Ngày pháp luật

Nvidia thắng lớn nhờ nắm trọn phần cứng hỗ trợ AI

Anh Vũ

Người dùng coi OpenAI là doanh nghiệp khai sinh nên trí tuệ nhân tạo cho người dùng phổ thông, nhưng ít ai biết rằng Nvidia mới là kẻ thắng lớn nhất trong cuộc chạy đua này.

Không chỉ trí tuệ nhân tạo là cụm từ nóng xuất hiện kể từ khi ChatGPT được giới thiệu tới người dùng, ngành công nghiệp sản xuất phần cứng liên quan tới trí tuệ nhân tạo cũng từ đó phát triển phi mã, điển hình nhất là sản phẩm chip Hopper, với mức giá 40.000 USD sản phẩm được mệnh danh là ChatGPT của ngành phần cứng.

Được phát triển và sản xuất bởi Nvidia, với mã hiệu H100, đây là sản phẩm khai sinh ra những AI hiện đại, cho phép các nhà phát triển trí tuệ nhân tạo huấn luyện các hệ thống này từ đó tăng khả năng phản hồi của AI. Để phát triển thành công một trí tuệ nhân tạo đòi hỏi rất nhiều bước, trong đó quan trọng nhất là phần cứng, cho phép những AI này sử dụng ở công suất tối đa.

Trước đây, việc sở hữu một chip xử lý H100 của Nvidia là điều vô cùng khó khăn do mức giá cao cũng như sự giới hạn của sản phẩm. Sau khi phía UAE và Ả Rập Saudi ngỏ ý muốn phát triển trí tuệ nhân tạo, đơn đặt hàng với hàng nghìn thiết bị đã được kí kết với Nvidia.

Nvidia thắng lớn nhờ nắm trọn phần cứng hỗ trợ AI - Ảnh 1

Có rất nhiều doanh nghiệp startup đang hoạt động về lĩnh vực AI, thứ họ thiếu nhất thời điểm hiện tại chính là phần cứng để vận hành những trí tuệ nhân tạo này. Sự thiếu thốn nghiêm trọng tới nỗi các quỹ đầu tư đích thân đi mua sắm thiết bị cho các startup mà họ đang góp vốn chỉ để startup không bị bỏ lại phía sau.

Trước nhu cầu cao của thị trường, tờ Reuters cho hay vào tháng 6, khi những lệnh cấm vận chip của Mỹ áp đặt với Trung Quốc, chip H100 trở thành vật phẩm quý giá trên chợ đen. Tới cả tỷ phú Elon Musk khi bước chân vào lĩnh vực AI cũng cho rằng mọi doanh nghiệp nghiên cứu AI đang đổ lượng lớn tiền chỉ để tranh giành mua phần cứng, ông cho rằng chỉ với phần cứng tốt, khả năng phát triển trí tuệ nhân tạo mới có thể bắt đầu.

Chính Elon Musk cũng chi tiền mua khoảng 10.000 chip xử lý đồ họa để phục vụ cho nhu cầu phát triển X thành siêu ứng dụng trong đó có cả tầm nhìn về một tương lai có AI.

Nhìn về bề nổi, mọi người đều đánh giá cao OpenAI khi đưa ra sản phẩm trí tuệ nhân tạo đầu tiên, đột phá tới người dùng đại chúng, nhưng ở đằng sau, Nvidia mới là đơn vị chiến thắng thật sự khi nắm phần lớn của miếng bánh có giá trị lên tới cả nghìn tỷ USD.

Cuộc chạy đua phần cứng sẽ còn tiếp tục căng thẳng hơn với tốc độ phát triển không ngừng của AI cùng các doanh nghiệp liên quan. Tuần vừa rồi, Nvidia giới thiệu mẫu chip xử lý thế hệ tiếp theo của mình GH200, sản phẩm nối tiếp H100 và sản phẩm này được dự đoán sẽ tiếp tục tạo nên một cuộc chạy đua mua sắm phần cứng trong năm sau.

Tin Cùng Chuyên Mục