Dự án nhà máy sản xuất văn phòng phẩm Deli Hải Dương được xây dựng tại Khu công nghiệp Đại An mở rộng giai đoạn 2. Dự án này sử dụng diện tích đất hơn 21ha, với tổng số vốn đầu tư gần 6.500 tỷ đồng (tương đương 270 triệu USD); thời hạn hoạt động đến ngay 1/1/2073..
Dự kiến, mỗi năm nhà máy cung cấp ra thị trường hơn 104 triệu sản phẩm văn phòng phẩm từ giấy, nhựa; hơn 33 triệu sản phẩm hồ, keo dán dạng khô và dạng nước; hơn 23,7 triệu sản phẩm hàng gia dụng, thiết bị văn phòng, thiết bị giáo dục, đồ dùng học sinh từ kim loại; hơn 2,4 triệu sản phẩm máy tính điện tử cá nhân, máy photocopy, máy hủy tài liệu, máy ép plastic, máy scan mã vạch, máy chấm công, ổ cắm điện; và 22,5 triệu sản phẩm bóng cao su, gậy cao su, thảm cao su, dụng cụ vệ sinh, chổi cao su từ cao su thành phẩm...
Được biết, đây là dự án nhà máy sản xuất văn phòng phẩm Deli Hải Dương là dự án đầu tư nước ngoài lớn nhất từ trước đến nay của Tập đoàn Deli. Dự kiến, nhà máy sẽ đi vào hoạt động trong quý 4/2026, sẽ tạo ra doanh thu khoảng 5 triệu USD mỗi năm và việc làm cho khoảng 3.000 lao động.
Tập đoàn Deli là doanh nghiệp hàng đầu Trung Quốc. Tập đoàn Deli được thành lập vào năm 1981, có trụ sở chính tại Trung Quốc, các phòng nghiên cứu, sáng tạo toàn cầu tại Đức và Mỹ.
Các sản phẩm mang thương hiệu Deli hiện đang được ưa chuộng và phổ biến tại 140 quốc gia và khu vực, trong đó bao gồm thị trường Mỹ, Châu Âu, Nam Mỹ, Trung Đông và Đông Nam Á với khoảng 9000 sản phẩm.
Doanh nghiệp này tham gia thị trường Việt Nam từ năm 2005. Năm 2019, Deli Việt Nam mở gian hàng trên các nền tảng thương mại điện tử như Shopee, Lazada, Tiki… Trong 4 năm phát triển, Deli Việt Nam luôn dẫn đầu ngành hàng văn phòng phẩm trên các sàn thương mại điện tử. Hiện tại, Deli Việt Nam đã phủ sóng rộng khắp hơn 60 tỉnh thành với gần 15.000 điểm bán trên toàn quốc.
Về kết quả kinh doanh, theo số liệu thống kê, thương hiệu này được danh hiệu Top 1 ngành hàng văn phòng phẩm trên các sàn thương mại điện tử năm 2021.
Năm 2022, tổng doanh số của Deli trên các sàn TMĐT đạt 70 tỷ. 3 quý đầu năm 2023, doanh thu của Deli bùng nổ với gần 100 tỷ đồng, tăng trưởng 200% so với cùng kỳ năm 2022.
Ông Lưu Phúc An, chủ tịch Tập đoàn Deli, chia sẻ: "Việt Nam là một trong những thị trường trọng điểm trong chiến lược mở rộng của chúng tôi tại Đông Nam Á. Với sự ra đời của nhà máy thứ hai này, chúng tôi kỳ vọng sẽ đáp ứng tốt hơn nhu cầu của khách hàng trên toàn cầu và củng cố vị thế của tập đoàn là một thương hiệu văn phòng phẩm hàng đầu thế giới".
Việc chọn Hải Dương làm điểm đến cho nhà máy thứ hai là quyết định mang tính chiến lược của Deli, nhờ vào vị trí thuận lợi của tỉnh trong hệ thống giao thông và vận tải của miền Bắc.
Hải Dương là một trong những địa phương nhận được nhiều đầu tư từ các nhà đầu tư nước ngoài. Đến nay, toàn tỉnh có 584 dự án đầu tư nước ngoài đến từ 27 quốc gia và vùng lãnh thổ, với tổng vốn trên 10,5 tỷ USD, có 1761 dự án đầu tư trong nước, với tổng vốn gần 113.000 tỷ đồng, xếp thứ 4 trong vùng đồng bằng sông Hồng và đứng thứ 11 trên cả nước.
Việc triển khai mở rộng KCN Đại An giai đoạn 2 là cụ thể hóa Quy hoạch tỉnh Hải Dương hướng tới mục tiêu phấn đấu đến năm 2030, Hải Dương trở thành tỉnh công nghiệp hiện đại, trung tâm công nghiệp động lực của Vùng Đồng bằng Sông Hồng và đạt một số tiêu chí cơ bản của thành phố trực thuộc Trung ương.
Một số dự án có vốn đầu tư (kể cả tăng vốn) lớn phải kể đến Dự án sản xuất các linh kiện điện tử thông minh cho ô tô, là nhà máy công nghệ cao của Công ty TNHH Hyundai Kefico Việt Nam (400 triệu USD); Dự án sản xuất và kinh doanh để xuất khẩu toàn bộ sản phẩm là mạng dây điện, điện tử sử dụng trong ngành công nghiệp điện tử và ô tô của Công ty TNHH Sumidenso Việt Nam (300 triệu USD); Dự án Nhà máy Deli Hải Dương (270 triệu USD)...