Mỗi năm trên thế giới có hàng triệu startup được thành lập nhưng phần lớn phải tuyên bố đóng cửa chỉ vài năm sau đó. Ngay cả những công ty khởi nghiệp được định giá hàng trăm triệu USD hay thậm chí tỷ USD cũng không tránh khỏi việc phá sản.
Dưới đây là một số startup thất bại đáng chú ý năm 2018:
1. Theranos – startup công nghệ thử máu
Năm sáng lập: 2003
Định giá cao nhất: 9 tỷ USD
Số vốn huy động: 910 triệu USD
Quốc gia: Mỹ
Theranos từng là startup công nghệ y học nổi tiếng tại Thung lũng Silicon. Với ý tưởng thử máu sử dụng công nghệ độc quyền chỉ dùng mẫu máu nhỏ, công ty này được truyền thông ca ngợi như một hiện tượng của cộng đồng khởi nghiệp và thu hút sự chú ý của nhiều nhà đầu tư.
Thậm chí, Elizabeth Holmes – người sáng lập và CEO Theranos còn được ví như 'Steve Jobs phiên bản nữ', lọt vào bảng xếp hạng tỷ phú USD của Forbes và có mặt trong danh sách 100 người ảnh hưởng nhất thế giới của Time.
Thế nhưng, vào tháng 8 năm nay, startup này phải tuyên bố phá sản sau khi bị phóng viên John Carreyrou lật tẩy về những âm mưu lừa đảo của dự án, đưa Theranos đối mặt với nhiều cáo trạng về pháp lý, thương mại từ giới chức, nhà đầu tư, ủy ban giao dịch chứng khoán, bệnh nhân, đối tác...
2. Ofo – startup chia sẻ xe đạp
Năm sáng lập: 2014
Định giá cao nhất: 3 tỷ USD
Số vốn huy động: 2,2 tỷ USD
Quốc gia: Trung Quốc
Được chống lưng bởi những đại gia công nghệ như Alibaba, Didi Chuxing… Ofo là startup tiên phong trong lĩnh vực chia sẻ xe đạp và phủ sóng khắp các thành phố ở Trung Quốc những năm gần đây. Thông qua ứng dụng của Ofo trên smartphone, xe đạp có thể được mở khóa và sử dụng tại bất cứ nơi đâu.
Tuy nhiên, startup này hiện phải chịu áp lực lớn về dòng tiền. Hàng triệu người dùng Ofo đã yêu cầu hoàn số tiền trả trước 99 Nhân dân tệ (14 USD) qua ứng dụng. Tới hôm 19/12, có hơn 10 triệu người dùng đang chờ được hoàn tiền trên ứng dụng. Dai Wei - nhà sáng lập Ofo cho biết, vì khủng hoảng tài chính, anh đã nghĩ đến việc giải thể công ty và nộp đơn xin phá sản.
3. Blippar - ứng dụng thực tế tăng cường
Năm sáng lập: 2011
Định giá cao nhất: 1,5 tỷ USD
Số vốn huy động: 131,7 triệu USD
Quốc gia: Anh
Blippar - ứng dụng thực tế tăng cường (AR) và trí tuệ nhân tạo (AI) sử dụng trên thiết bị di động - do doanh nhân người Ấn Độ Ambarish Mitra sáng lập. Thông qua camera trên thiết bị, ứng dụng Blippar có thể nhận dạng hình ảnh và các đối tượng trong thế giới thực, sau đó hiển thị những nội dung số liên quan. Startup này từng có giai đoạn phát triển rất nhanh, với hơn 65 triệu người dùng tại 170 quốc gia (tính đến 2016).
Trong bối cảnh các 'ông lớn' công nghệ ngày càng đầu tư mạnh vào AR, Blippar buộc phải 'đốt' một số tiền lớn để tìm khách hàng mới và cuối cùng ngừng hoạt động do hết vốn.
4. Rethink Robotics – startup về robot cho ngành sản xuất
Năm sáng lập: 2008
Định giá cao nhất: 291 triệu USD
Số vốn huy động: 150 triệu USD
Quốc gia: Mỹ
Doanh thu của công ty không đủ duy trì hoạt động. Ảnh: Rethink Robotics.
Được sáng lập bởi Rod Brooks (đồng sáng lập iRobot) và Ann Whittaker (cựu nhân viên nghiên cứu của Phòng thí nghiệm khoa học máy tính và trí tuệ nhân tạo MIT), Rethink Robotics được đánh giá cao trong ngành công nghiệp robot với những sản phẩm như Baxter và Sawyer.
Dù sở hữu những bộ óc thông minh cùng khoản đầu tư 150 triệu USD, lợi nhuận của startup này vẫn không đủ để duy trì hoạt động. Tháng 10 vừa qua, Rethink Robotics buộc phải đóng cửa do không tìm được nguồn tài trợ bổ sung và thỏa thuận bán lại công ty thất bại.
5. Shyp - nền tảng vận chuyển theo nhu cầu
Năm sáng lập: 2013
Định giá cao nhất: 275 triệu USD
Số vốn huy động: 62 triệu USD
Quốc gia: Mỹ
Shyp thất bại vì chi phí hoạt động quá lớn. Ảnh: Shyp.
Với kỳ vọng cách mạng hóa ngành công nghiệp vận chuyển, Shyp từng thu hút sự chú ý của nhiều nhà đầu tư lớn. Họ ca ngợi startup có trụ sở ở San Francisco này là "công ty đầu tiên cho phép vận chuyển hàng hóa cá nhân một cách dễ dàng đến thế, dễ đến mức như là một phép màu".
Ứng dụng của Shyp được đánh giá thân thiện với người dùng, nhân viên chuyên nghiệp, giao hàng nhanh chóng... Nhưng đằng sau 'phép màu' mà công ty này mang đến là một mô hình với chi phí hoạt động rất cao. Doanh thu không bù đắp được chi phí khiến Shyp rơi vào tình trạng thua lỗ triền miên. Công ty dần sử dụng hết số tiền đầu tư và buộc phải tuyên bố phá sản.