Tập đoàn thức ăn nhanh Philippines Jollibee Foods đặt mục tiêu nâng tổng số chi nhánh từ 6.300 vào cuối tháng 6/2022 lên 10.000 vào năm 2027, chủ tịch Ernesto Tanmantiong cho biết.
Ông Tanmantiong cho biết kế hoạch sẽ được thực hiện thông qua các thương vụ M&A. Trong 5 năm qua, Jollibee đã tiếp quản các chuỗi cửa hàng nước ngoài như Smashburger, The Coffee Bean and Tea Leaf (Mỹ) và thương hiệu trà sữa trân châu Milksha (Đài Loan).
Ông Tanmantiong tự tin phát biểu: “Tham vọng của chúng tôi là biến JFC (Jollibee Foods Corporation), một công ty Philippines, trở thành một công ty toàn cầu thực sự”.
Ở thời điểm hiện tại, 60% doanh thu tại JFC đến từ Philippines, nơi họ có hơn 3.000 chi nhánh.
Jollibee ghi nhận doanh thu và lợi nhuận trên đà phục hồi tốt sau dịch Covid-19. Doanh thu toàn hệ thống - bao gồm tất cả các thương hiệu, cửa hàng sở hữu trực tiếp và cả cửa hàng được nhượng quyền - tăng 35,4% lên 133,1 tỷ peso (~ 2,26 tỷ USD) trong nửa đầu năm 2022. Lợi nhuận ròng tăng 351,7% lên 5,1 tỷ peso (~ 86,7 triệu USD).
Tanmantiong nhận định: "Chúng tôi nghĩ rằng Jollibee có thể tiếp tục đạt mức tăng trưởng hai con số trong 5 năm tới, nghĩa là tăng gấp đôi hoạt động kinh doanh hiện nay".
Jollibee hiện sở hữu 18 thương hiệu và đang tập trung mở rộng tại Bắc Mỹ và Trung Quốc, hai địa điểm chiếm lần lượt 13% và 6% doanh số bán hàng toàn hệ thống trong nửa đầu năm.
Jollibee khởi đầu là một cửa hàng kem vào năm 1975, được thành lập bởi Chủ tịch Tony Tan Caktiong, anh trai của Tanmantiong. Jollibee chuyển sang phục vụ các bữa ăn nóng vào năm 1978, ngay khi McDonald's chuẩn bị vào Philippines.
Jollibee vượt mặt gã khổng lồ Mỹ bằng cách cung cấp các món mà người dân Philippines yêu thích. Đến ngày nay, họ vẫn áp dụng công thức này mỗi khi mở rộng sang thị trường nước ngoài.
Ở Việt Nam, Jollibee thêm vào thực đơn món "gà ớt ngọt". Họ cũng điều chỉnh hương vị nước sốt mì Ý cho những thị trường "thấy nó quá ngọt", Tanmnationg nói.
Việc ưu tiên trải nghiệm khách hàng giúp Jollibee có lợi thế ngay cả khi họ mở rộng đến những thị trường không có đông người Philippines.
Tại Singapore và Hong Kong, 50% đến 60% khách hàng đến Jollibee không phải là người Philippines. Chủ tịch Tanmantiong nói: “Ở Bắc Mỹ, chúng tôi cũng đang trong giai đoạn giao thoa, trong đó có một số cửa hàng nhất định đạt mốc 70% khách không phải người Philippines."
Để phục vụ cho mục tiêu 10.000 chi nhánh trong 5 năm, Jollibee sẽ đầu tư nhiều hơn vào các sáng kiến kỹ thuật số bao gồm phát triển ứng dụng di động, chương trình khách hàng thân thiết, bếp đám mây,...
Tuy nhiên tham vọng của Jollibee đang đứng trước nhiều thách thức, chẳng hạn như gián đoạn chuỗi cung ứng toàn cầu, lạm phát gia tăng, tỷ giá USD tăng mạnh (2/3 khoản nợ mà Jollibee đang vay tính bằng đồng USD).
Covid-19 cũng là một mối đe dọa khác. Tại Trung Quốc, doanh số bán hàng đã giảm gần 30% trong quý II khi Jollibee phải đóng cửa một số cửa hàng do phong tỏa.
Chủ tịch Tanmantiong cho biết các đợt phong tỏa Covid-19 ở đại lục là "khá nghiêm trọng và hoạt động kinh doanh của chúng tôi bị ảnh hưởng nặng nề".
Link bài gốc