Mùa nhót chính thức bắt đầu từ tháng 2-5. Tuy nhiên, tại các tỉnh miền Tây và Đà Lạt đang thu hoạch nhót xanh (còn gọi là nhót bao tử) trái vụ và được khách miền Bắc mua với giá cao hơn cả thịt bò.
Vừa đáp chuyến hàng từ Đà Lạt xuống Phú Thọ, chị Lan ở Việt Trì cho biết không đủ giao cho khách. "Đợt trước số lượng ít nên tôi bán 650.000 đồng một kg. Lần này hàng dồi dào hơn, tôi hạ còn 400.000 đồng một kg ", chị nói và cho biết nhót này được lấy trực tiếp từ Đà Lạt, lại là hàng loại 1 và vận chuyển bằng máy bay nên giá cao. Mức giá này đắt gấp đôi so với mọi năm.
Là đầu mối chuyên bán trái cây, chị Thương ở Cẩm Khê (Phú Thọ) cũng cho hay, loại nhót bao tử luôn được khách săn đón. Nhất là nhót bao tử Đà Lạt, mùi và vị khác hẳn với trồng ở các vùng khác.
Theo chị Thương, loại nhót bao tử trái mùa ở miền Nam bắt đầu từ đầu tháng 8 và chỉ khoảng 2-3 tháng là hết vụ. Vì trái mùa nên số lượng bông đậu quả thấp. Thời tiết lại thất thường khiến giá cao hơn 20-30% so thông thường.
"Đầu mùa, mỗi kg có giá 600.000 đồng, nay còn 450.000 đồng. Lần nào hàng về 50 kg cũng được mua sạch", chị Thương nói.
Theo chị, nhót bao tử thường được chế biến ăn kèm với chẩm chéo hoặc muối ớt xanh. Ngoài ra, có thể chế biến theo các món ăn truyền thống của người dân tộc Thái ở Tây Bắc (bao gồm nhót, chẩm chéo, rau bắp cải, mùi vị).
Với chị Hoa, Hà Nội, thay vì bán cả cân hoặc sỉ như các đầu mối trên, chị bán theo lạng. Mỗi lạng có giá 70.000 đồng. Chị cho biết, đây là loại nhót bán giá đắt nhất từ trước đến nay, còn nhót bao tử Hà Nội cao lắm cũng chỉ 200.000 đồng một kg. Ngoài nguyên nhân trái vụ còn do chi phí vận chuyển cao và qua nhiều mối trung gian.
Thừa nhận nhót mùa này không nhiều, chị Đặng Linh, một nhà vườn ở Lâm Đồng cho biết, chính vụ phải đến tháng 3 mới có. Còn thời điểm tháng 8-9, nhót trái vụ chỉ ra lác đác trên cây, sản lượng bằng 1/10 chính vụ nên khi nhu cầu cao, giá thường đội lên mạnh. Tuy nhiên, giá bán tại vườn cũng chỉ 100.000-150.000 đồng một kg.
"Mấy nay thương lái liên tục vào vườn hỏi mua nhưng nhà tôi đã bán hết trong đợt đầu tháng 8", chị nói. Theo chị Linh, nhót bao tử thường không chua nhiều, có vị chát chát nên được khách mua về lắc với muối ớt ăn khá lạ miệng.
Tại Việt Nam, Tây Bắc là nơi nhót được trồng khá nhiều, thường kéo dài từ tháng 11 đến tháng 4. Nhót bao tử bằng ngón tay trỏ, vị chát nhiều hơn chua, và thường đắt hơn nhót chín hoặc sắp chín.
Cùng với miền Bắc, vài năm trở lại đây người dân Đà Lạt cũng trồng loại trái này nhưng không nhiều. Mức giá bán lẻ trên được giới buôn cho biết là cao nhất từ trước tới nay.
Link bài gốc