Tại sự kiện, Phó Bí thư Tỉnh uỷ, Chủ tịch UBND tỉnh Trần Văn Hiệp cho biết, những năm qua tỉnh đã tập trung chỉ đạo quản lý bảo vệ rừng; tăng cường phòng cháy, chữa cháy rừng, khắc phục tình trạng lấn chiếm đất rừng, khai thác lâm sản trái phép. Đồng thời tỉnh cũng đã thực hiện nhiều chương trình trồng rừng, phục hồi rừng và trồng cây phân tán.
Hưởng ứng sáng kiến trồng 1 tỷ cây xanh của Thủ tướng Chính phủ phát động về tổ chức phong trào “Tết trồng cây” và tăng cường công tác bảo vệ, phát triển rừng, Lâm Đồng đã xây dựng và ban hành Kế hoạch trồng 50 triệu cây xanh giai đoạn 2021-2025. Trong đó: trồng cây xanh cảnh quan đô thị 9,77 triệu cây; trồng cây lâm nghiệp 6,95; cây che bóng 33,28 triệu cây.
“Tôi đề nghị các cấp ủy, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc, đoàn thể chủ động, tích cực lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện, giám sát hiệu quả kế hoạch trồng 50 triệu cây xanh tỉnh Lâm Đồng giai đoạn 2021-2025 và các hoạt động trồng cây, trồng rừng, bảo vệ môi trường với phương châm “Trồng cây nào sống tốt cây đó”. Người người trồng cây, nhà nhà trồng cây, cơ quan, đơn vị trồng cây, tỉnh có thêm không gian xanh”, Chủ tịch Lâm Đồng nhấn mạnh.
Tại sự kiện, các đơn vị thành viện Tập đoàn Novaland đã tặng tỉnh Lâm Đồng học bổng và ủng hộ tổng cộng hơn 11 tỷ đồng, tổ chức phát triển Hà Lan SNV tặng 3.000 cây Mai Anh Đào.
“Lâm Đồng với trái tim là thành phố Đà Lạt đã được vinh danh là một thành phố bền vững về môi trường, là một trong những điểm đến du lịch hàng đầu của thế giới. Vì vậy chúng tôi càng tự hào hơn khi được cùng chung tay, góp sức để thực hiện mục tiêu phát triển bền vững xanh của tỉnh thông qua chương trình trồng 50 triệu cây xanh ý nghĩa và để thành phố ngàn hoa lại càng khoe sắc rực rỡ hơn nữa”, ông Bùi Xuân Huy, CEO Tập đoàn Novaland chia sẻ tại lễ phát động.
Trong giai đoạn 2015-2020, Lâm Đồng đã triển khai Trồng rừng tập trung được 11.644 ha, 1,47 triệu cây phân tán, trồng xen canh cây lâm nghiệp trên 2.655 ha; giao khoán quản lý hơn 434 ngàn ha rừng (chiếm tỷ lệ hơn 80% diện tích từng hiện có); giải tỏa được 1.200 ha đất lâm nghiệp bị lấn chiếm, trồng lại rừng sau giải tỏa 879 ha, góp phần nâng tỷ lệ che phủ rừng từ 52,5% năm 2016 lên 55% năm 2020, qua đó phát triển kinh tế lâm nghiệp, góp phần phòng hộ, bảo vệ môi trường.