Ngày 21/3 chứng kiến một thất bại của Microsoft: giữa phiên giao dịch, gã khổng lồ phần mềm bị Apple vượt mặt về giá trị vốn hóa và để mất vị trí số 1 về tay Apple.
Nhưng chỉ sau đó vài giờ, Microsoft lại vươn lên và kết thúc phiên giao dịch với trị giá thị trường 922 tỷ USD, cao hơn 3 tỷ USD so với Apple. Kể từ đó đến nay, Microsoft vẫn liên tiếp giữ vững vị trí số 1 - ngay cả khi Apple đã vén màn các sản phẩm dịch vụ rất được mong đợi trong ngày 25/3.
Tươi sáng chưa từng thấy
Năm 2014, trước khi Satya Nadella lên thay thế Steve Ballmer ở vị trí CEO, trị giá vốn hóa của Microsoft thậm chí còn chưa đạt nổi 300 tỷ USD. Chỉ 5 năm sau, con số đó đã tăng lên gấp 3 lần, cho phép Microsoft chuyển mình từ một kẻ bại trận thê thảm có thể trở lại đẳng cấp dẫn đầu.
Rõ ràng là ánh nhìn của Phố Wall và cả thế giới công nghệ đối với Microsoft đã thay đổi. Điều đáng ngạc nhiên là, trong hành trình vươn trở lại vị trí số 1, Microsoft gần như chỉ có thất bại.
Hãy cùng nhìn lại một vài thất bại rõ rệt nhất của Microsoft theo thứ tự từ gần đây nhất đến năm 2014:
- Tháng 3/2019, Halo: The Master Chef Collection được tuyên bố sẽ có mặt trên Steam. Microsoft coi như đã giương lá cờ trắng cho Microsoft Store.
- Tháng 12/2018, trình duyệt Edge được tuyên bố sẽ chuyển sang dùng mã nguồn Chromium. Bộ engine tự phát triển của Microsoft bị cho "về vườn".\
- Tháng 10/2017, Microsoft phát hành bản cập nhật cuối cùng cho Windows 10 Mobile. Tại sự kiện BUILD 2017 diễn ra trước đó vài tháng, iPhone xuất hiện còn nhiều hơn Windows Phone.
- Tháng 5/2015, CEO Satya Nadella xuất hiện trong một sự kiện báo chí với sân khấu ghi dòng chữ "Microsoft
- Tháng 10/2014, phiên bản Office tối ưu cảm ứng đầu tiên ra mắt trên... iPad. Các tin đồn cho rằng Surface Mini và Windows RT đã bị ngưng phát triển. Các tin đồn này sau đó được chứng minh là chính xác: Microsoft đã phất cờ trắng trong cuộc đua tablet sử dụng chip ARM.
Tín đồ Lumia hẳn vẫn chưa quên thất bại của Microsoft trên lĩnh vực tablet và smartphone.
Không chạy theo ngắn hạn
Một tín đồ xưa cũ sẽ không thể hiểu được vì sao Microsoft lại có ngày hôm nay huy hoàng đến vậy. Tất cả những gì từng gắn bó với Microsoft "cũ" đã bị giương cờ trắng đầu hàng: hệ điều hành, trình duyệt, di động, mối thù với Apple... Ngay đến cả sản phẩm nổi danh nhất của Microsoft là Windows cũng từng có lúc được... miễn phí: trong suốt 1 năm đầu, người dùng Windows 7 và 8 có thể cập nhật lên Windows 10 mà không mất một đồng bản quyền nào cả.
Nhưng Satya Nadella đủ khôn ngoan để nhìn qua những thứ... vặt vãnh ấy. Khi cuộc cách mạng di động đã vào guồng, thế giới đã trở thành "Vạn Vật Kết Nối" qua đám mây. Vạn Vật Kết Nối cùng hàng trăm nghìn doanh nghiệp đang ráo riết thực hiện chuyển đổi số có thể mang lại những nguồn doanh thu khổng lồ cho đám mây, cho các dịch vụ thông minh...
Microsoft của Satya Nadella dám từ bỏ tất cả để trở về với cội nguồn: "công ty nền tảng".
Phải nhìn vào nguồn thu khổng lồ ấy bạn mới hiểu vì sao Microsoft của Satya Nadella là một Microsoft sẵn sàng thua cuộc khi cần. Đâm đầu vào cạnh tranh di động để làm gì khi các dịch vụ/ứng dụng của Microsoft vẫn có thể phổ biến dễ dàng trên iOS và Android? Cố đấm ăn xôi cùng Edge để làm gì khi Chromium-của-Microsoft sẽ thu hút được nhiều nhà phát triển hơn, sẽ là cầu nối hiệu quả hơn tới Office 365 hoặc Sharepoint? Độc quyền Halo Collection để làm gì khi Microsoft đang hướng đến khả năng thống nhất một hệ sinh thái bao gồm cả Xbox và Windows?
Suốt 5 năm vừa qua, các mảng đám mây và doanh nghiệp của Microsoft đã liên tục tăng trưởng để đem đến hàng chục tỷ USD mỗi quý. Những thất bại tưởng chừng to lớn bởi thế cũng chỉ là vô nghĩa: cho dù có thành công, chúng cũng chỉ là vật tô điểm cho thành công khổng lồ của Microsoft trên đám mây – lĩnh vực quan trọng nhất của thời đại mà thôi.