Một chiến thuật lừa đảo ngày càng phổ biến là tạo trang Facebook giả danh người nổi tiếng. Ban đầu, kẻ xấu lấy ảnh người nổi tiếng đăng lên trang Facebook giả, thậm chí sao chép nguyên văn dòng cập nhật trạng thái từ Facebook thật.
Sau khi có lượng người theo dõi nhất định, "người nổi tiếng" đột nhiên thông báo sẽ tặng tiền hoặc quà tặng có giá trị như lời cảm ơn tới fan. Nhưng trước hết, người dùng phải "thả like", chia sẻ và bình luận mới có cơ hội bốc thăm trúng thưởng. Nếu cả tin nghe theo, người dùng sẽ vô ý tiếp tay cho kẻ xấu, khiến càng có thêm nhiều người có khả năng mắc lừa.
Trên thực tế, các trang Facebook giả không có liên hệ với người nổi tiếng. Những người tham gia không có cơ hội nhận được món quà miễn phí hoặc số tiền hứa hẹn.
Bên cạnh "like" và "share", nhiều phiên bản của mánh lừa này yêu cầu người dùng mạng xã hội phải nhấn vào đường link lạ (chẳng hạn đường link tải xuống bộ phim mới nhất của người nổi tiếng) để ghi tên vào lá phiếu bốc thăm. Sau khi nhấn vào, trang web hiện ra đòi người dùng điền số thẻ tín dụng hoặc thông tin cá nhân khác để "kích hoạt" tài khoản.
Thông tin người dùng có thể bị bán lại cho công ty quảng cáo, khiến họ phải hứng chịu nhiều email, tin nhắn, hoặc cuộc gọi mời chào sản phẩm. Tệ hơn, kẻ xấu có thể dựa vào đó tiến hành các chiêu lừa đảo khác, như đánh cắp danh tính và ăn cắp tiền trong thẻ tín dụng. Một số trang còn yêu cầu người dùng trả trước khoản phí để "ghi danh" vào lá phiếu bốc thăm vô giá trị.
Kêu gọi quyên góp từ thiện
Một chiêu thức khác của trang Facebook mạo danh người nổi tiếng là kêu gọi quyên góp từ thiện. Mánh khóe này khó phát hiện hơn vì không những đánh vào lòng tốt của người dùng mà còn vì có nhiều người nổi tiếng thật sự đứng ra nhận đóng góp của cộng đồng. Nếu cả tin, cá nhân người dùng mất tiền oan, tổ chức từ thiện chân chính cũng bị chiếm nguồn tiền quý giá.
|
Nhiều trang Twitter lấy tên ca sĩ Taylor Swift nhưng chỉ trang có dấu tích xanh là thật. Ảnh: Twitter. |
Thông thường, kẻ mạo danh người nổi tiếng sẽ đăng ảnh và câu chuyện dễ làm mủi lòng lên Facebook (chẳng hạn cứu trợ người sau thảm họa sóng thần, lũ lụt, động đất...), kèm sẵn thông tin tài khoản để gửi tiền. Kẻ xấu sẵn sàng đầu tư công sức lập trang web mạo danh các tổ chức từ thiện chân chính để chiếm lòng tin của người dùng. Đôi khi, một số kẻ mạo danh còn táo bạo hơn, trực tiếp nhắn tin cho người dùng để kêu gọi.
Để tránh trở thành nạn nhân, người dùng mạng xã hội cần chú ý một số điều như: tổ chức từ thiện có tên lạ hoặc không nổi tiếng; người dùng bị "người nổi tiếng" nhắn tin gây áp lực, khiến có mặc cảm tội lỗi để từ đó xuất tiền; tài khoản nhận tiền thuộc sở hữu cá nhân, không phải của tổ chức từ thiện; hoặc sau khi chuyển khoản không nhận được giấy biên nhận có thông tin tổ chức trên đó.
Quảng cáo cho sản phẩm
Tên gọi và khuôn mặt của người nổi tiếng được coi như thương hiệu có thể bị lợi dụng để quảng bá cho sản phẩm hoặc dịch vụ. Mạng xã hội hiện tại, đặc biệt là Facebook, không khó tìm thấy ảnh các "sao" bị chỉnh sửa, đặt bên cạnh sản phẩm để tạo sự liên hệ. Đi kèm ảnh là đánh giá về chất lượng từ đích thân "người nổi tiếng", từ đó tạo uy tín với người dùng.
Chẳng hạn, người dùng là nữ có thể bắt gặp tài khoản Facebook của ca sĩ quảng cáo cho kem dưỡng da, thuốc giảm cân, trung tâm làm đẹp..., còn người dùng là nam sẽ bị thu hút bởi hình ảnh tỉ phú thành đạt tiết lộ kênh đầu tư hiệu quả.
Thoạt nhìn, mánh khóe này tưởng chừng vô hại vì người dùng vẫn nhận được sản phẩm nếu quyết định mua hàng. Nhưng liệu sẽ có hậu quả gì nếu kẻ xấu dùng danh nghĩa người nổi tiếng để tạo tiếng vang cho sản phẩm kém chất lượng, không rõ xuất xứ, hoặc cho các dự án đầu tư "ma"?
Theo ACCC, ở Australia, 63% nạn nhân của chiêu lừa đảo này là người từ 45 tuổi trở lên, trong đó phụ nữ nhiều hơn nam giới. Thiệt hại mỗi nạn nhân từ 100 đến 500 AUD, cá biệt có trường hợp mất hơn 50.000 AUD vì chương trình đầu tư giả mạo.
Người dùng mạng xã hội, nhất là Facebook, cần đề phòng khi bắt gặp trang cá nhân tự xưng là của "người nổi tiếng" nào đó, cảnh giác với những phần quà hoặc số tiền thưởng "từ trên trời rơi xuống", không cung cấp thông tin cá nhân cho người lạ mặt, không "like" và chia sẻ tùy tiện.
|
Tài khoản chính thức có dấu tích xanh bên cạnh tên trang. Ảnh: Facebook |
Để khắc phục tình trạng tài khoản giả mạo, nhiều mạng xã hội như Facebook, Instagram hoặc Twitter đưa ra yêu cầu cá nhân hoặc thương hiệu nổi tiếng trình giấy căn cước kèm ảnh do quốc gia sở tại cấp (như hộ chiếu, bằng lái xe, CMND) và cung cấp một số thông tin xác thực khác. Nếu hợp lệ, trang cá nhân của người nổi tiếng thật sự sẽ được cấp dấu tích màu xanh bên cạnh tên trang.