Thành công của Hirotake Yano - người sáng lập Daiso đến từ chiến lược nguồn hàng nhanh nhạy, hợp xu hướng nhờ việc đàm phán trực tiếp với nhà sản xuất để đặt hàng với số lượng lớn và giá thấp. Từ những sản phẩm chất lượng cao cho đến những món đồ kỳ quặc, tất cả chỉ có một giá 100 yên, một chiến lược được chuỗi bán lẻ lớn nhất thế giới Wal-Mart (Mỹ) sử dụng.
Hirotake Yano sinh năm 1943 tại Hiroshima, Nhật Bản. Ông sinh ra trong một gia đình gồm 8 người. Theo Bloomberg ước tính, tài sản của tỷ phú này hiện vào khoảng 1,9 tỷ USD.
Con đường đến với kinh doanh của Hirotake Yano không hề bằng phẳng. Sau khi tốt nghiệp đại học Chuo ở Tokyo, ông tiếp quản cửa hàng bán cá của bố vợ, rồi nhanh chóng đưa nó đến bờ vực... phá sản.
Thất bại trong việc bán cá là "trái đắng" đầu tiên của Yano.
Rời khỏi Hiroshima, nơi Yano đã "nếm trái đắng" đầu tiên trong sự nghiệp kinh doanh, ông cùng vợ và con trai chuyển tới Tokyo. Lúc này, Yano vẫn tin rằng bản thân mình có tố chất trở thành một người bán hàng tốt. Thế nhưng, sau 3 tháng chân ướt chân ráo đi bán những cuốn bách khoa toàn thư, Yano bắt đầu cảm thấy bản thân không giỏi đến vậy.
Nghỉ việc khi vẫn đang ôm một khoản nợ, Yano tiếp tục tìm kiếm cơ hội trong một công ty chuyên tái chế rác thải. Rồi cứ thế, vòng xoáy "tìm việc, nghỉ việc, tiếp tục tìm việc" cứ tiếp tục lặp đi lặp lại với ông. Sau 9 lần nhảy việc, năm 1972, Yano mở cửa hàng của riêng mình có tên Yano Store, nơi các mặt hàng được ông bày trên những giá gỗ. Không ai ngờ đây chính là nền móng để tạo nên đế chế Daiso triệu đô.
Thông tin cơ bản về Daiso.
Năm 1977, Yano đổi tên công ty thành "Daiso Industries" ("Daiso" có nghĩa là “tạo nên điều lớn lao”) và bắt đầu nghĩ tới việc bán sản phẩm chỉ với một mức giá duy nhất - 100 yên. Nghe có vẻ là một chiến lược kinh doanh tầm cỡ, nhưng thực chất ý tưởng này đơn thuần đến từ việc Yano và vợ lười gắn mác vào từng sản phẩm. Chỉ vậy thôi... và họ nghĩ ra cách đặt mức giá tất cả như nhau.
"Tôi đã thất bại rất nhiều lần, và cũng không đặt nhiều kỳ vọng vào những việc mình đang làm. Tôi cảm tưởng điều đó chẳng có cơ hội để thành công. Trong suốt kỷ nguyên lạm phát, ý nghĩ bỏ cuộc ám ảnh tôi nhiều lần. Dường như thật kỳ quái khi cố gắng bán tất cả mọi mặt hàng với một mức giá duy nhất. Thế nhưng, tôi vẫn tiếp tục cố gắng bởi nếu bỏ cuộc thì sẽ chẳng biết làm gì cả"
Thành công nếu không đến từ tài năng thì chỉ có thể là sự kiên nhẫn bền bì. Pascal Martin - chuyên gia đến từ công ty tư vấn OC&C Strategy Consultants cho rằng Yano đã chọn đúng thời điểm hoàn hảo. Năm 1990, Hirotake Yano bắt đầu phát triển Daiso thành chuỗi cửa hàng 100 yên. Đây là lúc văn hoá tiêu dùng của người Nhật Bản thay đổi sau khi trải qua thời kỳ "bong bóng" kinh tế.
Bên trong Daiso số lượng vật dụng rất đa dạng, đặc biệt hơn tất cả các sản phẩm đều có một giá duy nhất.
Ở Mỹ, khi người ta chỉ dám đặt những cửa hàng 99 - cent trong các khu ổ chuột nghèo khó, thì tại Nhật Bản, cửa hàng 100 yên Daiso vẫn "hiên ngang" nằm tại các con phố xa xỉ, đập tan mọi nghi ngờ với thành công vang dội.
Khi Daiso mới thành lập, chuỗi cửa hàng này phải đối mặt với định kiến nặng nề. "Của rẻ là của ôi" - câu đúc kết từ ngàn đời ngay lập tức làm khách hàng ngại ngần mỗi khi định mua những món hàng chỉ có giá 100 yên từ Daiso.
Vấn đề chất lượng sản phẩm khiến Yano không khỏi băn khoăn. Ông muốn ai cũng phải hiểu Daiso không bao giờ bán hàng kém chất lượng. Để giải quyết vấn đề này, Yano quyết định đánh đổi bằng việc tăng nhẹ mức giá, nhưng đổi lại, Daiso sẽ có được các sản phẩm với chất lượng cao nhất có thể.
Thực tế đã chứng minh, nhiều khách hàng tỏ ra hài lòng khi mua sắm tại Daiso, và không gặp bất cứ vấn đề gì về chất lượng sản phẩm. "Với 100 yên, khách hàng ra về với sản phẩm mình muốn. Hơn thế nữa, họ còn có được niềm vui. Tôi tin rằng họ hoàn toàn thoả mãn mỗi khi bước vào Daiso" - Yano chia sẻ khi được hỏi về trải nghiệm khách hàng.
Sức hút của Daiso còn đến từ nghệ thuật lôi kéo tâm trí của khách hàng. Với mức giá 100 yên cho tất cả các mặt hàng, não bộ của khách hàng sẽ vô thức bỏ qua quá trình lựa chọn, và thôi thúc mua hàng theo một cách nào đó.
Daiso mang tới cho khách hàng những trải nghiệm tối ưu nhất với mức giá rẻ 100 yên. Hay nói cách khác, họ luôn biết cách "gãi đúng chỗ ngứa" của khách hàng. Một ví dụ tiêu biểu là chiếc đồng hồ Blue Planet, với màn hình hiển thị giờ và phút ở mức tối giản hết mức.
Tính đến năm 2018, Daiso có hơn 3.150 chuỗi cửa hàng ở Nhật Bản, và 1.800 cửa hàng ở nước ngoài bao gồm Úc, Mỹ, Singapore, Việt Nam,...
Hirotake Yano định hướng Daiso sẽ bước từng bước thật chậm nhưng chắc, chứ không muốn chạy đua mở rộng nó trong thời gian ngắn. Nghe thật mỉa mai, nhưng một tỷ phú có khối tài sản tỷ đô như Yano lại tỏ ra sợ hãi nếu doanh nghiệp của mình đi quá nhanh. Trong tư duy của Yano, sự tham lam và bộp chộp chính là nguyên nhân sụp đổ của nhiều công ty. Chính vì lẽ đó, ông luôn giữ cho mình phương châm sống: Khiêm tốn, làm việc chăm chỉ, siêng năng.
Từ trước tới nay, những lời nói ra từ miệng của một tỷ phú thường chất chứa đầy sự kiêu hãnh, ngạo nghễ, thậm chí ngông cuồng. Với những tỷ phú Nhật Bản, điều này cũng không ngoại lệ, nhất là khi nhìn vào những cái tên như Masayoshi Son, hay gần đây nhất là "tỷ phú mặt trăng" Maezawa Yusaku. Ở Hirotake Yano, người ta lại nhìn thấy một cá tính trầm lặng, đôi lúc có phần tự ti. Tỷ phú này từng tự nhận mình là một "ông già lỗi thời" hay thừa nhận "không biết gì về Internet". Dù vậy, không ai có thể khinh thường ông một khi nhìn vào thành công của Daiso.
Có khởi đầu không mấy lạc quan, trải qua 9 công việc khác nhau trước khi lập nên Daiso, Hirotake Yano trân trọng từng thất bại trong sự nghiệp của mình. Ông cho rằng: "Kinh doanh cũng giống như việc trèo lên một ngọn núi cao, nó dạy ta những bài học từ khó khăn và thử thách. Rồi khi đã lên đến đỉnh, ta sẽ thấy biết ơn ngọn núi đó".
Hơn ai hết, Hirotake Yano hiểu rằng con đường đến với thành công không trải bằng hoa hồng. Ông chia sẻ thêm về triết lý kinh doanh của mình: "Chẳng ai đoán được điều gì sẽ xảy ra. Những rủi ro đôi lúc ập đến bất ngờ, và bạn không thể biết trước được. Tôi đã dự định tới khả năng khách hàng sẽ chán ngấy Daiso vào một ngày nào đó. Ở trên đời, chẳng có thứ gì có thể tồn tại mãi mãi".
Cuối cùng, khi được hỏi lại về nỗi sợ mở rộng doanh nghiệp, Hirotake Yano thẳng thắn trả lời: "Tôi đã sợ hãi rất nhiều. Nhưng gần đây, tôi bắt đầu nghĩ rằng dù chuyện gì xảy ra, hãy cứ để nó xảy ra, bởi đằng nào chúng tôi cũng đã đi một chặng đường quá xa. Trường hợp xấu nhất, chúng tôi sẽ bị một tổ chức hay công ty lớn nào đó mua lại là cùng".