Những công trình "lóa mắt thế giới": Tòa nhà hình tròn "độc nhất vô nhị", uốn cong như vỏ sò đang mở Giang Phạm 20:34 25/05/2021 Khoảng 25.000 mảnh kính hình tam giác được ghép lại, tạo hình dáng cong cho mặt tiền tòa tháp cao hơn tượng Nữ thần tự do này. Với mong muốn đứng trong hàng ngũ siêu thành phố trên thế giới, Abu Dhabi đã và đang tạo ra những công trình với kiến trúc đỉnh cao. Một trong số đó là tòa nhà chọc trời có hình dạng tròn - Al Dar Headquarters - nằm tại bãi biển Al Raha, Tiểu vương quốc Ả rập. Được thiết kế bởi công ty kiến trúc MZ, Al Dar HQ có thể sánh ngang với các công trình nổi tiếng bởi hình khối, quy mô "độc nhất vô nhị". Tòa tháp mang hình dáng không khác gì đồng xu được đặt đứng, với hai lớp kính uốn cong hình vòng tròn khổng lồ trông như thể vỏ sò đang mở. Với người Abu Dhabi, vỏ sỏ còn mang ý nghĩa sâu đậm bởi vùng đất này có di sản là nghề ra khơi. Trong lịch sử phát triển kiến trúc, hình tròn tượng trưng cho sự thống nhất, ổn định, hợp lý, cân bằng. Nó cũng là biểu tượng của sự vô hạn, không có bắt đầu hay kết thúc, mà là một sự hoàn hảo, trọn vẹn bao trùm mọi không gian, thời gian. Vì lý do đó, các kiến trúc sư của MZ Architects đã thiết kế một công trình hình tròn cao hơn tượng Nữ thần tự do, với diện tích rộng bằng 4 sân bóng đá. Tỷ lệ hình khối của tòa nhà được thiết kế bằng cách sử dụng quy tắc về sự cân đối dựa trên tỉ lệ vàng. Khi áp dụng tỷ lệ vàng cho mặt tiền tòa nhà hình tròn, vòng tròn được chia thành ngôi sao 5 cánh. Dựa vào đó, các kiến trúc sư sẽ định vị 2 điểm cố định của bề mặt cong, là nơi tòa nhà giao với mặt đất và tạo sự cân bằng hoàn hảo. Do xây dựng ở ngay sát biển nên phần móng của tòa tháp là một trong những vấn đề khiến giới kiến trúc sư phải cân nhắc, tìm ra giải pháp. Áp lực nước và cát lún là vấn đề khi xây móng. Do vậy trước khi xử lý đến phần móng, giới kiến trúc sư đã xây một hàng rào vững chắc hay còn gọi là tường vây, D-wall. Phần rào chắn này là các lớp bê tông gắn với nhau, cùng cắm trên các tấm đá cứng, đặt sâu 16m so với mặt đất. D-wall có nhiệm vụ chặn dòng cát lở và nước ngầm dâng lên nhằm đảm bảo phần đất bên trong có thể được dời đi và đứng trụ vững. Để gia cố thêm cho phần móng, hơn 400 cọc bê tông được tạo ra, đều cắm xuống dưới đất. Một nửa trong số 400 cọc bê tông này ma sát với đất, giữ cấu trúc với đá và cát bên dưới. Số còn lại giữ trọng trách phân tán trọng tải của tòa nhà xuống lòng đất. Nhưng điều này chưa đủ để có thể giúp tòa tháp đứng vững. Một tấm bê tông khổng lồ nặng 30.000 tấn, được chế tạo bởi 12.000 mét khối bê tông, gọi là móng bè được tạo ra giúp cản các cọc bê tông chọc ngược trở lại lên phía trên tòa nhà. Sau khi tính toán được phần móng, các kiến trúc sư sẽ đối mặt với thử thách giảm sức cản của gió bão lên tháp Al Dar. Gió giật mạnh nhất ở cách mặt đất 50 - 150m, và với độ cao 121m, tòa tháp lại nằm đúng trong vùng nguy hiểm. Do đó, hai lõi cột trụ cao 125m giúp củng cố độ vững của Al Dar được dựng lên. Được tăng cường bởi 6.500 tấn thép, và hàng chục nghìn mét khối bê tông, các lõi này sẽ giúp truyền trọng tải vào các cọc trụ. Bề mặt của tòa tháp được hình thành qua việc sử dụng cấu trúc hình tam giác - một mạng lưới đường chéo - bằng thép. Kết cấu này sẽ giúp tạo ra hiệu quả về kết cấu và sự ổn định cho tòa nhà hình tròn, linh hoạt hơn so với dạng hình chữ nhật thông thường. Không dừng lại ở đó, sử dụng cấu trúc này không chỉ giúp giảm thiểu tác động của khung thép trên mặt đứng mà còn tạo hình khối kiến trúc công trình cảm giác như được kéo căng ở mọi mặt và thổi phồng lên. Hệ thống cấu trúc tam giác sẽ giúp loại bỏ bớt hệ thống cột bên trong tòa nhà, từ đó tạo ra không gian linh hoạt khi sử dụng so với cấu trúc tòa nhà hình hộp thông thường. Do không có cột, nên tổng diện tích sàn sử dụng 23 tầng của công trình tương đương như diện tích của một tòa tháp 40 tầng. Lớp vỏ kính cong là một trong những phần phức tạp nhất của công trình khi thi công. Để giải quyết vấn đề này, 25.000 mảnh kính hình tam giác được chế tạo, ghép lại với nhau tạo thành dạng viên kim cương, tạo hình dáng cong cho mặt tiền tòa tháp. Do mặt cong của tòa tháp quay về hướng Đông - Tây, cùng thiết kế mặt kính trong, giúp mọi người trong tòa tháp có cơ hội ngắm cảnh hoàng hôn, bình minh một cách chân thực nhất. Mặt kính trước không chỉ phản chiếu các công trình xung quanh và quang cảnh thành phố mà còn giúp chính công trình phản chiếu hình ảnh của mình trong vũ trụ rộng lớn. Ngoài việc là công trình có kiến trúc độc lạ nhất Abu Dhabi, Al Dar HQ còn là một trong những tòa nhà xanh thân thiện môi trường đầu tiên tại đây khi được tạo thành từ các loại vật liệu tái chế như thép, bê tông, kính và bao gồm một hệ thống cây xanh làm mát, cũng như hiệu quả của hệ thống chiếu sáng, nước. Tòa nhà sử dụng tối đa nguồn ánh sáng tự nhiên. Bên cạnh đó, một hệ thống thu gom chất thải chân không tự động dưới lòng đất cũng được tích hợp để tái sử dụng các sản phẩm chất thải của tòa nhà. Hệ thống hút rác chuyển đến một trạm trung chuyển chất thải địa phương để tái chế. Với những gì đã đạt được, Al Dar HQ xứng đáng trở thành biểu tượng mang tầm vóc quốc tể của thành phố Al Raha Beach.
Chỉ mua và nắm giữ Bitcoin, giá trị tài sản một công ty vô danh vươn lên hàng đầu thế giới, ngang ngửa Intel 4