Ngày pháp luật

Nỗ lực giảm phí dịch vụ của ngân hàng gặp khó

Thanh Thanh

Chia sẻ khó khăn với khách hàng do ảnh hưởng dịch Covid-19, đã có 44/45 ngân hàng thực hiện miễn, giảm phí thanh toán cho khách, chiếm 99,7% thị phần; nhiều loại phí được giảm từ 75-100% mức phí cũ. Các NH vẫn đang phải chịu phí nhắn tin SMS cao nhất từ các doanh nghiệp (DN) cung cấp dịch vụ viễn thông…

Liên tiếp miễn giảm phí dịch vụ cho khách hàng

Để hỗ trợ khó khăn cho khách hàng, ngày 31/3 vừa qua, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã ban hành Thông tư 04/2020/TT-NHNN sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư 26/2013/TT-NHNN ngày 5/12/2013 của NHNN ban hành Biểu phí dịch vụ thanh toán qua NHNN. Theo đó, từ ngày 1/4/2020 đến hết ngày 31/12/2020, phí giao dịch thanh toán qua Hệ thống thanh toán điện tử liên NH đã được điều chỉnh giảm 50%.

Trước đó, thực hiện ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ trong việc đồng hành với người dân đối phó với dịch bệnh, trong 3 tháng đầu năm 2020, NHNN đã có 2 lần liên tiếp chỉ đạo Công ty CP Thanh toán Quốc gia Việt Nam (Napas), Trung tâm Thông tin tín dụng Quốc gia (CIC), các NH thương mại, chi nhánh NH nước ngoài thực hiện miễn, giảm các loại phí dịch vụ thanh toán và điều chỉnh giảm giá sử dụng dịch vụ thông tin tín dụng. 

Nỗ lực giảm phí dịch vụ của ngân hàng gặp khó - Ảnh 1
Ảnh minh họa

Việc giảm phí đã tác động không nhỏ đến doanh thu nhưng các NH vẫn cam kết sát cánh, đồng hành thực hiện nhiệm vụ chính trị, trách nhiệm của DN với cộng đồng và người dân. Thống kê cho thấy, sau 2 lần giảm phí trong năm 2020 đã có trên 63% giao dịch chuyển tiền liên NH qua Napas được tiếp tục giảm phí trực tiếp cho khách hàng sử dụng dịch vụ với sự tham gia của gần 100% các NH. Cùng với đó, tổng số tiền phí mà các NH giảm cho khách hàng trong cả 2 lần giảm phí khoảng 560 tỷ đồng.

Không chỉ NH giảm phí dịch vụ thanh toán, CIC cũng 2 lần giảm phí dịch vụ thông tin tín dụng. Giải pháp của CIC ngoài việc giúp các tổ chức tín dụng giảm chi phí, hạ lãi suất còn gián tiếp nâng cao khả năng tiếp cận tín dụng của người dân và DN; qua đó góp phần chia sẻ khó khăn với người dân và DN bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh. 

Đề nghị xem xét giảm mức giá cước tin nhắn 

Trong khi NH nỗ lực giảm phí dịch vụ cho khách hàng thì bản thân lại đang gặp “nút mắc” không thể tháo gỡ một mình. Ông Đặng Công Hoàn, Phó Giám đốc Khối NH bán lẻ Techcombank cho biết, hầu hết các giao dịch NH đều sử dụng dịch vụ viễn thông với các loại tin nhắn như xác thực khách hàng (OTP), thông báo biến động số dư tài khoản khách hàng, cảnh báo giao dịch lừa đảo, gian lận, thay đổi dịch vụ, thông tin tài khoản, tin nhắn quảng cáo, chăm sóc khách hàng... Các dịch vụ này đều phải trả cước dịch vụ nhắn tin cho các DN viễn thông.

Điều đáng nói, giá cước dịch vụ tin nhắn DN viễn thông dành cho các NH đang cao hơn nhiều lần so với những tin nhắn thông thường. “Trong khi tin nhắn giữa các cá nhân đơn lẻ ở mức 250 - 300 đồng/ tin nhắn thì mức giá cước tin nhắn mà các DN viễn thông đang áp dụng đối với các NH cao gấp gần 3 lần…” - ông Hoàn phản ánh.

Đơn cử, các nhà mạng lớn ở Việt Nam đang áp dụng mức 820 đồng/tin nhắn giao dịch tài chính, 500 đồng/tin nhắn quảng cáo chăm sóc khách hàng… Các NH đều chịu phí SMS trực tiếp từ nhà mạng hoặc đối tác của nhà mạng, mức phí SMS Branding từ 690-720 đồng/tin nhắn.

Bà Hoàng Thị Mai Thảo, Giám đốc Khối NH bán lẻ SHB cho biết, ngoài tin nhắn SMS, NH cũng đang có một số kênh khác để tương tác thông tin tới khách hàng với chi phí thấp như tin nhắn thông báo trên ứng dụng, tạo ứng dụng tự sinh OTP... nhưng tin nhắn SMS vẫn là phương thức thông báo an toàn, đặc biệt là tin nhắn SMS-Brandname với nhận diện riêng của NH, để tránh kẻ gian giả mạo, lừa đảo khách hàng.

“Duy trì, sử dụng tin nhắn SMS là một nhu cầu thiết yếu để đảm bảo an toàn cho khách hàng và bản thân NH chứ không nhằm mục đích kinh doanh. Do vậy, các DN viễn thông thu mức phí cao gấp nhiều lần so với mức thông dụng là chưa hợp lý”- bà Thảo nhấn mạnh.

Để đồng hành, chia sẻ, giảm bớt gánh nặng chi phí cho NH khi thực hiện chính sách miễn, giảm phí sử dụng dịch vụ thanh toán không dùng tiền mặt cho nền kinh tế, Hiệp hội NH Việt Nam (VNBA) cũng vừa có văn bản đề nghị Bộ Thông tin và Truyền thông chỉ đạo các DN viễn thông xem xét giảm mức giá cước tin nhắn xuống tương đương với mức giá cước tin nhắn thông thường (áp dụng cho dịch vụ nhắn tin giữa các cá nhân đơn lẻ) hoặc ít nhất giảm 50% mức giá cước tin nhắn hiện đang áp dụng với các NH.

Giới chuyên môn cho rằng, các kiến nghị trên nếu được thông qua sẽ là trợ lực lớn để các NH có thêm động lực giúp người dân, DN vượt qua những khó khăn do đại dịch Covid-19 hiện nay - một sự chung tay rất ý nghĩa vào lúc này.

Tin Cùng Chuyên Mục