Chiều 6/6, toạ đàm "Thăng trầm bất động sản 2010-2020 và những xu hướng sắp tới” đã diễn ra với sự góp mặt của nhiều chuyên gia, doanh nhân trong lĩnh vực bất động sản.
Ông Đặng Hồng Anh, Chủ tịch Hội doanh nhân trẻ Việt Nam nhận định: "Người dân tâm lý vẫn chờ bất động sản xuống giá". Dù vậy, ông kỳ vọng vào nhóm dân số trẻ có nhu cầu nhà ở nhiều, cũng như mức sống người dân tăng cao. Riêng bất động sản du lịch là kênh có tốc độ tăng giá nhanh nhất.
Phát biểu về tương lai ngành bất động sản, Chủ tịch Tập đoàn FLC Trịnh Văn Quyết bày tỏ: "Dù là nói trong hội trường lớn, hay ở quán cafe tôi cũng có thể tự tin nói rằng bản thân luôn luôn lạc quan về thị trường".
Từng vượt qua các cuộc khủng hoàng năm 2008 và năm 2013 với kết quả tích cực, ông Quyết nhận định bất động sản không lý do gì mà trầm lắng và không lạc quan. Thậm chí, Chủ tịch FLC còn cho rằng hiện tại chính là thời điểm vàng để những người từ tích lũy ít đến đầu tư lớn mua bất động sản.
"Giờ phải chấp nhận rủi ro, nhưng phải lạc quan để tránh việc khi xuống tiền mua là quá muộn” - ông Quyết nói.
Riêng với xu hướng bất động sản công nghiệp đang thịnh hành trong thời gian qua, ông Quyết thẳng thắn đưa ra quan điểm không tích cực. Theo ông, việc "nhà nhà đua nhau làm bất động sản công nghiệp" là rất nguy hiểm.
"Bất động sản công nghiệp là phải có nhà ở cho công nhân, là một quần thể, khu công nghiệp. Tôi không lạc quan quá vào bất động sản công nghiệp" - ông Quyết nhìn nhận.
Chủ tịch HĐQT Tân Hoàng Minh Đỗ Anh Dũng cho rằng thị trường bất động sản Việt Nam còn rất nhiều tiềm năng. Vị này đưa ra dẫn chứng bằng việc so sánh số lượng toà nhà tại Hà Nội với các thành phố như Thượng Hải, Singapore:
"Hà Nội có trên dưới 1.000 toà nhà, là rất nhỏ so với Thượng Hải -Trung Quốc, Singapore có hàng trăm nghìn toà nhà".
Bày tỏ quan điểm về nguồn cung sản phẩm, ông Nguyễn Mạnh Hà, Phó Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam nhận định 10 năm trước, Việt Nam thừa nhà ở. Nhiều người cho rằng bất động sản là dịch vụ chứ không phải kinh doanh nên thả trôi cho tự sinh tự diệt. Tuy nhiên, hiện nay, xu thế đó đã đảo ngược, thị trường luôn trong tình trạng không đủ để bán.
Nhiều ý kiến tại hội thảo cũng bày tỏ băn khoăn về khung pháp lý của thị trường bất động sản Việt Nam hiện nay. Ông Đỗ Anh Dũng cho rằng nguyên nhân Việt Nam chưa có thị trường phát triển như các nước khác bởi cơ chế chính sách, thủ tục hành chính công. Thêm vào đó, ngân hàng Nhà Nước thiếu các chính sách hợp lý cho room tín dụng bất động sản.
“Vị trí vàng, vị trí đẹp đến đâu mà để cả chục năm thì vẫn lỗ vốn" - ông Dũng liên hệ thực tế khi nhắc tới khó khăn trong vấn đề thủ tục, pháp lý thị trường bất động sản hiện nay.
Đồng quan điểm, Chủ tịch Deloitte Việt Nam Hà Thu Thanh chia sẻ 10 năm qua là sự phát triển nỗ lực từ luật pháp, với Luật đất đại năm 2013, sau đó là Luật nhà ở, Luật kinh doanh bất động sản, Luật đầu tư 2014. Thế nhưng, các bộ luật tiếp sau có hiện tượng "vênh" với luật năm 2013.
Luật quy hoạch, Luật Quản lý tài sản công năm 2017 đã tương tác và hỗ trợ cho Luật kinh doanh bất động sản, tuy nhiên sự lệch pha đã gây nên lực cản nhất định.
"Có thể thấy rằng, khung pháp lý đang được hoàn thiện nhưng vẫn đi sau hơi thở, dòng chảy, xu thế của thị trường bất động sản" - bà Thanh nói.
Đây cũng là quan điểm của Chủ tịch FLC Trịnh Văn Quyết. Theo ông, pháp lý là vấn đề FLC đặc biệt quan tâm trong 2 năm qua, bởi các sự cố xảy ra gần như đều liên quan tới pháp lý.
"Nếu pháp lý có được sự hỗ trợ, xây dựng chính sách tạo thuận lợi thì doanh nghiệp sẽ không đối mặt với nhiều khó khăn” - ông Quyết bày tỏ.