Ngày pháp luật

Nữ hoàng thương hiệu Ô tô Châu Loan: “Doanh nghiệp muốn “sống” thì phải tuân thủ pháp luật”

Minh Khuê

“Với tôi, trong kinh doanh, quan điểm “không biết thì không có tội” là hoàn toàn sai lệch. Dù ở bất kỳ thời đại nào, bất kỳ doanh nghiệp nào muốn “sống” đều phải tuân thủ theo đúng quy định của pháp luật” - Nữ hoàng thương hiệu ô tô Việt Nam Phạm Thị Châu Loan chia sẻ cùng DN & PL.

Nữ hoàng thương hiệu Ô tô Châu Loan: “Doanh nghiệp muốn “sống” thì phải tuân thủ pháp luật” - Ảnh 1

Nữ hoàng thương hiệu ô tô Việt Nam, Chủ thương hiệu Nội thất Ô tô Hiếu Còi; Chủ tịch HĐQT Công ty CP XNK và DV Tân Thành An Phạm Thị Châu Loan

 
Chúng tôi luôn cố gắng cập nhật thông tin các văn bản quy phạm pháp luật một cách nhanh nhất và tuân thủ đúng, đủ những quy định luật pháp trong kinh doanh như thực hiện nghiêm túc nghĩa vụ thuế với Nhà nước, tôn trọng Luật sở hữu trí tuệ, bản quyền…

Được biết chị vừa mới đăng quang ngôi vị Nữ hoàng thương hiệu Việt Nam ngành Ô tô, điều này đã thay đổi công việc và cuộc sống của chị như thế nào?

Trước tiên, tôi cảm thấy mình rất may mắn và hạnh phúc khi vượt qua hơn 700 ứng viên là những nữ doanh nhân tài sắc khắp mọi miền đất nước để đi đến bục vinh quang. Đây là kết quả xứng đáng cho bao công sức và sự nỗ lực của bản thân tôi trong rất nhiều năm qua. Đó cũng là món quà đặc biệt đến từ người thân, bạn bè và quý khán giả đã luôn quan tâm, ủng hộ tôi.

Giải thưởng là một món quà vô cùng nghĩa với tôi, nó cũng giúp thương hiệu của chúng tôi được phủ sóng rộng hơn, được nhiều người biết đến hơn. Thời đại công nghệ phát triển, chúng tôi  cũng đã chủ động “đón sóng” công nghệ 4.0 bằng cách áp dụng công nghệ vào quản trị để tự động hóa doanh nghiệp, nhờ đó công việc kinh doanh tốt hơn trước rất nhiều. Trong tương lai, doanh nghiệp chúng tôi hướng tới trở thành một trong những tổ hợp hàng đầu cung cấp các dịch vụ về chăm sóc, bảo dưỡng, sửa chữa và độ xe tại Việt Nam.

Có thể thấy cuộc Cách mạng Công nghiệp 4.0 đang tạo ra sự biến chuyển mạnh mẽ cho nền kinh tế nhưng đồng thời cũng mang lại nhiều thách thức, một trong số đó là sự rủi ro pháp lý. Theo chị, vấn đề tuân thủ luật pháp nên được doanh nghiệp quan tâm và áp dụng như thế nào trong thời đại công nghệ 4.0?

Theo tôi, luật pháp luôn đóng vai trò quan trọng đối với sự tồn tại, phát triển của doanh nghiệp mọi lúc, mọi nơi và trong mọi thời đại, không chỉ riêng trong thời đại công nghệ 4.0. Tuy nhiên, cuộc, Cách mạng Công nghiệp 4.0 đang phát triển nhanh, mạnh như vũ bão đòi hỏi doanh nghiệp phải luôn tự đổi mới để thích nghi, tồn tại và phát triển theo nên dễ dẫn tới sao nhãng trong việc quan tâm tới luật pháp, vì thế gặp phải rủi ro pháp lý là điều không thể tránh khỏi.

Mặc dù vậy, với tôi, trong kinh doanh quan điểm “không biết thì không có tội” là hoàn toàn sai lệch. Dù ở bất kỳ thời đại nào, bất kỳ doanh nghiệp nào muốn “sống” đều phải tuân thủ theo đúng quy định của pháp luật.

Nữ hoàng thương hiệu Ô tô Châu Loan: “Doanh nghiệp muốn “sống” thì phải tuân thủ pháp luật” - Ảnh 2

 

Tại doanh nghiệp chúng tôi, bên cạnh việc xây dựng một bộ quy tắc văn hóa doanh nghiệp chuẩn, từ việc tuân thủ những quy định rất nhỏ như tắt đèn, xếp ghế… cho đến những nguyên tắc giao tiếp cơ bản trong xã hội thì việc tuân thủ pháp luật là bắt buộc và luôn được phổ biến đến từng nhân viên khi vào làm việc tại công ty. Chúng tôi luôn cố gắng cập nhật các văn bản quy phạm pháp luật một cách nhanh nhất và tuân thủ đúng, đủ những quy định luật pháp trong kinh doanh như thực hiện nghiêm túc nghĩa vụ thuế với Nhà nước, tôn trọng Luật Sở hữu trí tuệ, bản quyền…

Nhiều doanh nghiệp dẫu biết cần thượng tôn pháp luật trong thời đại 4.0 nhưng lại thiếu sự chuẩn bị vì chưa biết bắt đầu từ đâu. Theo chị, đâu là giải pháp trong tình huống này?

Giải pháp hữu hiệu cho các doanh nghiệp trong tình huống này đầu tiên là chủ doanh nghiệp phải luôn được nâng cao kiến thức về quản trị, chuyên môn, đặc biệt trong giai đoạn 4.0 thì phải nâng cao cả kiến thức và kỹ năng về công nghệ. Mỗi doanh nghiệp cần phải xây dựng cho mình một bộ quy trình làm việc chuẩn, một phong cách văn hóa công ty chuyên nghiệp. Đó là nền tảng gốc rễ để việc thực hiện luật pháp được tự giác và nghiêm túc.

Đặc biệt, trong thời đại hội nhập kinh tế toàn cầu và trong cuộc Cách mạng Công nghiệp 4.0 thì ngoài những kiến thức, hiểu biết về các quy định luật pháp trong nước, doanh nghiệp phải nắm được những quy định, quy tắc cơ bản của luật pháp quốc tế. Đặc biệt là các quy định luật pháp, đặc tính văn hóa riêng của từng quốc gia phía đối tác.

Thời đại công nghệ thông tin phát triển mạnh mẽ chính là điều kiện thuận lợi cho chủ doanh nghiệp tự trau dồi kiến thức luật pháp. Bản thân tôi tự trau dồi kiến thức về luật bằng cách tự học, tự đọc các thông tin trên mạng và các trang báo điện tử. Khi làm điều gì thấy vướng, tôi phải hỏi ngay, không ham, không cố làm bằng mọi cách. Đặc biệt, việc tham gia vào các cộng đồng doanh nghiệp, cộng đồng xã hội cũng là cơ hội để tôi luôn cập nhật, nâng cao kiến thức về luật được nhanh nhất và sát thực tế nhất.

Chị đánh giá thế nào về tầm quan trọng của báo chí – truyền thông trong việc đồng hành cùng doanh nghiệp thượng tôn pháp luật?

Báo chí là một trong những kênh phổ biến kiến thức và cập nhật thông tin về luật pháp cũng như những hiện tượng vi phạm pháp luật nhanh nhất. Qua đó, chúng tôi có thể nắm bắt được những vướng mắc, những nguy cơ tiềm ẩn, những rủi ro pháp lý nhanh nhất để qua đó rút kinh nghiệm cho bản thân doanh nghiệp và đề ra được những giải pháp kịp thời, phù hợp cũng như hiệu quả nhất.

Cảm ơn những chia sẻ của chị !

Tin Cùng Chuyên Mục