Ngày pháp luật

Những điều ít biết về người sáng lập kín tiếng của Huawei

Theo Hoài Thu/VnEconomy

Chủ tịch Huawei Ren Zhengfei muốn lấy Apple làm gương và tuyên bố sẵn sàng đóng cửa công ty còn hơn trở thành gián điệp cho chính phủ.

Người sáng lập, chủ tịch Huawei - Ren Zhengfei luôn giữ im lặng trước truyền thông khi tập đoàn này trải qua năm 2018 đầy rắc rối, bao gồm các lệnh cấm và cảnh báo đối với sản phẩm của hãng tại Mỹ, Anh, Australia và New Zealand. Ông thậm chí không lên tiếng khi con gái Meng Wanzhou - giám đốc tài chính của Huawei bị bắt tại Canada. 

Tuy nhiên, mới đây, chỉ vài ngày sau khi một giám đốc của Huawei bị bắt tại Ba Lan với cáo buộc làm gián điệp, tỷ phú 74 tuổi này đã lên tiếng bảo vệ công ty, đồng thời khen ngợi Tổng thống Mỹ Donald Trump. Cuộc phỏng vấn hiếm hoi với truyền thông nước ngoài này tiết lộ những điều ít biết về ông chủ Huawei, theo CNN.

Muốn học theo Apple và Steve Jobs 

Nhiều năm qua, Mỹ và các chính phủ phương Tây khác tỏ ra cảnh giác với Huawei, lo rằng công ty này là sân sau cho chính phủ Trung Quốc. Khi được hỏi sẽ làm gì nếu chính phủ Trung Quốc yêu cầu Huawei cung cấp thông tin về một quốc gia khác, Ren cho biết ông lấy hãng công nghệ Mỹ Apple làm tấm gương.

"Chúng tôi sẽ không bao giờ làm gì nguy hại tới lợi ích của khách hàng. Apple là một tấm gương để chúng tôi làm theo trong việc bảo vệ quyền riêng tư. Chúng tôi sẽ học hỏi từ Apple", ông Ren nói.

Năm 2016, Apple từ chối giúp đỡ Cục Điều tra Liên bang Mỹ (FBI) mở khóa chiếc iPhone của một kẻ khủng bố và nói rằng yêu cầu này "vượt quá quyền hạn của chính phủ Mỹ". Sau đó, FBI đã mua công cụ từ một bên thứ ba để mở khóa thiết bị này.

Huawei đã nhiều lần bác bỏ những quan ngại rằng sản phẩm của công ty này là mối đe dọa an ninh quốc gia và khẳng định công ty hoàn toàn thuộc sở hữu của các nhân viên.

Những điều ít biết về người sáng lập kín tiếng của Huawei - Ảnh 1

 

Trong cuộc phỏng vấn, Ren cho biết cá nhân ông nắm giữ 1,14% cổ phần Huawei và ám chỉ rằng ông có thể học theo người sáng lập Apple Steve Jobs để giảm tỷ lệ sở hữu tại công ty. Jobs đã bán gần hết cổ phần Apple sau khi bị buộc rời khỏi công ty này vào những năm 1980 và một lần nữa vào những năm 1990 khi ông mất niềm tin vào phương hướng của công ty.

"Tỷ lệ cổ phần Steve Jobs nắm giữ tại Apple là 0,58%. Điều này có nghĩa là vẫn có khả năng tỷ lệ cổ phần của tôi giảm hơn nữa. Tôi nên học theo Steve Jobs", Ren nói.

"Thà đóng cửa Huawei còn hơn làm gián điệp"

Ông Ren đã dành nhiều năm để xây dựng Huawei trở thành công ty thiết bị viễn thông và smartphone trị giá hàng tỷ USD. Tuy nhiên, ông nói rằng thà đóng cửa công ty còn hơn là tuân theo yêu cầu làm gián điệp cho chính phủ Trung Quốc.

"Chúng tôi chắc chắn sẽ nói 'không' với bất kỳ yêu cầu nào như vậy", Ren nói. "Chúng tôi thà đóng cửa Huawei còn hơn làm điều gì tổn hại tới lợi ích của khách hàng vì lợi ích của mình".

Meng Wanzhou, con gái của Ren, trở thành tâm điểm của "cơn bão" ngoại giao khi bị bắt tại Canada theo yêu cầu của Mỹ đầu tháng trước với cáo buộc vi phạm lệnh cấm vận của Mỹ với Iran. Meng sau đó đã được thả nhưng vẫn chịu quản chế tại Vancouver và sẽ trở lại tòa vào ngày 6/2 tới.

Ren thừa nhận không thân với ai trong số 3 người con của mình.

"Trong suốt thời thơ ấu (của Meng), tôi ở trong quân đội, có nghĩa là xa nhà 11 tháng mỗi năm, chỉ có 1 tháng sống với gia đình", Ren kể. "Chúng tôi không quá thân thiết trong suốt thời thơ ấu và niên thiếu của nó".

Ông Ren cho biết những năm sau đó, ông lại dồn sức chiến đấu vì sự sinh tồn của Huawei, thường làm việc 16 tiếng mỗi ngày. Ông có 3 con gồm con gái Meng Wanzhou - hiện là giám đốc tài chính của Huawei, con trai Ren Ping (lấy họ của mẹ) - khá kín tiếng trước truyền thông và con gái Annabel Yao - đang theo học trường Harvard ngành khoa học máy tính.

Muốn sống bất tử 

Khi được hỏi khi nào sẽ nghỉ hưu tại Huawei, tỷ phú 74 tuổi nói: "Thời điểm nghỉ hưu của tôi sẽ phụ thuộc vào khi nào Google có thể phát minh ra loại thuốc cho phép con người sống mãi mãi. Tôi đang đợi loại thuốc đó".

Công ty mẹ của Google - Alphabet và nhiều hãng công nghệ khác tại Thung lũng Silicon đã đầu tư vào nghiên cứu và phát triển công nghệ để một ngày nào đó cho phép "cái chết là một lựa chọn".

Hiện tại, Ren muốn được làm việc lâu nhất có thể. Trong cuộc phỏng vấn, ông kể về chuyến đi tới một ngôi làng ở vùng núi Himalaya hẻo lánh gần Everest. "Tôi nói với mọi người rằng, nếu sợ chết, làm sao tôi có thể thúc đẩy người của mình tiến lên phía trước?".

Tin Cùng Chuyên Mục