Ngày pháp luật

Nielsen: 76% người tiêu dùng Việt chuộng hàng nội địa

Theo Người đồng hành

Theo nghiên cứu gần đây của Nielsen - một công ty đo lường và phân tích dữ liệu toàn cầu, có 3 động lực chính ảnh hưởng đến hành vi và thói quen mua sắm hậu Covid-19 trên toàn thế giới bao gồm: Chất lượng và Hiệu quả; Sản phẩm có nguồn gốc địa phương và Công nghệ

Các động lực này thúc đẩy sự phát triển đáng kể của các xu hướng như người tiêu dùng chuộng hàng nội địa, sẵn sàng chi trả cao hơn cho những sản phẩm đảm bảo chất lượng và tốt cho sức khỏe. Trong khi đó công nghệ tác động đến cách người tiêu dùng tìm kiếm, mua sắm, kết nối với các thương hiệu và mua sắm trực tuyến nhiều hơn. Đáng chú ý là người tiêu dùng Việt (NTD) cho biết họ quan tâm vấn đề sức khỏe và chuộng hàng nội địa cao hơn mức trung bình các nước trên thế giới, đồng thời sự sẵn lòng chọn các sản phẩm cao cấp có lợi ích phù hợp của họ cũng cao hơn các thị trường khác.

76% người tiêu dùng Việt chuộng hàng nội địa

Theo báo cáo của Nielsen, so với mức trung bình toàn cầu, NTD Việt có sự ưu tiên lớn hơn đối với các sản phẩm địa phương, với 17% NTD cho biết rằng họ chỉ mua hàng tiêu dùng nội địa và 59% nói rằng họ đa phần mua hàng tiêu dùng nội địa (so với mức trung bình toàn cầu là 11% và 54%).

NTD ưu tiên hàng Việt Nam vì biết rõ nguồn gốc và mong muốn hỗ trợ doanh nghiệp Việt. Đây là một trong những mong muốn mới nổi lên ở các quốc gia trong mô hình Phục Hồi theo nghiên cứu về Các viễn cảnh cuộc sống Hậu Covid-19 của Nielsen.

“Điều này mang đến cơ hội cho các nhà sản xuất địa phương củng cố thông tin về nguồn gốc xuất xứ. Tuy nhiên, các nhà cung cấp địa phương cũng cần cung cấp sản phẩm có giá trị tốt phù hợp với nhu cầu chung của NTD và đảm bảo sự có mặt sản phẩm trên quầy kệ”, Nielsen nhận định.

Sức khỏe trở thành mối quan tâm hàng đầu tại Việt Nam trong 4 quý liên tiếp. Trong quý I năm 2020, gần một nửa NTD Việt xếp hạng sức khỏe là mối quan tâm số một, dẫn đầu các nước trên thế giới. Thậm chí trước đại dịch, gần 2/3 NTD Việt sẵn sàng chi trả cao hơn cho các sản phẩm đảm bảo chất lượng và an toàn, vượt xa mức mức trung bình toàn cầu là 49%. Xu hướng này dự kiến sẽ còn phát triển mạnh hơn nữa, vì NTD ngày càng tìm kiếm sự đảm bảo nhiều hơn sau đại dịch.

“Dịch bệnh Covid-19 đã để lại nhiều thay đổi trong thói quen và hành vi của người tiêu dùng cũng như tạo ra những xu hướng mới, từ việc chủ động mua sắm những sản phẩm an toàn cho sức khỏe cho đến việc trữ nguồn thức ăn thiết yếu tại nhà. Khi NTD tìm kiếm sự đảm bảo về chất lượng sản phẩm thì một thương hiệu quen thuộc, có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, uy tín là cách nhanh nhất để chạm đến nhu cầu này. Chúng tôi biết rằng sản phẩm có nguồn gốc địa phương vô cùng quan trọng ở Việt Nam và có lợi thế hơn so với các sản phẩm ít quen thuộc.” bà Louise Hawley, Tổng giám đốc Nielsen Việt Nam cho biết.

Nielsen: 76% người tiêu dùng Việt chuộng hàng nội địa - Ảnh 1
Nhiều người tiêu dùng Việt chuộng hàng nội địa. Ảnh: TA

Sức mua ngành bán lẻ sẽ sớm phục hồi

Nielsen cho biết, trong giai đoạn tháng 3 và tháng 4 vừa qua, toàn bộ ngành hàng tiêu dùng nhanh (FMCG) đã chứng kiến sự sụt giảm 12%. Sự sụt giảm này phần lớn đến từ kênh truyền thống, trong đó kênh mua và tiêu dùng sau (Off Traditional Trade) chứng kiến sự sụt giảm 9%, trong khi đó kênh tiêu dùng tại chỗ (On Channel) còn sụt giảm mạnh hơn nữa với 36%.

“Điều này cũng rất dễ hiểu và lý giải được là do thói quen của NTD thay đổi - chuyển sang tiêu dùng tại nhà thay vì ăn uống ở ngoài như trước đây. Riêng kênh hiện đại (Modern Trade) chứng kiến xu hướng ngược lại với sự tăng trưởng kéo dài liên tục từ đầu năm đến nay, với mức tăng 23% trong giai đoạn này”, báo cáo của Nielsen viết.

Theo ông Nguyễn Tiến Dzũng, Giám đốc Cấp cao, Bộ phận Đo lường Bán lẻ, Nielsen Việt Nam, trong quá khứ, các cuộc khủng hoảng nghiêm trọng như SARS ở Trung Quốc, thảm họa Fukushima ở Nhật Bản và gần đây - dịch MERS ở Hàn Quốc, tất cả đều tạo ra mô hình tương tự trong doanh số bán lẻ.

“Chúng ta có thể thấy doanh số bán lẻ thường bị hạn chế trong khoảng thời gian nhiều biến đổi của các cuộc khủng hoảng, sau đó thị trường có xu hướng quay trở lại kinh doanh như trạng thái bình thường và thậm chí có thể tăng trưởng tốt hơn. Tại Việt Nam, chỉ số niềm tin NTD (CCI) trong quý I năm 2020 vẫn duy trì ở mức cao, top 4 trên thế giới, đạt 126 điểm. So với quý cuối năm 2019, niềm tin của người tiêu dùng Việt Nam vẫn ổn định với mức tăng 1 điểm, từ 125 lên 126. Do đó, đây cũng là một yếu tố kỳ vọng sự phục hồi nhanh chóng của sức mua NTD”, ông Dzũng nói.

Thương mại điện tử gắn liền với hành vi mua sắm hậu Covid-19

Trả lời khảo sát của Nielsen, 64% người tiêu dùng cho biết sẽ tiếp tục sử dụng dịch vụ giao thức ăn thường xuyên hơn và 63% sẽ tiếp tục mua sắm trực tuyến thường xuyên hơn sau đại dịch. Theo ông Lê Hoàng Long - Quản lý bộ phận Tư vấn chuỗi bán lẻ, Nielsen Việt Nam, “Xu hướng mua hàng trực tuyến chắc chắn sẽ tăng hậu Covid-19. Tuy nhiên, kênh trực tuyến sẽ tồn tại song song chứ khó có thể thay thế hoàn toàn các điểm bán trực tiếp. Dự báo sẽ có nhiều "cú bắt tay" hơn nữa giữa những nhà bán lẻ trực tuyến và trực tiếp để tạo ra hệ sinh thái đa kênh, như trường hợp các siêu thị và nhà cung cấp kết hợp với nền tảng phân phối trực tuyến như hiện nay.”

NTD Việt đang tái ưu tiên ăn tại nhà. Thậm chí trước thời gian cách ly xã hội trong tháng 4/2020, 83% NTD cho biết họ sẽ cắt giảm tần suất ăn uống bên ngoài. Xu hướng tiêu dùng tại nhà cũng sẽ trở thành một thói quen trong cuộc sống bình thường mới của NTD châu Á với 62 - 86% NTD cho biết họ sẽ ăn tại nhà sau đại dịch.

"Khi NTD tiêu dùng tại nhà nhiều hơn thì sự tiện lợi như giao hàng nhanh và sản phẩm chất lượng sẽ là yếu tố then chốt thúc đẩy thương mại điện tử và giành chiến thắng trái tim NTD", Nielsen nhận định.

Tin Cùng Chuyên Mục