Ngày pháp luật

Nông sản an toàn từ bàn tay phụ nữ

Tuyết Mai

Thực hiện đề án “Hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp giai đoạn 2017 - 2025" gắn với vận động phụ nữ tham gia sản xuất sạch, tiêu dùng sạch và vệ sinh an toàn thực phẩm, các cấp hội tại tỉnh Bắc Giang tích cực tuyên truyền, hỗ trợ hội viên xây dựng nhiều mô hình sản xuất, kinh doanh nông sản an toàn phục vụ tiêu dùng hằng ngày và cung cấp cho thị trường.

Phát huy thế mạnh từng vùng

Tổ Phụ nữ liên kết sản xuất tiêu thụ sản phẩm Tương quê Trí Yên, thôn Long Khánh, xã Trí Yên (Yên Dũng, Bắc Giang) được thành lập vào năm 2015, gồm 6 thành viên. Chị Nguyễn Thị Thảo, tổ trưởng cho hay: “Từ xưa đến nay, người dân trong thôn vốn có nghề làm tương dùng cho gia đình. Nay nhờ tích cực quảng bá, nhiều người biết đến sản phẩm tương truyền thống. Chúng tôi làm nhiều hơn để phục vụ khách du lịch đến tham quan, vãn cảnh chùa Vĩnh Nghiêm”.

Để làm ra mẻ tương ngon, các chị chuẩn bị gạo nếp thơm (nếp cái hoa vàng), đỗ xanh, muối trắng và nước sạch. Hầu hết nguyên liệu làm ra tương đều được chọn lựa kỹ càng. Quá trình sản xuất cũng phải tuân thủ nghiêm ngặt về thời gian và bảo đảm sạch sẽ, không có tạp chất. Gia đình bà Vũ Thị Mến và ông Nguyễn Văn Nguyên - thành viên của tổ vẫn cần mẫn làm tương quanh năm.

Thành phẩm là những chai tương ủ đủ ngày, đủ tháng trong các vại gốm cổ với màu vàng hoa cúc. Nhờ tuân thủ quy trình sản xuất đó, mỗi năm tổ phụ nữ liên kết cung cấp ra thị trường khoảng 6 nghìn lít tương, giá bán 40 nghìn đồng/lít.

Năm 2018, Hội LHPN huyện Yên Dũng và Hội LHPN xã hỗ trợ 10 triệu đồng giúp tổ phụ nữ liên kết sản xuất tiêu thụ sản phẩm tương Trí Yên đăng ký nhãn mác. Qua đó, sản phẩm gắn mác tương Trí Yên do chị em phụ nữ làm ra được nhiều người biết đến, nay trở thành sản phẩm đặc trưng của địa phương. Ai đến vãn cảnh chùa Vĩnh Nghiêm cũng muốn mang chút tương quê về làm quà.

Ngoài việc hướng dẫn nhau kỹ thuật sản xuất, chị em hội viên được Hội LHPN xã cử tham gia nhiều chương trình tập huấn sản xuất, tiêu dùng nông nghiệp an toàn. Từ khi đăng ký nhãn mác, sản phẩm tương Trí Yên do các gia đình thành viên trong tổ làm ra dễ tiêu thụ hơn, có uy tín hơn. Sản lượng tiêu thụ tương tăng gấp đôi, gấp ba so với trước đây.

Đến nay, Tổ Phụ nữ liên kết sản xuất kinh doanh tương Trí Yên đã tham gia trưng bày và giới thiệu sản phẩm tại lễ hội chùa Vĩnh Nghiêm; ngày hội Phụ nữ sáng tạo khởi nghiệp, hội thảo xúc tiến thương mại năm 2019. Tới đây, tổ tiếp tục đầu tư thêm máy móc, góp phần hiện đại hóa quá trình sản xuất, nâng sản lượng.

Các hội viên phụ nữ ở xã Quế Nham (Tân Yên) cũng tìm hiểu, tham gia tổ sản xuất cây hàng hóa bảo đảm tiêu chuẩn VietGAP hơn 2 năm nay. Vùng sản xuất cây hàng hóa có diện tích khoảng 17 ha phân bố ở các thôn khác nhau. Hầu hết các loại cây trồng đều được chọn lựa theo mùa như: Hành tỏi, rau gia vị, rau ăn lá, ngô ngọt.

Bà Giáp Thị Chinh, xã Quế Nham (Tân Yên) trồng ngô ngọt theo quy trình an toàn
Bà Giáp Thị Chinh, xã Quế Nham (Tân Yên) trồng ngô ngọt theo quy trình an toàn

Ngoài ra, một số thành viên cũng trồng và mở rộng diện tích cây dược liệu sâm nam. “Hơn một năm nay, hội viên phụ nữ của tổ đã nắm vững kiến thức, kỹ thuật canh tác rau an toàn. Nông sản do chị em trồng được người dân ưa chuộng và tin dùng”- Chị Bùi Thị Thanh Huyền, Chủ tịch Hội LHPN xã Quế Nham nói.

Điển hình như gia đình bà Giáp Thị Chinh và ông Thân Hải Đăng hiện là hộ có diện tích trồng cây hàng hóa lớn của tổ gồm các loại cây rau ăn lá, rau gia vị, ngô ngọt, khoai tây, cà chùa và hơn 1 ha sâm nam núi Dành. Được tham gia tìm hiểu kỹ thuật trồng, sản xuất thực phẩm an toàn, bà Chinh và ông Đăng áp dụng các phương pháp an toàn như sử dụng chế phẩm tỏi, gừng, ớt diệt sâu bọ.

Trong quá trình chăm bón, bà Chinh sử dụng phân gà, lợn, xác cá nhỏ ủ hoai mục để làm phân bón, nước tưới rau. Toàn bộ rau, củ được cách ly đủ thời gian. Nhiều chị em thấy vậy cùng làm theo, ban đầu có vài hộ đến nay tổ liên kết đã thu hút 65 hộ.

Hỗ trợ hội viên duy trì sản xuất bền vững

Nhận thức của người tiêu dùng về nông sản an toàn tăng lên thì những khó khăn mà các hội viên sản xuất nông sản an toàn cũng tăng theo. Nhìn vào thực tế, hiện nay các mô hình, tổ liên kết, tổ hợp tác có sự tham gia của phụ nữ hoặc do cấp hội hỗ trợ thành lập hầu hết có quy mô nhỏ, diện tích sản xuất manh mún. Khó khăn về vốn khiến việc đầu tư ứng dụng kỹ thuật còn nhỏ giọt.

Hội viên phụ nữ phường Đa Mai (TP Bắc Giang) sản xuất rau an toàn.
Hội viên phụ nữ phường Đa Mai (TP Bắc Giang) sản xuất rau an toàn.

Để kịp thời hỗ trợ hội viên phụ nữ, từ khi thực hiện đề án "Hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp giai đoạn 2017-2025", từ năm 2017 đến nay, Hội LHPN tỉnh đã thẩm định và cho 43 dự án, tổ phụ nữ liên kết vay vốn với tổng kinh phí hơn 3,8 tỷ đồng. Trong đó có các nguồn vốn hỗ trợ phụ nữ phát triển kinh tế và khởi nghiệp, quỹ Quốc gia về việc làm, Chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới…

Theo bà Phạm Thị Hằng, Phó Chủ tịch Hội LHPN tỉnh, Hội LHPN tỉnh Bắc Giang cho biết, việc chỉ đạo các cơ sở hội tăng cường liên kết mở rộng quy mô sản xuất tăng chất lượng, giá trị sản phẩm, tạo ra sản phẩm có đăng ký nhãn mác, có nguồn gốc đáp ứng yêu cầu của người tiêu dùng, hướng đến an toàn. Tuyên truyền vận động hội viên tham gia, tập huấn kiến thức về sản xuất nông nghiệp an toàn, bảo đảm tuân thủ theo quy định.

Các cấp hội vận động hội viên ký cam kết sản xuất, chế biến, kinh doanh sản phẩm nông nghiệp an toàn; đưa nội dung vào chỉ tiêu thi đua triển khai đến cơ sở hội. Trong đó, mỗi huyện, thành hội vận động ít nhất 90% hộ gia đình hội viên cam kết sản xuất, chế biến, kinh doanh sản phẩm nông nghiệp an toàn; 100% hợp tác xã, tổ phụ nữ liên kết, tổ hợp tác do hội hỗ trợ thành lập ký cam kết với chính quyền địa phương bảo đảm sản xuất, kinh doanh nông sản thực phẩm an toàn. Mỗi huyện, thành hội hỗ trợ ít nhất một mô hình sản xuất kinh doanh sản phẩm nông nghiệp an toàn theo chuỗi.

Dựa trên đặc thù, thế mạnh ở địa phương, mỗi đơn vị lại có cách hỗ trợ chị em phát triển, mở rộng sản xuất, kinh doanh nông sản an toàn. Ví như Hội LHPN huyện Tân Yên tập trung vào các mô hình sản xuất rau, quả, măng lục trúc; Hội LHPN huyện Lục Ngạn phối hợp các đơn vị liên quan tập huấn kiến thức về trồng cây ăn quả; Hội LHPN huyện Yên Dũng hỗ trợ mô hình nuôi cá thương phẩm an toàn cho chị em; Hội LHPN huyện Hiệp Hòa giúp chị em vốn, giống bò sinh sản.

Tin Cùng Chuyên Mục