Ngày pháp luật

Những nông sản ngoại đắt đỏ được 'nội địa' hoá

Theo Hồng Châu/VnExpress

Cà chua thân gỗ, cam ruột đỏ, dưa pepino... lúc mới nhập về có giá đắt đỏ nhưng nhanh chóng hạ nhiệt khi trồng được tại Việt Nam.

Cách đây một năm cà chua thân gỗ được nhập từ Ecuador có giá lên tới một triệu đồng một kg, nhưng đã nhanh chóng hạ nhiệt vì nhiều hộ dân ở Lâm Đồng nhân giống thành công và mở rộng diện tích.

Chị Tuyền, người trồng cà chua thân gỗ ở Đà Lạt cho hay, trước đây vụ đầu tiên, chị bán với giá 800.000 đồng một kg, nhưng nay trong khu vực có gần chục hộ trồng khiến giá giảm xuống còn 350.000 đồng. Vào thời điểm chính vụ, loại này chỉ còn 120.000 -150.000 đồng.

Đây không phải lần đầu tiên một loại trái cây, rau quả lạ được nhập về từ nước ngoài lên “cơn sốt” mà trước đó cũng đã có nhiều loại hoa quả gặp tình trạng tương tự và tới nay chúng đã hạ nhiệt.

Những nông sản ngoại đắt đỏ được 'nội địa' hoá - Ảnh 1

Cam ruột đỏ cũng từng có giá cao ngất ngưởng. Ảnh: Phương Đông.

Điển hình, vào năm 2015, cà chua đen khi mới xuất hiện trên thị trường cũng có giá lên tới 200.000 đồng một kg. Thế nhưng, chỉ sau một năm, mặt hàng này giảm còn 30.000 - 50.000 đồng. Chúng không chỉ được trồng ở các vườn tại Đà Lạt mà ở Đồng Nai, Bình Dương cũng nhân ra rộng rãi.

Cùng với cà chua đen, dưa pepino, cam ruột đỏ khi mới xuất hiện cũng có giá 200.000 đồng nhưng nay cũng chỉ còn vài chục nghìn đồng một kg.

Hầu hết hộ nông dân trồng các loại cây này cho biết, sở dĩ, thời gian đầu giá các loại trái cây lạ này đắt đỏ vì nguồn cung ít. Trong khi đó, tâm lý tò mò của người tiêu dùng đẩy nhu cầu tăng cao. Tuy nhiên, tới nay, số lượng người trồng các loại trái cây này đã tăng nên nguồn cung không khan hiếm như trước. Mặt khác, chúng là những loại cây dễ chăm sóc sau khi đã thích nghi với điều kiện môi trường tại Việt Nam.

Trao đổi với VnExpress, ông Lại Thế Hưng, Chi cục trưởng trồng trọt và bảo vệ thực vật Lâm Đồng cho biết, cà chua thân gỗ vẫn còn khá mới ở Lâm Đồng nhưng các loại như cà chua đen, dưa pepino một thời “sốt sình sịch” nay cũng đã được nhân rộng không chỉ ở đây mà còn xuất hiện ở các tỉnh khác nên giá giảm mạnh. Sắp tới, nếu người dân trồng ồ ạt loại cà chua thân gỗ thì giá sản phẩm này cũng sẽ chung cảnh với các sản phẩm trên.

“Trên thực tế, các loại giống mới này được người dân tự ý mang về trồng và nhân giống chứ chưa qua kiểm định và kiểm soát của cơ quan chức năng. Ngay như cà chua đen, loại này trước đó hút khách vì chúng có màu sắc lạ chứ các chất có trong trái này không khác nhiều so với loại thông thường”, ông Hưng nói và khuyên, người dân chỉ nên mở rộng đầu tư khi có đầu ra ổn định chứ không nên chạy theo trào lưu dễ lâm vào cảnh “được mùa mất giá”.

Tin Cùng Chuyên Mục