Elon Musk vừa vượt mặt Bill Gates trở thành người giàu thứ hai thế giới với khối tài sản gần 128 tỷ USD. Tỷ phú 49 tuổi không chỉ là CEO của Tesla mà còn điều hành cả tập đoàn về sản xuất tên lửa và tàu vũ trụ SpaceX, The Boring Company - công ty thực hiện dự án xây dựng đường hầm nhằm giải quyết vấn đề tắc đường ở Los Angeles và Neuralink - một công ty về nghiên cứu y tế.
Không chỉ Elon Musk, những đồng nghiệp tỷ phú của ông cũng bận rộn với “trăm công nghìn việc mỗi ngày. Dưới đây là cách các nhà lãnh đạo ở Thung lũng Silicon quản lý thời gian của họ để có thể tối đa năng suất công việc mỗi ngày.
Elon Musk hạn chế tối đa các cuộc họp
Người giàu thứ hai thế giới có cách quản lý thời gian khá khoa học, ông phân bổ công việc phải làm trong ngày theo các mức độ ưu tiên khác nhau. Musk bắt đầu ngày mới với công việc quan trọng nhất và sắp xếp thời gian còn lại trong ngày dựa trên mức độ ưu tiên giảm dần.
CEO Tesla phát biểu tại Lễ khởi công của Đại học Nam California vào năm 2014: "Hãy tập trung vào những điều quan trọng thay vì những thứ ngoài lề. Đừng lãng phí thời gian cho những thứ không giúp ta cải thiện tình hình". Và một trong những cách giúp Musk tập trung hơn là hạn chế tối đa các cuộc họp không cần thiết.
“Họp quá nhiều là nhược điểm của các công ty lớn và nó thường khiến mọi việc dần trở nên tồi tệ hơn. Hãy loại bỏ các cuộc họp thường niên, trừ khi cần giải quyết một vấn đề khẩn cấp. CEO chia sẻ trong một email gửi nhân viên về năng suất làm việc năm 2018.
“Nếu bắt buộc phải họp, hãy chắc chắn bạn mang đến giá trị cho toàn bộ người nghe. Bạn có thể bỏ ra ngoài hoặc đề xuất ngừng cuộc họp nếu cảm thấy nó vô ích. Không ai đánh giá bạn vì điều đó", Musk viết.
Jeff Bezos đề cao tốc độ
Triết lý của người đàn ông giàu nhất hành tinh là: “tốc độ giữ vai trò tiên quyết trong kinh doanh”.
CEO Amazon thể hiện quan điểm của mình trong lá thư gửi các cổ đông vào năm 2016: Nếu bạn nắm được khoảng 70% thông tin, hãy quyết định luôn. Đừng đợi đến khi có 90% vì có thể lúc đó bạn đã chậm chân mất rồi”.
Theo Bezos, thực tế kinh doanh cho thấy, việc đưa ra quyết định đúng đôi khi không quan trọng bằng việc quyết định nhanh chóng. “Nó giống như một cánh cửa hai chiều, có thể đảo ngược lại bất cứ lúc nào. Vì vậy, đừng vì sợ sai mà bỏ lỡ thời điểm vàng. Việc chậm trễ đôi khi sẽ khiến bạn phải trả giá đắt”.
CEO tỷ phú tiết lộ thêm: “Amazon thành công một phần cũng nhờ những quyết định tốc độ".
Steve Jobs biết khi nào nên nói "không"
Cha đẻ Apple tin rằng chìa khoá của việc quản lý thời gian là biết khi nào nên nói “không”.
Trong Hội nghị các nhà phát triển toàn cầu năm 1997, nhà đồng sáng lập quá cố của Apple nói: "Tập trung là khi biết cách nói 'không' với hàng trăm điều hay ho khác". Nhờ vậy, bạn có thể dồn thời gian và năng lượng cho việc quan trọng và bỏ qua những thứ không cần thiết khác.
Tỷ phú Warren Buffett chia sẻ quan điểm tương tự với Steve Jobs. "Sự khác biệt giữa người thực sự thành công với người thành công là họ biết nói không ”với hầu hết mọi thứ”.
Bill Gates tập trung cao độ nhờ thiền định
Thiền định là một phần thói quen hàng ngày của rất nhiều người thành công như CEO Twitter Jack Doéy, tỷ phú quỹ đầu cơ Ray Dalio. Đó cũng là một trong những bí quyết cải thiện năng suất làm việc của Bill Gates.
“Thiền là công cụ tuyệt vời giúp tôi cải thiện sự tập trung. Nó là phương pháp tập thể dục cho tâm trí, tương tự như cách chúng ta vận động cơ bắp khi chơi thể thao”, nhà đồng sáng lập Microsoft viết trên blog cá nhân vào năm 2018.
Bill Gates tiết lộ thêm, ông thường thiền “hai hoặc ba lần một tuần, mỗi lần khoảng 10 phút” và gợi ý cuốn sách “The Headspace Guide to Meditation and Mindfulness” (tạm dịch: Hướng dẫn thiền và chánh niệm) dành cho người mới bắt đầu.
CEO Twitter họp qua Google Docs
Theo một cuộc khảo sát từ Trường Kinh doanh Harvard và Đại học Boston thực hiện với 182 nhà điều hành doanh nghiệp, 65% các nhà quản lý tin rằng các cuộc họp gây ảnh hưởng tới tiến độ hoàn thành công việc và 71% trong số họ thấy rằng các cuộc họp không mang lại hiệu quả.
Jack Dorsey, CEO của Twitter, có một cách tiếp cận “phi truyền thống” với các cuộc họp. Dorsey tin rằng phương thức họp này giúp đẩy nhanh quá trình tư duy phản biện.
“Hầu hết cuộc họp của chúng tôi đều thực hiện qua Google Docs. Những người tham gia sẽ có 10 phút để đọc và đưa ra ý kiến trực tiếp qua đó. Phương pháp này cho phép mọi người có thể tham gia họp từ nhiều địa điểm khác nhau, thao tác cùng lúc trên cùng một trang, đẩy nhanh tốc độ cuộc họp và hiểu vấn đề nhanh hơn", Dorsey tweet vào năm 2018.
Để tăng sức thuyết phục cho phương pháp của mình, Dorsey đã tweet lại một dòng trạng thái của Steven Sinofsky, cựu Chủ tịch Bộ phận Windows tại Microsoft. Trong đó Sinofsky cũng đánh giá cao ưu điểm của việc đóng góp nội dung, ý kiến bằng câu chữ so với kiểu họp truyền thống.
"Câu chữ có nhiều ưu điểm hơn trong việc thể hiện quan điểm. Lúc này việc đóng góp ý kiến trở nên dễ dàng hơn và ai cũng có thời gian để suy ngẫm", Sinofsky viết.