Trung tâm ĐMST ngang tầm khu vực
Cùng với sự kiện khánh thành NIC Hòa Lạc, vào sáng 28/10, Triển lãm quốc tế ĐMST Việt Nam năm 2023 (VIIE 2023) sẽ chính thức được khai mạc. VIIE 2023 sẽ diễn ra trong 5 ngày (28/10 - 1/11). Đây là một sự kiện lớn mang tầm quốc tế, quy tụ hàng trăm DN công nghệ hàng đầu trong nước và quốc tế, cùng sự tham gia của nhiều chủ thể hệ sinh thái; các cơ quan nhà nước, viện nghiên cứu - trường đại học, mạng lưới chuyên gia-trí thức, quỹ đầu tư, các tổ chức tư vấn, hỗ trợ ĐMST.
Dự kiến Thủ tướng Phạm Minh Chính sẽ tham dự sự kiện. Theo lãnh đạo NIC, đến nay, các đối tác đã đăng ký lấp đầy 100% gian hàng của triển lãm.
Chúng tôi có mặt tại Trung tâm Đổi mới sáng tạo (ĐMST) Quốc gia (NIC) tại Khu công nghệ cao (KCNC) Hòa Lạc (NIC Hòa Lạc) trước thời điểm khánh thành 2 tuần. Từ xa, vóc dáng đồ sộ với thiết kế vươn cao sang hai bên cùng những mảng màu ấn tượng khiến cho công trình nổi bật giữa một không gian xanh mát nơi đây.
Công trình NIC Hòa Lạc với tổng diện tích sàn gần 20.000 m2 gồm 2 khối nhà: Trung tâm hội nghị quốc tế với quy mô 1.500 chỗ ngồi và Khối nhà làm việc phía sau được kết nối bằng 2 đường dẫn từ 2 bên Trung tâm hội nghị.
Một điểm nhấn thú vị là từ khu nhà làm việc hướng ra phía sau là một khuôn viên với cây xanh, hồ nước, đặc biệt là sân khấu nhạc nước với một chiếc cầu đi bộ uốn lượn gần mép hồ. Đây là không gian thư giãn, sáng tạo lý tưởng cho các chuyên gia, các nhà khoa học…
Báo cáo Thủ tướng Phạm Minh Chính tại buổi khảo sát NIC Hòa Lạc hôm 12/10 vừa qua, Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng cho biết, tổng kinh phí xây dựng cơ sở mới của NIC Hòa Lạc là gần 1.000 tỷ đồng, nhưng không sử dụng ngân sách Nhà nước, mà huy động các nguồn tài trợ, đóng góp từ DN trong và ngoài nước dưới các hình thức đa dạng, thích hợp và thông qua xã hội hóa đầu tư. Bộ trưởng cũng bày tỏ quyết tâm và kỳ vọng đưa NIC trở thành một trung tâm ĐMST tầm cỡ trong khu vực, nơi thu hút và kích hoạt các nguồn lực trong và ngoài nước để thúc đẩy các hoạt động ĐMST .
Trao đổi với phóng viên Báo Pháp luật Việt Nam, ông Vũ Quốc Huy, Giám đốc NIC chia sẻ, thiết kế ý tưởng của NIC Hòa Lạc là một công ty đến từ Úc, thiết kế bản vẽ kỹ thuật là một công ty của Bộ Xây dựng, đơn vị thi công tòa nhà là Công ty CP Đầu tư và Xây dựng Xuân Mai, đơn vị thi công hạ tầng là Công ty TNHH MTV Phát triển KCNC Hòa Lạc.
“Chúng tôi đã tham khảo rất nhiều mô hình Trung tâm ĐMST điển hình trên thế giới. Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng cũng trực tiếp thăm và làm việc với hàng chục quốc gia phát triển có các Trung tâm ĐMST trên thế giới, đặc biệt tại các quốc gia châu Âu, Hoa Kỳ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore, Trung Quốc… Chúng tôi có thể khẳng định NIC Hòa Lạc là một trong các Trung tâm ĐMST lớn của khu vực…”, ông Huy nói.
Với quy mô lớn, trang thiết bị tiên tiến cùng không gian làm việc, nghiên cứu và phát triển (R&D) hiện đại và thân thiện, một trong những điểm nhấn của NIC Hòa Lạc là không gian kết nối, tạo điều kiện thuận lợi cho việc tổ chức các hoạt động ĐMST, hội thảo, diễn đàn và sự giao lưu kết nối giữa các doanh nghiệp (DN), nhà nghiên cứu và chuyên gia trong và ngoài nước, đẩy mạnh các hoạt động R&D, chuyển giao công nghệ…
Tại NIC Hoà Lạc cũng có các khu vực giới thiệu, trình diễn các công nghệ mới nhất trên thế giới cũng như tại Việt Nam, giúp DN trong nước có cơ hội tham khảo, học hỏi kinh nghiệm. Đặc biệt, các phòng lab, trung tâm R&D được thiết kế mở, các DN, trường đại học hay những đối tượng liên quan hoàn toàn có khả năng tiếp cận, sử dụng, nhận hỗ trợ từ những chuyên gia hoạt động tại đây.
Hội tụ và lan tỏa
Được thành lập theo Quyết định 1269/QĐ-TTg ngày 2/10/2019 của Thủ tướng Chính phủ, NIC là đơn vị sự nghiệp công lập trong lĩnh vực sự nghiệp kinh tế tự bảo đảm chi thường xuyên và chi đầu tư, trực thuộc Bộ KH&ĐT, nhằm thực hiện hỗ trợ, phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp, ĐMST, góp phần đổi mới mô hình tăng trưởng trên nền tảng phát triển khoa học và công nghệ (KH&CN).
Bà Kim Ngọc Thanh Nga, Trưởng ban Phát triển hệ sinh thái (NIC)- một trong những người tiếp cận ý tưởng mô hình NIC sớm nhất từ Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng nhớ lại, trước đó, khi câu chuyện Cách mạng công nghiệp 4.0 bắt đầu được đề cập đến, từ gợi ý của Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng đã nhận thấy đây chính là cơ hội lớn cho Việt Nam. Với mong muốn Việt Nam phát triển nhanh và bền vững, Bộ trưởng cho rằng KH&CN và ĐMST là 2 yếu tố không thể thiếu.
Cùng với việc nghiên cứu mô hình, xúc tiến thành lập, xây dựng Trung tâm ĐMST của Việt Nam, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng đặc biệt quan tâm đến câu chuyện kết nối nguồn lực từ các chuyên gia, nhà khoa học Việt Nam đang làm việc trong các Tập đoàn công nghệ lớn trên thế giới.
“Các đoàn công tác của Bộ đã được cử ra nước ngoài để tiếp cận các chuyên gia. Trong các chuyến công tác nước ngoài, Bộ trưởng luôn có các cuộc gặp gỡ, làm việc với các chuyên gia người Việt để truyền cảm hứng, mời gọi đóng góp xây dựng một nước Việt Nam hùng cường…”, bà Nga nhớ lại.
Trước khi NIC có quyết định thành lập chính thức, từ năm 2018, Bộ KH&ĐT đã có sáng kiến thành lập Mạng lưới ĐMST Việt Nam (InnovateVN) nhằm quy tụ các trí thức, nhà khoa học người Việt trên khắp thế giới, để cùng kết nối với các tổ chức, DN, chuyên gia trong nước, phục vụ các hoạt động KH&CN và ĐMST.
Với định hướng "hội tụ trí tuệ và lan toả lợi ích ĐMST Việt Nam", đến nay, mạng lưới ĐMST Việt Nam trên toàn cầu đã hình thành với 2.000 thành viên, gồm các chuyên gia, trí thức người Việt tiêu biểu trong và ngoài nước tại 20 quốc gia, vùng lãnh thổ (8 mạng lưới thành phần tại Đức, Nhật Bản, Australia, Hàn Quốc, châu Âu, Đài Loan (Trung Quốc), Bờ Đông và Bờ Tây Hoa Kỳ).
Thông qua InnovateVN, NIC phối hợp với các tập đoàn công nghệ lớn trên thế giới để hình thành nhiều hoạt động, dự án cụ thể, thúc đẩy hoạt động ĐMST. Đến thời điểm hiện tại nhiều tập đoàn lớn đã tiếp cận và mong muốn triển khai các trung tâm R&D, khu vực sản xuất tại NIC Hòa Lạc, như: Tập đoàn Samsung sẽ hình thành Trung tâm Samsung Innovation Lab; Tập đoàn John Cockerill sẽ xây dựng trung tâm R&D và phòng lab… NIC cũng phối hợp với Google, Meta, SpaceX, SK…, xây dựng khu vực trải nghiệm các công nghệ mới, trung tâm R&D, trung tâm đào tạo nhân lực …
Mới đây nhất trong chuyến thăm và làm việc của Thủ tướng Phạm Chính tại Hoa Kỳ hồi tháng 9, nhiều DN, tập đoàn công nghệ của Mỹ như Synopsys, Đại học Bang Arizona, Công ty Cadence Design Systems… cũng ký cam kết với NIC hỗ trợ Việt Nam phát triển công nghiệp bán dẫn…
“Chúng tôi đặt mục tiêu đến năm 2030 sẽ có 500 DN ĐMST tiêu biểu, dẫn dắt nền kinh tế Việt Nam. Và thông qua đó, họ sẽ tiếp tục hỗ trợ cho các DN đi sau cùng phát triển…”, lãnh đạo NIC chia sẻ.