Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX) mới đây đã thông báo quyết định về việc chấp thuận niêm yết đối với cổ phiếu của Công ty Tài chính Cổ phần Tín Việt (VietCredit - mã CK: TIN). Theo đó, gần 68,8 triệu cổ phiếu TIN sẽ bắt đầu giao dịch trên thị trường UpCOM từ ngày 28/12 với giá tham chiếu 15.200 đồng/cổ phiếu, tương ứng định giá xấp xỉ 1.046 tỷ đồng.
Các định chế tài chính lần lượt “rời bỏ”
Theo bản cáo bạch, VietCredit tiền thân là Công ty Tài chính Cổ phần Xi măng (CFC), được thành lập từ năm 2008 với vốn điều lệ ban đầu 300 tỷ đồng. Trải qua 3 đợt tăng vốn vào tháng 6/2010, tháng 11/2018 và tháng 5/2019, vốn điều lệ của doanh nghiệp này đã được nâng lên mức 688 tỷ đồng như hiện nay.
Trong cơ cấu cổ đông tính đến ngày 25/3/2021, VietCredit chỉ có 1 cổ đông lớn duy nhất là Tổng Công ty Xi măng Việt Nam (Vicem) nắm giữ 14,6% cổ phần. Tổ chức này cũng là 1 trong 3 cổ đông sáng lập bên cạnh Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) và Tổng Công ty Thép Việt Nam (VNSteel).
Trong quá khứ, công ty tài chính tiêu dùng này từng thu hút được sự quan tâm của nhiều định chế tài chính. Ngoài Vietcombank, Ngân hàng TMCP Bản Việt (Viet Capital Bank) và Công ty Quản lý Quỹ đầu tư chứng khoán Bản Việt (Viet Capital Asset Management) cũng từng là cổ đông tại VietCredit vào năm 2016 trong đó mỗi tổ chức nắm giữ 4,96% cổ phần.
Tuy nhiên, nhóm Bản Việt và Vietcombank sau đó cũng đã lần lượt thoái toàn bộ vốn khỏi VietCredit. Hiện, hơn 85% vốn điều lệ của công ty tài chính tiêu dùng này do cổ đông thể nhân nắm giữ trong đó ông Nguyễn Đức Phương - Chủ tịch HĐQT sở hữu 4,32% cổ phần. Được biết, theo chủ trương của Chính phủ, Vicem cũng sẽ thoái toàn bộ phần vốn góp tại VietCredit.
Doanh thu tăng mạnh kéo theo nợ xấu tăng nhanh
VietCredit hoạt động chính trong các lĩnh vực huy động vốn, cho vay, đầu tư kinh doanh chứng khoán nợ, kinh doanh vốn trên thị trường tiền tệ và kinh doanh dịch vụ bảo hiểm. Công ty tài chính tiêu dùng này hiện sở hữu hệ thống 59 điểm cung cấp dịch vụ, tập trung chủ yếu ở các trung tâm thương mại, siêu thị và các khu công nghiệp.
Thành lập từ khá sớm nhưng tình hình kinh doanh của VietCredit không có nhiều ấn tượng dù đã mạnh tay tăng vốn từ năm 2010. Công ty tài chính tiêu dùng này còn gặp nhiều khó khăn từ sau khi các định chế tài chính rút vốn vào năm 2017. Trước khi tăng vốn lần 2, doanh thu hoạt động của VietCredit chỉ loanh quanh dưới 100 tỷ đồng và thậm chí còn lỗ ròng đến hơn 52 tỷ đồng vào năm 2018.
Tình hình kinh doanh của VietCredit dần được cải thiện từ năm 2019 khi doanh thu hoạt động bất ngờ tăng đột biến từ mức thấp của năm trước. Tuy nhiên, lợi nhuận còn khá khiêm tốn ở mức 14,4 tỷ đồng. Đến năm 2020, doanh thu hoạt động tiếp tục tăng mạnh lên 700 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế cũng theo đó tăng lên gần 33 tỷ đồng, gấp 2,3 lần năm trước.
9 tháng đầu năm 2021, VietCredit ghi nhận tổng thu nhập hoạt động đạt gần 879 tỷ đồng, tăng 72,1% so với cùng kỳ. Sau khi trừ chi phí, VietCredit lãi sau thuế hơn 69 tỷ đồng 9 tháng đầu năm 2021, gấp đôi so với cùng kỳ năm ngoái qua đó vượt 71,6% kế hoạch lợi nhuận đề ra.
Trong cơ cấu doanh thu, thu nhập lãi và các khoản thu nhập tương tự chiếm tỷ trọng cao nhất, đạt 785,4 tỷ đồng, tương đương 89% tổng doanh thu. Ngoài ra, lãi thuần từ hoạt động dịch vụ đạt 107,2 tỷ đồng, tăng 140,3% so với cùng kỳ năm 2020. Các hoạt động khác như kinh doanh ngoại hối, mua bán chứng khoán kinh doanh, chứng khoán đầu tư,... chiếm tỷ trọng không đáng kể.
Mặt khác, chi phí chiếm tỷ trọng lớn nhất trong 9 tháng đầu năm là chi phí dự phòng rủi ro tín dụng với 436,3 tỷ đồng, chiếm 36,3%. Chi phí này tăng nhanh trong năm 2020 và 9 tháng đầu năm 2021 (lần lượt 354% và 85,3% so với cùng kỳ) do ảnh hưởng của COVID-19 khiến khách hàng bị giảm thu nhập dẫn đến giảm khả năng thanh toán khiến nợ xấu tăng lên.
Tính đến thời điểm 30/9, tổng tài sản của VietCredit đạt 5.322 tỷ đồng, tăng gần 4% so với cuối năm 2020. Trong đó, dư nợ cho vay khách hàng chiếm tới 3.344 tỷ đồng, tăng 10,5% so với cùng kỳ năm ngoái.