Ngày pháp luật

Nhóm Vinaconex có 6 tháng khảo sát, nghiên cứu xây dựng khu đô thị tại TP. Kon Tum

Quỳnh Chi

Thông tin từ Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Kon Tum, ngày 23/12, UBND tỉnh này đã có văn bản về việc nghiên cứu khảo sát đầu tư và tài trợ kinh phí lập quy hoạch các khu đô thị tại TP Kon Tum.

Theo đó, tỉnh thống nhất chủ trương liên danh Tổng CTCP Xuất nhập khẩu và Xây dựng Việt Nam (Vinaconex, mã chứng khoán: VCG) và CTCP Vimeco (trực thuộc Vinaconex) khảo sát, nghiên cứu ý tưởng, lập thủ tục đề xuất chủ trương đầu tư các dự án tại TP Kon Tum. Thời gian khảo sát, nghiên cứu là 6 tháng.

Liên danh Tổng Công ty Cổ phần Xuất nhập khẩu và Xây dựng Việt Nam và Công ty Cổ phần Vimeco phối hợp chặt chẽ với Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Xây dựng, Ủy ban nhân dân thành phố Kon Tum và các đơn vị có liên quan triển khai các hoạt động khảo sát, nghiên cứu, xác định cụ thể ranh giới, phạm vi khảo sát, đề xuất ý tưởng dự án, chủ trương đầu tư dự án đảm bảo không trùng lắp, chồng lấn với các dự án đã được Ủy ban nhân dân tỉnh cho chủ trương; thông tin kết quả về Ủy ban nhân dân tỉnh, Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Xây dựng, Ủy ban nhân dân thành phố Kon Tum để xem xét.

Sở Xây dựng, Sở Kế hoạch và Đầu tư theo chức năng, nhiệm vụ của ngành chủ trì, phối hợp với các đơn vị quan hướng dẫn Nhà đầu tư triển khai các hoạt động khảo sát, lập thủ tục đầu tư theo đúng quy định.

Một góc TP. Kon Tum. Ảnh minh hoạ. Nguồn: Internet.
Một góc TP. Kon Tum. Ảnh minh hoạ. Nguồn: Internet.

Từ đầu năm đến nay, Kon Tum liên tục đón các doanh nghiệp bất động sản quy mô lớn tìm về đầu tư. Trước nhóm Vinaconex, địa phương này đã đón Hưng Thịnh, Him Lam, FLC, Aphalnam hay Đức Long Gia Lai,...

Về phía Vinaconex, HĐQT của doanh nghiệp này vừa phê duyệt giao dịch mua cổ phần để nâng tỷ lệ sở hữu lên 51% tại Công ty Cổ phần Đầu tư và Phát triển Du lịch Vinaconex (Vinaconex ITC, UPCoM: VCR). Vinaconex ITC được biết đến là chủ đầu tư siêu dự án Khu đô thị Du lịch Cái Giá – Cát Bà (dự án Cát Bà Amatina) có tổng mức đầu tư dự kiến khoảng 10.941 tỷ đồng với quy mô trên 172 ha, hợp tác cùng Vinaconex.

Tháng 6/2021, Vinaconex cũng đã huy động 2.200 tỷ đồng thông qua phát hành 10 lô trái phiếu để rót vốn vào dự án này. Hiện dự án vẫn chưa ghi nhận doanh thu do đang trong quá trình đầu tư.

Dự kiến quy mô đầu tư vốn của Vinaconex vào các dự án trong thời gian tới sẽ lên đến hàng nghìn tỷ đồng. Đơn cử như dự án cảng biển quốc tế Vạn Ninh tại Quảng Ninh mà tổng công ty góp 40% vốn và là tổng thầu xây lắp của dự án, mới được khởi công cuối tháng 10 vừa qua.

Về kết quả kinh doanh báo cáo tài chính quý III/2021 của Vinaconex ghi nhận với doanh thu gần như đi ngang, đạt 1.269 tỷ đồng. Giá vốn lại tăng cao khiến lợi nhuận gộp giảm 13% so với cùng kỳ xuống mức 247 tỷ đồng.

Trong kỳ, doanh thu tài chính giảm mạnh từ mức 2.185 tỷ đồng cùng kỳ xuống chỉ còn 109 tỷ đồng. Nguyên nhân do trong quý III năm ngoái, Vinaconex đã bán một loạt dự án, đáng chú ý nhất là việc chuyển nhượng 50% cổ phần tại liên doanh An Khánh JSC. Ngược lại, chi phí tài chính lại tăng gấp gần 3 lần cùng kỳ lên 194 tỷ đồng.

Chi phí quản lý doanh nghiệp được hoàn hơn 2 tỷ đồng trong khi chi phí bán hàng cũng được tiết giảm 21% so với cùng kỳ.Dù vậy, lãi ròng quý III của Vinaconex vẫn giảm đến 90% so với cùng kỳ, xuống 109 tỷ đồng trong đó lợi nhuận sau thuếthuộc về cổ đông công ty mẹ đạt 55 tỷ đồng.

Lũy kế 9 tháng đầu năm, Vinaconex ghi nhận doanh thu thuần đạt 3.610 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế 358 tỷ đồng, lần lượtgiảm 5% và 75% so với cùng kỳ. Năm 2021, công ty đặt mục tiêu doanh thu hợp nhất 12.230 tỷ đồng và lãi sau thuế hơn 1.000 tỷ đồng. Như vậy, Vinaconex mới thực hiện được 36% mục tiêu lợi nhuận cả năm sau 9 tháng.

Không chỉ lợi nhuận sụt giảm mạnh, dòng tiền thuần từ hoạt động kinh doanh của Vinaconex còn âm nặng 1.154 tỷ đồng 9 tháng đầu năm. Cùng kỳ năm ngoái cũng âm nhưng con số chỉ hơn 225 tỷ đồng.

Nguyên nhân chủ yếu do các khoản phải thu “phình to” trong đó các khoản phải thu ngắn hạn tăng gần 6.800 tỷ đồng so với đầu năm lên 14.263 tỷ đồng, chiếm một nửa tổng tài sản. Mặt khác, người mua trả tiền trước cũng tăng mạnh hơn 5.370 tỷ đồng so với đầu năm lên 7.721 tỷ đồng.

Để bù đắp sự thiếu hụt dòng tiền, Vinaconex đã đẩy mạnh đi vay với số dư nợ vay tài chính cuối quý III đã tăng hơn 6.000 tỷ đồng so với đầu năm lên đến 10.316 tỷ đồng, chiếm 1/3 tổng tài sản. Sự gia tăng chủ yếu đến từ nợ vay dài hạn từ 2.146 tỷ đồng đầu kỳ lên 7.135 tỷ đồng. Điều này khiến chi phí lãi vay tăng đáng kể trong 9 tháng đầu năm lên hơn 300 tỷ đồng, ăn mòn đáng kể lợi nhuận của doanh nghiệp.

Tin Cùng Chuyên Mục