Ngày pháp luật

Nữ CEO xây dựng nên công ty mỹ phẩm triệu đô: Từng phải bán cả nhẫn cưới, chấp nhận làm việc chân tay để "nuôi" startup

Hiếu Nguyễn (Tổng Hợp)

(Doanhnhan.vn) - Trong nhiều năm ròng rã, Tsai duy trì quy tắc bất di bất dịch: Không lấy lợi nhuận, tiền lương ra tiêu cho việc riêng. Làm được bao nhiêu, cô lại tiếp tục dùng tiền đó để tái đầu tư.

Đối với Vicky Tsai, năm 2009 có thể coi là một bước ngoặt lớn. Với khát khao tạo ra sự nghiệp của riêng mình, cô đã quyết định rời bỏ công việc trong mơ tại phố Wall, bán cả nhẫn đính hôn và chấp nhận dọn về ở cùng mẹ. Mọi tâm huyết và nguồn lực được dồn toàn bộ cho nhãn hiệu sắc đẹp mang tên Tatcha, do chính Tsai sáng lập. 

Khởi đầu là một công ty nhỏ có trụ sở đặt tạm bợ trong một gara ôtô, sau 6 năm, Tatcha đã nhanh chóng lọt vào danh sách Inc 5000 và ghi nhận đà tăng tưởng mạnh mẽ khi chạm mốc doanh thu 70 triệu USD vào năm 2018. Cùng với sự hậu thuẫn của các siêu sao nổi tiếng như Kardashian hay Meghan Markle, các sản phẩm của Tatcha đã trở nên không còn xa lạ với phái đẹp. Đến năm 2019, Tatcha được Unilerver mua lại.

Nữ CEO xây dựng nên công ty mỹ phẩm triệu đô: Từng phải bán cả nhẫn cưới, chấp nhận làm việc chân tay để

 

Điều gì đã mang tới thành công cho Tatcha? Câu trả lời nằm ở tư duy của nhà sáng lập. Trong nhiều năm ròng rã, Tsai duy trì quy tắc bất di bất dịch: Không lấy lợi nhuận, tiền lương ra tiêu cho việc riêng. Làm được bao nhiêu, cô lại tiếp tục dùng tiền đó để tái đầu tư. 

"Đó là một quyết sách mang lại sự khác biệt lớn. Thực tế, công ty của tôi không thể gọi vốn theo cách truyền thống." 

Theo giới chuyên môn, nhận định trên xuất phát từ việc mô hình công ty mà Tsai định xây dựng chưa có nhiều trên thị trường.

Các sản phẩm của Tatcha lấy cảm hứng từ nghi thức làm đẹp cổ xưa của Geisha Nhật Bản. Hãng không sử dụng các loại hoá chất dễ gây kích ứng, ưu tiên thành phần thiên nhiên và đặt sức khoẻ con người lên trên hết. Ý tưởng này được Tsai nghĩ ra sau quãng thời gian chịu đựng căn bệnh dị ứng da do dùng mỹ phẩm.

Ở thời điểm ban đầu, các nhà đầu tư không quá mặn mà với Tatcha. Thêm vào đó, phụ nữ vẫn gặp nhiều định kiến khi tự mình khởi nghiệp. 

Nữ CEO xây dựng nên công ty mỹ phẩm triệu đô: Từng phải bán cả nhẫn cưới, chấp nhận làm việc chân tay để

 

Không có nhà đầu tư đồng nghĩa với việc Tsai phải tự xoay sở. Cô buộc phải nhận thêm các công việc khác, từ dọn dẹp cho tới môi giới bất động sản, để "nuôi" startup. Có những lúc, Tsai gánh khoản nợ lên tới 1 triệu USD, bao gồm cả tiền nợ học phí từ thời đại học. 

Nhưng việc không phải dựa dẫm vào nhà đầu tư khiến mọi thứ dễ thở hơn rất nhiều. Tsai toàn quyền quyết định, chỉ đạo dồn sự ưu tiên cho mảng nghiên cứu và phát triển sản phẩm.

"Thắt lưng buộc bụng" trong một thời gian dài, cô không giấu nổi cảm giác sung sướng khi chứng kiến đứa con mình gây dựng gặt hái thành công rực rỡ.

"Nó giống như trúng xổ số độc đắc vậy, thật tuyệt vời. Giờ đây tôi đã có thể lấy tiền ra tiêu rồi." 

Những dự định mới của Tsai còn gây bất ngờ hơn. Cô khẳng định mình sẽ tiếp tục dùng tiền để quyên góp vào các hoạt động xã hội, trong đó có tổ chức từ thiện mang tên "Room To Read". 

"Tôi và con gái mình, Alea, sẽ cùng nhau đi khắp thế giới và san sẻ tình thương tới các vùng còn nghèo đói. Giúp đỡ mọi người mang lại trải nghiệm và giúp con gái tôi khám phá thế giới." - Tsai chia sẻ. 

Tin Cùng Chuyên Mục