gì, nằm ở lãnh vực nào? Mỗi nước, mỗi thành phố, mỗi thị trường có những đặc điểm khác nhau nên thành công sẽ tuỳ vào độ nhạy bén và phương thức triển khai của mỗi doanh nghiệp.
Nhiều chuyên gia quốc tế thì cho rằng các lĩnh vực kinh doanh liên quan đến giáo dục dành cho trẻ em (children education), làm việc tại nhà (work from home), quản trị chuỗi cung ứng (managing supply chains), thậm chí các dịch vụ cắt tóc, khám bệnh, giải trí trong điều kiện mới sẽ lên ngôi - nếu các nhà kinh doanh biết đưa ra các giải pháp sáng tạo, hợp thời.
Tóm lại, trong thời buổi kinh tế khó khăn đầy thử thách như hiện nay không hẳn là mọi ý tưởng startup hay mở thêm hoạt động kinh doanh mới đều khó khăn, thui chột. Mà ngược lại, nếu các doanh nghiệp biết tìm ra các giải pháp để đáp ứng nhu cầu mới của thị trường phát sinh trong bối cảnh như vậy, thì khó khăn sẽ trở thành cơ hội.
Hơn nữa, đây là lúc cạnh tranh ít nhất, nhiều cơ hội hợp tác nhất, giá thuê mặt bằng rẻ nhất, nhân công tràn đầy nhất, và quan trọng nhất là rất nhiều nhu cầu mới của thị trường lại đang phát sinh, nảy nở trong thời gian này.
Suy cho cùng đối với một doanh nghiệp, nhu cầu của thị trường vẫn luôn là cái gốc của mọi lý do để xuất hiện và tồn tại.