Theo Báo cáo tài chính hợp nhất giữa niên độ quý 3/2019 vừa công bố, Vingroup ghi nhận 31.582 tỷ đồng doanh thu, tăng gần 35% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung trong 9 tháng đầu năm, doanh thu hợp nhất của doanh nghiệp này đạt 92.600 tỷ đồng. Trong đó, mảng sản xuất đã là hoạt động có doanh thu đáng kể dù mới chỉ đi vào hoạt động.
Doanh thu ấn tượng của VinFast quý III/2019
Hồi tháng 5/2019, tại diễn đàn quốc gia phát triển doanh nghiệp công nghệ Việt Nam, bà Lê Thị Thu Thủy, Phó Chủ tịch Vingroup cho biết: Vingroup đã chuẩn bị cho quá trình chuyển đổi sang công nghệ - công nghiệp thông qua việc khởi công nhà máy sản xuất ô tô, xe máy điện Vinfast và tiếp đó là điện thoại thông minh Vinsmart.
Tập đoàn này chính thức công bố chuyển đổi mô hình phát triển với 3 trụ cột chính là Công nghệ, Công nghiệp và Thương mại dịch vụ từ tháng 8/2018. Ngay sau đó, VinFast đã làm chủ được các công nghệ phức tạp và đưa 3 mẫu ô tô, 2 mẫu xe máy điện ra thị trường.
Gần đây, Báo cáo tài chính hợp nhất giữa niên độ quý 3/2019 của Vingroup cũng phản ánh định hướng của tập đoàn. Sản xuất đã là hoạt động có doanh thu cao thứ 4 trong quý gần nhất. Theo đó, mảng này mang về cho Vingroup hơn 2.119 tỷ đồng, chiếm 7% tổng doanh thu quý 3. Mức doanh thu từ sản xuất xấp xỉ các mảng cho thuê bất động sản đầu tư và dịch vụ khách sạn, du lịch, vui chơi giải trí - vốn là hai lĩnh vực quan trọng đã gắn bó với Vingroup từ lâu.
(Ảnh minh họa: Hoàng Hà)
Ở một khía cạnh khác, sản xuất đang chịu lỗ hơn 657 tỷ đồng trong khi có nhiều mảng lãi đậm. Tuy nhiên, điều này cũng nằm trong tính toán của Vingroup khi thay đổi chiến lược và cơ cấu kinh doanh.
Ông Nguyễn Việt Quang, Phó Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc Vingroup từng chia sẻ khi bị hãng đánh giá tín nhiệm Standard & Poor's (S&P) thay đổi từ "ổn định" thành "tiêu cực": "Chúng tôi ý thức rất rõ về khả năng kết quả xếp hạng tín nhiệm có thể bị ảnh hưởng ngay từ đầu khi đầu tư mạnh vào các mảng Công nghiệp và Công nghệ, nhất là ô tô. Tuy nhiên, đối với chúng tôi, đây chỉ là những khó khăn trước mắt cần vượt qua. Với mong muốn xây dựng một thương hiệu Việt Nam uy tín trên trường quốc tế, chúng tôi quyết định chấp nhận các khó khăn trong ngắn hạn. Chúng tôi cũng đã xây dựng các kế hoạch kinh doanh, vận hành cũng như các kế hoạch Tài chính và Quản trị rủi ro chặt chẽ để từng bước vượt qua các khó khăn này".
Bất động sản gánh lỗ
Trong quý 3, doanh thu từ việc chuyển nhượng bất động sản vẫn là nguồn thu lớn nhất cho tập đoàn với hơn 15.285 tỷ đồng, tăng 14% so với cùng kỳ năm trước, chủ yếu đến từ các dự án lớn như Vinhomes Ocean Park, Vinhomes Skylake, Vinhomes Green Bay, Vinhomes Smart City, Vinhomes Star City Thanh Hóa và các căn nhà phố thương mại của Vincom Retail.
Cho thuê đầu tư bất động sản và cung cấp các dịch vụ liên quan cũng góp vào hơn 2.100 tỷ đồng doanh thu. Gộp chung, các hoạt động liên quan trực tiếp đến bất động sản đóng góp 2/3 tổng doanh thu của Vingroup.
Mảng đóng góp lớn thứ 2 là kinh doanh bán lẻ. Trong quý III/2019 doanh thu từ bán lẻ đã đạt 7.780 tỷ đồng, tăng 66% so với cùng kỳ năm trước. Mạng lưới bán lẻ không ngừng được mở rộng. VinMart, VinMart+ và VinPro nâng tổng số siêu thị và cửa hàng trên toàn hệ thống lên gần 2.650 cửa hàng, tăng 57% so với cùng kỳ năm trước.
Đứng thứ 3, doanh thu cung cấp dịch vụ khách sạn, du lịch, vui chơi giải trí và các dịch vụ liên quan trong quý đạt 2.600 tỷ đồng, tăng 14,1% so với năm trước.
Như đã đề cập, mảng sản xuất có doanh thu cao thứ 4 tập đoàn, mang về cho hơn 2.119 tỷ đồng.
Cung cấp dịch vụ bệnh viện và các dịch vụ liên quan; hoạt động giáo dục và các dịch vụ liên quan của Vingroup lần lượt đạt 770 và 474 tỷ đồng.
Cơ cấu doanh thu của Vingroup quý III/2019