Phát biểu tại Hội nghị Ban chấp hành lần thứ 17 của Đảng Bộ khối doanh nghiệp trung ương, ông Lê Đức Thọ - Chủ tịch Hội đồng quản trị VietinBank (HoSE: CTG) cho biết “Ngân hàng Đại dương (OceanBank) đang ở giai đoạn cuối hoàn tất để hợp tác đối tác nước ngoài.
Bên cạnh đó, Ngân hàng Thương mại Cổ phần Dầu Khí Toàn Cầu (GPBank) hiện đang củng cố hiệu quả hoạt động và có một số đối tác nước ngoài quan tâm đầu tư hợp tác lâu dài”.
“Theo chỉ đạo của Chính phủ và Ngân hàng nhà nước, VietinBank dành nguồn lực để tham gia tái cơ cấu một số ngân hàng yếu kém OceanBank và GPBank. Chúng tôi đã cử các cán bộ có trình độ tốt để sang điều hành, quản trị hai ngân hàng trên. Đến nay, việc tái cấu trúc hai ngân hàng được thực hiện tốt”, ông Lê Đức Thọ nói.
Mặc dù tên của nhà đầu tư nước ngoài định mua lại Ocean Bank vẫn chưa được tiết lộ, nhưng nếu điều này thành hiện thực, thương vụ M&A này hứa hẹn đem lại cú hích lớn trong việc tái cơ cấu hệ thống ngân hàng Việt Nam.
Trước đó, trong báo cáo gửi Quốc hội về thực hiện nghị quyết, Ngân hàng Nhà nước cho biết đang tích cực triển khai các bước cơ cấu, xử lí ba ngân hàng mua bắt buộc 0 đồng trước đây gồm: OceanBank, CBBank, GP Bank và DongA Bank.
Ngân hàng nhà nước cho biết đã hoàn thiện, trình Thủ tướng Chính phủ phương án chuyển nhượng và cơ cấu lại OceanBank sau chuyển nhượng cho nhà đầu tư nước ngoài. Tuy nhiên, thông tin về nhà đầu tư ngoại lại chưa được tiết lộ cụ thể.
Đầu tháng 1/2018, ông Đỗ Thanh Sơn - Chủ tịch HĐTV OceanBank cho biết việc đàm phán với đối tác nước ngoài đã hoàn thành giai đoạn I, sẵn sàng các bước chuẩn bị cho giai đoạn quan trọng tiếp theo của dự án.
Tại Diễn đàn M&A Việt Nam 2018, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cho biết Chính phủ sẽ bán và chuyển giao bắt buộc các ngân hàng yếu kém đã mua lại hoặc đang đặt trong tình trạng kiểm soát đặc biệt như OceanBank, CBBank, GP Bank…
Đồng thời, Chính phủ rất hạn chế hoặc không cấp phép ngân hàng 100% vốn nước ngoài tại Việt Nam nhưng sẽ mở cửa cho nước ngoài mua ngân hàng Việt Nam. Chính phủ đang lựa chọn nhà đầu tư tốt nhất, với chính sách đặc thù trong Nghị quyết xử lý nợ xấu của Quốc hội sẽ là công cụ tốt cho Việt Nam thực hiện việc này.