Từ bác sĩ dinh dưỡng đến CEO quyền lực của NutiFood
Nhắc tới NutiFood, chắc hẳn người tiêu dùng đều chẳng còn xa lạ với câu chuyện cảm động của thương hiệu này; nhưng ít ai biết rằng đó chính là câu chuyện thực dựa trên những trải nghiệm của bà Trần Thị Lệ - CEO của NutiFood - tiền thân là một bác sĩ tại trung tâm dinh dưỡng. Vào những năm 90, tại vị trí công tác của mình, bà Lệ nhận thấy: cứ 10 trẻ đến nhập viện thì có 2-3 trẻ tử vong vì bị suy dinh dưỡng, không thể đáp ứng được yêu cầu điều trị. Lúc áy, có một vị bác sĩ đã mày mò kết hợp các loại thực phẩm, cho vào máy xay sinh tố xay nhuyễn cùng men tiêu hoá và nuôi các em ăn qua ống thông dạ dày. Việc làm tưởng chừng đơn giản này đã cứu sống hàng ngàn trẻ em vào thời điểm đó.
Tuy nhiên, biện pháp này chỉ là tức thời, các bác sĩ trong trung tâm cảm thấy cần phải có một cơ sở sản xuất thực phẩm dinh dưỡng dành riêng cho trẻ em. Từ đó, họ cùng nhau nghiên cứu và lập nên một cơ sở với cái tên rất ý nghĩa: Đồng Tâm. Bác sĩ Trần Thị Lệ khi đó vừa yêu thích nghiên cứu dinh dưỡng, vừa có năng khiếu kinh doanh nên được phân công làm trợ lý cho chủ nhiệm cơ sở Đồng Tâm – tiền thân của NutiFood ngày nay.
Làm việc với tinh thần cống hiến của một người bác sĩ sản xuất sữa đặc trị cho trẻ em suy dinh dưỡng, bà Lệ luôn hết mình với công việc. Kết hợp giữa nền tảng kiến thức y khoa cũng như cái tâm vì người tiêu dùng, suốt nhiều năm liền bà vừa tham gia nghiên cứu, sản xuất, vừa đi học thêm quản trị doanh nghiệp, marketing… đến nỗi mỗi ngày chỉ ngủ chưa tới 5 tiếng.
Năm 2000, bà Lệ được mời về làm Giám đốc của cơ sở Đồng Tâm. Khi đó, quy mô doanh nghiệp còn rất nhỏ, bản thân bà Lệ cũng chưa hiểu biết nhiều về kinh doanh nhưng đã nung nấu tham vọng đưa thương hiệu vươn tầm quốc tế. Với định hướng đó, bà đổi tên cơ sở thực phẩm Đồng Tâm thành NutiFood. Năm 2003, ở tuổi 30, bà Lệ trở thành cổ đông lớn nhất của NutiFood và là Tổng Gám đốc kiêm Chủ tịch HĐQT của công ty.
Chèo lái doanh nghiệp vượt qua sóng lớn
Những nỗ lực của bà Trần Thị Lệ và đồng nghiệp đã tạo nên thành quả. Trong giai đoạn từ 2000-2007, NutiFood có những bước tăng trưởng vượt bậc, trung bình 237% mỗi năm. Từ một cơ sở nhỏ lẻ, doanh số công ty đã cán mốc 500 tỷ đồng vào năm 2007. Sau đó, cổ phiếu của NutiFood được tung lên sàn giao dịch chứng khoán và thu hút nhiều nhân sự tiềm năng vào nắm giữ các vị trí quan trọng.
Tuy nhiên, với tốc độ phát triển quá nhanh, NutiFood đã không kịp dự phòng các rủi ro dẫn tới khủng hoảng. Có thời gian, doanh nghiệp thua lỗ tới mức cạn vốn điều lệ, tưởng chừng không thể tiếp tục hoạt động; nhân viên giỏi dần rời bỏ công ty, còn công nhân thì ăn lương chờ việc, 150 nhà phân phối từ bỏ hợp tác. Lúc này, HĐQT đề xuất bà Lệ quay lại điều hành.
Bằng uy tín của mình, bà Lệ đã thuyết phục nhân viên ở lại, cùng bà đồng cam cộng khổ. Bà cũng trực tiếp thương thảo với các đối tác là hàng trăm nhà phân phối ở khắp các tỷnh thành. Phải mất gần 5 năm làm việc cật lực với tâm niệm: “Không thể đi xuống, chỉ còn cách đi lên”, bà cùng các cộng sự đã chèo chống giúp công ty phục hồi, thoát lỗ và có lợi nhuận trở lại.
Từ những chuyến đi thực tế, tận mắt thấy thể trạng trẻ em Việt rất thấp còi so với các nước trong khu vực, đội ngũ NutiFood bắt tay vào nghiên cứu dòng sản phẩm đặc trị cho trẻ em Việt Nam với mong muốn góp phần cải thiện thể trạng của thế hệ tương lai: cao lớn, khoẻ mạnh và thông minh hơn. Với tâm huyết này, ngân sách dành cho nghiên cứu và phát triển sản phẩm của công ty mỗi năm đều lên tới 200 tỷ đồng và duy trì thường xuyên cho tới nay. Nói về sản phẩm của mình, bà Lệ chia sẻ: "Mỗi sản phẩm của chúng tôi làm ra trước hết phải dùng được cho con em mình. Sản phẩm vừa có hiệu quả, vừa phải ngon để các cháu dùng nhiều".
Nhờ định hướng chiến lược, trong các năm từ 2016-2018, sản phẩm sữa dành cho trẻ em suy dinh dưỡng thấp còi của NutiFood liên tục đứng đầu ngành sữa cả nước. Đồng thời, sữa bột pha sẵn của thương hiệu này cũng đứng đầu thị phần sản lượng tại Việt Nam.
Hiện nay, NutiFood được biết tới là một thương hiệu dinh dưỡng luôn tiên phong với các sản phẩm đặc trị - lĩnh vực vốn luôn bị các “ông lớn” quốc tế thống trị với giá thành đắt đỏ. Biệt danh “sữa bác sĩ” chính là niềm tự hào của NutiFood và nữ CEO tài năng Trần Thị Lệ.
Triết lý kinh doanh xuất phát từ trái tim
Vực dậy NutiFood từ “điểm rơi thấp nhất” rồi tái lập vị thế mới trong ngành sữa Việt với những bước tăng trưởng ngoạn mục và đưa thương hiệu vươn tầm quốc tế, xuất khẩu sữa vào thị trường Mỹ và Trung Quốc; ngoài sự nhạy bén với thị trường, xây dựng chiến lược kinh doanh đúng đắng, sự thành công của nữ tướng Trần Thị Lệ một phần lớn còn nằm ở triết lý kinh doanh đầy nhân văn.
Ngay từ những ngày đầu hoạt động, NutiFood đã xác định sứ mệnh là tạo nên những sản phẩm dinh dưỡng tốt nhất để nâng cao tầm vóc, thể trạng và trí tuệ Việt. Công ty luôn đề cao trách nhiệm xã hội, đóng góp nhiều giá trị thiết thực cho cộng đồng. Tầm nhìn và sứ mệnh này được chia sẻ rộng rãi từ đội ngũ lãnh đạo đến nhân viên, tạo thành văn hoá doanh nghiệp và khơi gợi nguồn cảm hứng để cống hiến cho mục tiêu chung.
Bên cạnh đó, CEO Trần Thị Lệ còn chia sẻ: NutiFood rất chú trọng xây dựng “môi trường làm việc hạnh phúc”. Theo đó, mỗi nhân viên đều cảm thấy hạnh phúc khi đến làm việc, hạnh phúc khi về nhà, được tưởng thưởng xứng đáng cho những gì mình cống hiến và tìm thấy ý nghĩa trong mỗi việc mình làm. Năm 2020, HR Asia bình chọn NutiFood là “Nơi làm việc tốt nhất châu Á 2020”.
Song song với sự lớn mạnh của thương hiệu, NutiFood cũng không ngừng tìm kiếm, phát triển tài năng và thu hút nhân tài. tỷ lệ thăng tiến nội bộ của công ty lên tới 80%, các cá nhân có tiềm năng đều được chú trọng bồi dưỡng, đào tạo để kế thừa những vị trí quan trọng hơn. Bà Lệ cho biết: “Chúng tôi luôn tích cực chia sẻ tầm nhìn trở thành doanh nghiêp lớn tại khu vực châu Á, hướng đến một thế hệ người Việt Nam phát triển toàn diện về thể chất và trí tuệ của NutiFood cho thị trường lao động. Mỗi nhân viên của NutiFood chính là một người hùng đóng góp vào hành trình đó, chứ không chỉ là những người “làm công ăn lương” thông thường. Tôi tin nếu chúng ta có cùng một mục tiêu chung là phụng sự cộng đồng thì mỗi ngày làm việc sẽ là một ngày hạnh phúc và hiệu quả”.