Huy động trái phiếu để đảo nợ
Công ty CP Điện Gia Lai (mã ck: GEG) vừa có văn bản số 217/2024/CV-GEC gửi Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX) về việc công bố thông tin kết quả chào bán lô trái phiếu GEGH2429001.
Theo đó, lô trái phiếu GEGH2429001 được Công ty Điện Gia Lai phát hành và hoàn tất trong ngày 26/6/2024, kỳ hạn 60 tháng, tức đáo hạn ngày 26/6/2029. Khối lượng phát hành là 1.000 trái phiếu, mệnh giá 100 triệu đồng/trái phiếu, giá trị phát hành là 100 tỷ đồng.
Lãi suất của lô trái phiếu GEGH2429001 trong năm đầu tiên là 9,5%/năm. Từ năm thứ 2 đến hết năm thứ 4 áp dụng lãi suất thả nổi, điều chỉnh 3 tháng một lần và được xác định bằng lãi suất cơ sở + biên độ 3,9%/năm nhưng tối thiểu không thấp hơn 10%/năm. Còn lãi suất năm thứ 5 áp dụng lãi suất thả nổi, điều chỉnh 3 tháng một lần và được xác định bằng lãi suất cơ sở + biên độ 5,4%/năm nhưng tối thiểu không thấp hơn 11,5%/năm.
Tài sản đảm bảo của lô trái phiếu nêu trên là 61 triệu cổ phần Công ty CP Điện TTC Đức Huệ - Long An thuộc sở hữu của doanh nghiệp và toàn bộ các quyền và lợi ích phát sinh từ hoặc có liên quan đến toàn bộ số cổ phiếu Công ty Cổ phần Điện TTC Đức Huệ - Long An nêu trên.
Ngoài ra, trước ngày 01/11/2024, Công ty Điện Gia Lai sẽ bổ sung tài sản đảm là 20.804.891 cổ phiếu Công ty Cổ phần Thủy điện Gia Lai.
Trước đó ngày 12/6, Công ty Điện Gia Lai vừa thông qua Nghị quyết về việc Phê duyệt phương án phát hành 200 tỷ đồng trái phiếu riêng lẻ. Số tiền thu được từ đợt chào bán này sẽ được dùng để cơ cấu lại nợ của công ty, bao gồm thanh toán gốc hoặc lãi cho gói trái phiếu GEGB2124003 đến hạn tháng 8/2024.
Trái phiếu có mệnh giá 100 triệu đồng/trái phiếu, tổng giá trị phát hành tối đa là 200 tỷ đồng, mã dự kiến là GEGH2427002. Đại diện chủ sở hữu trái phiếu là VCBS, đại lý quản lý tài sản đảm bảo là ngân hàng thương mại Việt Nam.
Theo HNX, lô trái phiếu GEGB2124003 có giá trị 300 tỷ đồng, được doanh nghiệp phát hành ngày 23/08/2021 và sẽ đáo hạn vào ngày 23/08/2024 tới đây. Trước đó ngày 12/04/2024, Công ty Điện Gia Lai cũng vừa đáo hạn lô trái phiếu GEGB2124001 có giá trị 500 tỷ đồng.
GEG làm ăn ra sao?
Công ty Cổ phần Điện Gia Lai được thành lập vào tháng 6/1989. Hoạt động sản xuất chính của công ty là sản xuất, truyền tải, phân phối và kinh doanh điện năng. Doanh nghiệp chính thức hoạt động theo mô hình công ty cổ phần từ năm 2010. Đến ngày 19/9/2019, cổ phiếu của doanh nghiệp chính thức giao dịch tại Sở Giao dịch Chứng khoán TP. Hồ Chí Minh (HOSE) với mã GEG.
Công ty Điện Gia Lai là một trong những doanh nghiệp dẫn đầu trong lĩnh vực năng lượng tái tạo tại Việt Nam.
Trong quý I/2024, doanh thu thuần hợp nhất của Công ty Điện Gia Lai đạt 739 tỷ đồng, tăng 35% so với cùng kỳ. Doanh thu bán điện chiếm tỷ lệ 99%, còn lại là doanh thu từ cung cấp dịch vụ, xây lắp và mua bán hàng hóa thiết bị. Lợi nhuận gộp quý I/2024 đạt 418 tỷ đồng, biên lợi nhuận gộp đạt mức 57%.
Lợi nhuận trước thuế và lợi nhuận sau thuế hợp nhất quý I/2024 đạt lần lượt 137 tỷ đồng và 126 tỷ đồng, tăng lần lượt 29% và 22% so với cùng kỳ.
Theo kế hoạch kinh doanh năm 2024, doanh nghiệp đặt mục tiêu doanh thu thuần đạt 3.120 tỷ đồng và lợi nhuận trước thuế đạt 353 tỷ đồng, lần lượt tăng 44% và 81% so với năm 2023. Công ty dự kiến chia cổ tức năm 2023 với tỷ lệ 5% bằng cổ phiếu hoặc tiền mặt.
Tính đến ngày 31/3/2024, tổng sản tài của Công ty Điện Gia Lai đạt 16.153 tỷ đồng, tăng khoảng 20 tỷ đồng so với hồi đầu năm. Về nguồn vốn, tổng nợ phải trả của doanh nghiệp hơn 10.259 tỷ đồng, trong đó nợ vay tài chính là 9.936 tỷ đồng, chiếm 96,8% nợ phải trả của doanh nghiệp.
Điện Gia Lai hiện được xem là một trong số các doanh nghiệp dẫn đầu trong lĩnh vực năng lượng tái tạo ở Việt Nam. Trong mảng điện mặt trời, công ty này đang có 06 dự án với tổng công suất đạt hơn 342 MWp, và 34 hệ thống điện mặt trời áp mái với tổng công suất 32 MWp.
Điện Gia Lai còn trực tiếp và gián tiếp sở hữu 12 nhà máy thủy điện vừa và nhỏ tiềm năng với tổng công suất 81MW, chủ yếu tập trung ở Tây Nguyên (93%) và Bắc Trung Bộ (7%); và 05 nhà máy điện gió với tổng công suất 260 MW.
Đối với tình hình sản xuất kinh doanh năm nay, ban lãnh đạo Điện Gia Lai đánh giá, công ty vẫn phải đối mặt với nhiều yếu tố bất lợi. Điển hình như việc không có nguồn điện lớn nào vào vận hành, lượng khí cấp cho phát điện từ nguồn khí hiện hữu đang suy giảm, nguồn khí mới vào chậm tiến độ, nhu cầu than cho phát điện tăng cao làm lượng than nhập khẩu tăng cao.
Trong năm nay, Điện Gia Lai dự kiến tiếp tục nghiên cứu phát triển các loại hình năng lượng tái tạo như điện rác, hydrogen, điện gió ven bờ kết hợp hydrogen, điện gió ngoài khơi, thủy điện tích năng,...
Đối với mảng thủy điện, Điện Gia Lai sẽ tập trung hoàn thiện pháp lý tại Nhà máy thủy điện Ea Tih (tỉnh Đắk Lắk). Dự án này có công suất 8,6 MW, đã được Điện Gia Lai mua lại từ tháng 8/2023.
Theo Điện Gia Lai, các dự án thủy điện vừa và nhỏ đang dần đến hết thời hạn hợp đồng mua bán điện (PPA) 20 năm theo hợp đồng mẫu áp dụng biểu giá chi phí tránh được.Ngày 12/4/2024, Bộ Công thương đã ban hành Thông tư số 07/2024/TT-BCT về việc Quy định phương pháp xác định giá phát điện, hợp đồng mua bán điện, áp dụng cho các nhà máy thủy điện nhỏ sau 20 năm hết PPA, điều này sẽ một thách thức rất lớn cho công ty để đảm bảo doanh thu cũng như lợi nhuận cho cổ đông trong giai đoạn sau này, theo Điện Gia Lai.
Để đảm bảo nguồn thu trong tương lai, Điện Gia Lai cho biết, sẽ tập trung cho mục tiêu trọng tâm là tìm kiếm phát triển những dự án năng lượng mới cũng như M&A dự án năng lượng hiệu quả để triển khai.
Đối với mảng điện mặt trời, Điện Gia Lai sẽ tiếp tục thi công hoàn thiện và đưa dự án Điện mặt trời Đức Huệ 2 tại tỉnh Long An vào vận hành thương mại.
Đối với mảng điện gió, công ty dự kiến hoàn tất công tác đàm phán giá điện tại Nhà máy điện gió Tân Phú Đông 1 tại tỉnh Tiền Giang và trụ A7 Nhà máy điện gió VPL 1 tại tỉnh Bến Tre; hoàn thiện pháp lý cho dự án năng lượng điện gió kết hợp sản xuất hydrogen tại tỉnh Tiền Giang; tiếp tục tìm kiếm đối tác nhằm phát triển và triển khai các dự án điện gió nhập khẩu từ Lào và điện mặt trời áp mái trong thời gian tới.