Sau khi tuyên bố tái cấu trúc, NovaGroup chuyển giao mảng ẩm thực Nova F&B cho một doanh nghiệp Singapore, thông qua sự thu xếp của VinaCapital.
Ở giai đoạn cực thịnh, Nova F&B được kỳ vọng trở thành một trong những mũi nhọn tạo ra nguồn thu ổn định cho NovaGroup, với 46 cửa hàng thuộc 18 thương hiệu nổi danh như: Marina Club, The Dome Dining & Drinks, Dynasty House, Phindeli, Mojo Boutique Coffee, Carpaccio, Shri Restaurant & Lounge...
Dù mới bước chân vào thị trường năm 2019, doanh thu Nova F&B đã sớm vượt 200 tỷ đồng chỉ sau 3 năm, được xem như một "thế lực mới" trong ngành F&B Việt Nam.
Sau khi đổi chủ, Nova F&B được đổi tên thành In Dining. Phía đối tác Singapore sau đó đã thuê IN Hospitality quản lý và vận hành Nova F&B. IN Hospitality được biết đến là đơn vị sở hữu trung tâm hội nghị, tiệc cưới GEM Center và White Palace tại TP. HCM.
Việc phải bán Nova F&B vào giữa năm ngoái dường như không làm giảm đi tham vọng của NovaGroup với mảng ẩm thực giải trí, nhằm hoàn thiện hệ sinh thái của tập đoàn. Giữa năm 2023, tập đoàn này thành lập Công ty CP Trải nghiệm toàn cầu (Global X) do ông Nguyễn Thảo Quân - Phó tổng giám đốc Nova Service làm người đại diện pháp luật.
Ông Nguyễn Thảo Quân được biết đến là người đóng góp vào sự thành công của hệ thống phòng tập Citigym, và cũng chính là người đại diện pháp luật của Nova F&B trong giai đoạn doanh nghiệp này mới được thành lập.
Lần trở lại này của NovaGroup với mảng ẩm thực giải trí có phần mạnh mẽ, bài bản và thần tốc hơn. Global X hiện có vốn điều lệ 50 tỷ đồng và chỉ mất khoảng 6 tháng để có được hệ thống 21 thương hiệu trong lĩnh vực F&B - nhiều hơn cả Nova F&B trước đây.
Theo giới thiệu của Global X, doanh nghiệp này hiện tập trung vào 3 mảng chính là: nhà hàng - cà phê; mô hình vườn bia; và hộp đêm. Ngoài ra còn có thương hiệu trà sữa và nhượng quyền gà rán BonChon, Phở Lý Quốc Sư...
Trong đó nổi bật là các thương hiệu lẩu phong cách Trung Hoa như Dragon Collection, nhà hàng Thái là Coco Thai, nhà hàng Nhật Tokyo House, mô hình vườn bia YoYo Garden, Warehouse, hay các hộp đêm như: Napoli, Casablanca.
Theo cập nhật từ trang chính thức của Global X, doanh nghiệp này đã có hơn 30 cửa hàng tại TP. HCM và các khu vực lân cận. Điểm đặc biệt là các cửa hàng này chủ yếu tận dụng mặt bằng có liên quan đến NovaGroup, cũng như dự án Novaworld Phan Thiết.
Điều này đồng nghĩa, ngoài hướng đến phục vụ tập khách hàng phổ thông, Global X còn mang trong mình một sứ mệnh là mang tới các tiện ích về giải trí, ẩm thực cho cư dân đại dự án Phan Thiết của NovaGroup.
Theo kế hoạch, Global X sẽ ra mắt hơn 300 cửa hàng thuộc hệ thống đến hết năm 2024, tập trung tại TP. HCM, Đà Lạt, Phan Thiết và Vũng Tàu.
Với quy mô này, Global X của NovaGroup có thể sánh ngang với ông lớn Golden Gate đang chiếm thế độc tôn trong lĩnh vực chuỗi nhà hàng - ẩm thực tại Việt Nam.
Tất nhiên, tham vọng của Global X sẽ không dễ thực hiện, sau khi trải qua 2 năm đại dịch, thị trường F&B đã có rất nhiều biến động. Đặc biệt hậu thời kỳ giãn cách, nhu cầu về ngành này đã ghi nhận sự tăng trưởng mạnh mẽ nhờ sự phục hồi của nhu cầu nội địa và sự quay lại của khách du lịch quốc tế.
Theo báo cáo "Kinh doanh ẩm thực tại Việt Nam" thực hiện bởi iPos.vn, nước ta hiện có hơn 330.000 nhà hàng và quán cà phê. TP. HCM là tỉnh thành sở hữu nhiều hàng quán nhất, chiếm 39,78% số lượng trên toàn quốc, gấp gần 3 lần so với Hà Nội.
Trong 6 tháng đầu năm 2023, hơn 40% doanh nghiệp ngành F&B ghi nhận doanh thu giảm. Nếu xét trên quy mô, doanh nghiệp F&B lớn (có từ 150 chỗ ngồi trở lên) có mức ảnh hưởng rõ rệt nhất, khi có tới 63,6% doanh nghiệp ghi nhận doanh thu giảm.
Tình trạng này kéo theo nhiều doanh nghiệp lặng lẽ rời đi, nhất là tại các mặt bằng đắt giá. Theo kết quả khảo sát của iPos.vn, hơn 10% doanh nghiệp thừa nhận phải đóng cửa ít nhất một chi nhánh trong 6 tháng đầu năm 2023.
Ông Vũ Thanh Hùng - Tổng Giám đốc iPos.vn cho biết: "Đa số các doanh nghiệp kinh doanh ẩm thực ghi nhận doanh thu giảm, hoặc giữ nguyên so với cùng kỳ năm ngoái. Tuy nhiên, thị trường vẫn xuất hiện những tín hiệu tốt từ nhiều mô hình kinh doanh mới, được định vị ở phân khúc bình dân".
30.000 - 45.000 VNĐ là mức chi tiêu phổ biến mà khách hàng sẵn sàng chi cho một bữa ăn trưa/tối. Đồng thời, 41.000 – 70.000 VNĐ là chi phí khách hàng dành để đi cà phê.
Nhìn chung, mức chi tiêu phổ biến của thực khách không có quá nhiều sự thay đổi so với năm 2022. Tuy nhiên, phân khúc cao cấp có sự chuyển biến rõ rệt, khi thực khách Việt Nam đang sẵn sàng chi tiêu nhiều hơn cho các nhà hàng, quán ăn cao cấp.