Theo kế hoạch, lô trái phiếu sẽ được phát hành trong quý II/2025 với kỳ hạn 36 tháng, lãi suất cố định 10%/năm. Đây là loại trái phiếu không chuyển đổi, không kèm chứng quyền, có tài sản bảo đảm và không phải là nợ thứ cấp.
Số tiền huy động từ đợt phát hành này được sử dụng để trả toàn bộ 10 khoản vay với tổng giá trị đúng 500 tỷ đồng mà BaF đã ký kết trong năm 2024 và sẽ đến hạn trong quý II/2025. Các khoản vay này đến từ cả ngân hàng và các đơn vị trong hệ sinh thái sản xuất nông nghiệp của công ty.
Danh sách các khoản nợ bao gồm: Công ty CP Chăn nuôi Công nghệ cao Hải Đăng Tây Ninh (95 tỷ đồng), BaF Nghệ An (93,4 tỷ), Bắc An Khánh (80 tỷ), Ngân hàng Quốc tế VIB – chi nhánh Sài Gòn (61,6 tỷ), BaF Bình Định (40 tỷ), Minh Thành Livestock (30 tỷ), cùng các công ty liên kết như Trang trại Xanh 1, Xanh 2 và Tân Châu.
Việc phát hành trái phiếu lần này giúp BaF giãn thời gian thanh toán các nghĩa vụ tài chính sắp đến hạn thêm ba năm. Tuy nhiên, điều này cũng đồng nghĩa doanh nghiệp sẽ phải gánh thêm chi phí lãi vay trong bối cảnh tỷ lệ nợ trên vốn chủ sở hữu đang ở mức cao.
Tính đến cuối tháng 3/2025, tổng dư nợ vay ngắn hạn, dài hạn và trái phiếu chuyển đổi của BaF đạt 2.690,6 tỷ đồng, chiếm 87,7% vốn chủ sở hữu – tăng mạnh so với mức 74,5 tỷ đồng vào đầu năm 2021, thời điểm công ty chưa niêm yết trên HOSE.
Đòn bẩy tài chính gia tăng chủ yếu để phục vụ chiến lược mở rộng chuỗi trang trại trong những năm qua. Dù vậy, áp lực nợ cũng đặt ra yêu cầu kiểm soát dòng tiền chặt chẽ hơn trong giai đoạn tới.
Về kết quả kinh doanh, trong quý I/2025, BaF ghi nhận doanh thu thuần đạt 1.123,6 tỷ đồng, giảm 10% so với cùng kỳ 2024. Ngược lại, lợi nhuận sau thuế tăng 12,5%, đạt 133,5 tỷ đồng – tương đương 20,9% kế hoạch lợi nhuận năm 2025 đặt ra ở mức 638,61 tỷ đồng.