Ngày pháp luật

Nhờ hỗ trợ của chính phủ, Ngân hàng trung ương, thị trường toàn cầu hồi phục trong xu hướng tìm đáy mới

Lan Anh

(Doanhnhan.vn) - Thị trường chứng khoán trong nước và thế giới tuần qua đều có sự khởi sắc khi có chuỗi tăng 3 phiên liên tiếp kể từ khi dịch Covid-19 bùng phát.

Thị trường thế giới

Các gói kích thích kinh tế từ tổ chức cho tới chính phủ các nước đã góp phần thúc đẩy đà tăng của thị trường, giới đầu tư cũng hào hứng bắt đáy trong tuần vừa qua bất chấp dữ liệu kinh tế không mấy tích cực.

Liệu đây có phải là nhịp phục hồi trong quá trình xuống đáy, hay báo hiệu đà leo dốc bền vững trong thời gian tới khi mà các nhà đầu tư trên toàn cầu liên tục bán tất cả tài sản để chuyển sang nắm giữ tiền mặt?

Nhờ hỗ trợ của chính phủ, Ngân hàng trung ương, thị trường toàn cầu hồi phục trong xu hướng tìm đáy mới - Ảnh 1

Sau khi rơi vào thị trường giá xuống (bear market) ở tốc độ nhanh nhất từ trước tới nay, rất nhiều chỉ số chính trên thị trường chứng khoán toàn cầu đã có tuần phục hồi thần tốc. Phần lớn các thị trường chính trên toàn cầu đều tăng điểm trong tuần vừa qua, dẫn đầu đà tăng thuộc về thị trường chứng khoán Nhật Bản và Mỹ.

Mặc dù phần lớn các thị trường đã tìm được ngưỡng hỗ trợ trong tuần vừa qua nhưng điểm chung có thể thấy là mức biến động trong phiên vẫn còn rất lớn, đây cũng là dạng biến động phổ biến trong quá trình giá xuống.

Khép lại môt tuần đầy biến động, thị trường chứng khoán Mỹ dù đã bị xóa bớt phần nào đà leo dốc trong 3 phiên liên tiếp nhưng các chỉ số chứng khoán chính vẫn ghi nhận đà tăng mạnh nhất trong nhiều năm. Dow Jones đã leo dốc 12,84% trong tuần vừa qua, đánh dấu tuần tăng mạnh nhất kể từ năm 1938. S&P 500 cũng tiến 10,26% trong tuần, ghi nhận tuần có thành quả tốt nhất kể từ tháng 03/2009. Nasdaq Composite cũng chứng kiến tuần tăng mạnh nhất trong 11 năm, nhảy vọt 9,1%.

Ngoài thị trường Nhật bản đứng đầu TOP các thị trường có mức tăng mạnh nhất trên toàn cầu với mức tăng hơn 17% thì thị trường khu vực Đông Nam Á cũng có sự phục hồi khá ấn tượng với 2 thị trường đóng góp vào mức tăng là Phillipines và Indonesia, trong đó thị trường Indonesia đã có phiên tăng mạnh nhất trong vòng 20 năm.

Các động thái nhằm xoa dịu tác động từ Covid-19:

- Thượng viện Mỹ đã thông qua dự luật cứu trợ trị giá 2 ngàn tỷ USD hồi đầu tuần này. Hạ viện đã thông qua gói kích thích khổng lồ trong lịch sử này vào ngày thứ Sáu và gửi cho Tổng thống Mỹ Donald Trump để được ký ban hành.

- Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) cũng tham gia củng cố nền kinh tế. Fed đã hạ lãi suất xuống gần bằng 0 và công bố một chương trình nới lỏng định lượng chưa từng có. Chủ tịch Fed - Jerome Powell cho biết hôm thứ Năm rằng sẽ "không có hạn định cho sự hỗ trợ” để giúp nền kinh tế ổn định.

- Trong cuộc họp ngày 26/3 vừa qua, lãnh đạo 20 nền kinh tế lớn G20 cam kết bơm hơn 5.000 tỷ USD vào kinh tế toàn để hạn chế tình trạng mất việc làm và giảm thu nhập vì Covid-19. Con số này tương đương số tiền G20 đã bơm ra nhằm kích thích nền kinh tế năm 2009. Họ khẳng định sẽ làm "mọi việc có thể để vượt qua đại dịch". Các nước cũng cam kết duy trì dòng chảy nguồn cung thiết bị y tế và hàng hóa thiết yếu, đồng thời giải quyết vấn đề gián đoạn chuỗi cung ứng.

- WB cũng cân nhắc gói hỗ trợ mới 160 tỷ USD để ứng phó với dịch COVID19.

Nhà đầu tư đã tháo chạy khỏi các tài sản rủi ro như chứng khoán trong bối cảnh sự không chắc chắn về thiệt hại kinh tế do ảnh hưởng của dịch COVID-19. Triển vọng kinh tế ở các quốc gia Châu Âu ảm đảm, sự bùng phát dịch bệnh cũng khiến một số doanh nghiệp phải đóng cửa cửa hàng, dẫn đến sự tăng vọt trong số người nộp đơn xin trợ cấp thất nghiệp. Bộ Lao động Mỹ báo cáo số người nộp đơn xin trợ cấp thất nghiệp đã vọt lên 3,28 triệu người hồi tuần trước, dễ dàng vượt qua mức kỷ lục trước đó là 695.000 người. Trong khi đó, bóng ma khủng hoảng 1997 cũng đang ám ảnh thị trường châu Á.

Dòng tiền đầu tư quốc tế trong tuần vừa qua đã quay trở lại kênh đầu tư truyền thống như Vàng và trái phiếu sau khi đồng USD suy yếu. Việc đồng USD suy yếu có thể hỗ trợ các hàng hóa được neo giá theo đồng bạc xanh, khiến chúng trở nên ít đắt đỏ hơn đối với người sử dụng những đồng tiền khác. Sau khi tăng hồi tuần trước, đồng bạc xanh đã đảo chiều giảm trong tuần này, với chỉ số đồng USD (ICE U.S. Dollar Index) – thước đo diễn biến của đồng USD so với 6 đồng tiền chủ chốt khác - trượt gần 4%, tuần giảm mạnh nhất kể từ năm 2009.

Tuần vừa qua, vàng thế giới tăng 9,5% - ghi nhận mức tăng mạnh nhất kể từ năm 2008. Trong khi đó, giá trị thị trường trái phiếu toàn cầu cũng đã tăng hơn 1,5 nghìn tỷ USD sau khi để mất 5 nghìn tỷ.

Về phía các doanh nghiệp, giới doanh nghiệp Mỹ đang sốt sắng cắt giảm đầu tư, dừng chương trình mua cổ phiếu quỹ, cắt cổ tức, rút hạn mức tín dụng nhằm tăng lượng tiền mặt dự trữ giữa lúc doanh thu suy giảm mạnh do tác động của Covid-19.

Thị trường trong nước

Chuỗi tăng 3 phiên liên tiếp vừa qua cũng chính là thành quả tốt nhất kể từ khi dịch Covid-19 bùng phát sau kỳ nghỉ lễ Tết Nguyên đán. Sau chuỗi giảm mạnh khiến chỉ số VN-Index mất 27,6% kể từ đầu năm và rơi vào thị trường giá xuống (bear market), thị trường đã thu hẹp đà giảm cùng biên độ dao động khi về vùng 652 điểm.

Nhờ hỗ trợ của chính phủ, Ngân hàng trung ương, thị trường toàn cầu hồi phục trong xu hướng tìm đáy mới - Ảnh 2

Mức giảm 1,93% trong tuần vừa qua cũng là mức thấp nhất trong 5 tuần, trong khi mức giảm ở các nhóm idnex khác vẫn chưa được cải thiện, nhóm midcap và smallcap vẫn thậm chí còn giảm mạnh hơn trong tuần vừa qua với mức giảm bình quân 6,6%, ở bộ 3 chỉ số ETF mức giảm cũng tăng so với tuần trước đó, bình quân khoảng 7,5%.

Sở dĩ thị trường chung giảm ít trong khi các nhóm index khác vẫn chịu áp lực giảm mạnh là do thị trường được kéo bởi các nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn.

Các cổ phiếu lớn đã có sự luân phiên dẫn dắt thị trường trong nhịp tăng 3 phiên vừa qua nổi bật là VIC, VCB, VNM, BVH, SAB,… đây đều là những cổ phiếu đầu ngành. Chỉ số VN-Index tuần vừa qua để mất 13,67 điểm thì 4 cổ phiếu là VHM, HPG, MWG và TCB đóng góp hơn 63% mức giảm của toàn thị trường.

Nhờ hỗ trợ của chính phủ, Ngân hàng trung ương, thị trường toàn cầu hồi phục trong xu hướng tìm đáy mới - Ảnh 3

Thanh khoản tương đương so với bình quân kể từ đầu năm, giá trị khớp lệnh đạt trên 2.970 tỷ đồng. Việc thị trường hồi phục trong xu hướng giảm có thể khiến nhà đầu tư thận trọng giải ngân.

Nhờ hỗ trợ của chính phủ, Ngân hàng trung ương, thị trường toàn cầu hồi phục trong xu hướng tìm đáy mới - Ảnh 4

Khối ngoại bán ròng sang tuần thứ 9 liên tiếp trên sàn HSX, dòng vốn cũng bị rút qua kênh ETF với giá trị khoảng 40,88 triệu USD kể từ đầu năm. Tuy vậy phiên cuối tuần vừa qua, dòng vốn đang có tín hiệu quay trở lại đối với các thị trường Đông nam Á như: Việt nam, Indonesia và Thái lan.

Về kỹ thuật

Thị trường có thể đi vào giai đoạn phân hóa với mức vốn tập trung ở nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn, tuần này thị trường có khả năng chịu áp lực rung lắc khi lượng hàng bắt đáy đang có lãi với gần 70% số cổ phiếu tăng điểm và 24% số cổ phiếu đang có tỷ suất lợi nhuận cao hơn so với chỉ số VN-Index. Các nhịp rung lắc nếu kèm thanh khoản không cao có thể là tín hiệu tích cực, trong kịch bản tích cực thị trường tạo đáy sau cao hơn đáy trước và các phiên tăng/giảm đan xen.

Khó có thể biết liệu thị trường đang hồi phục trong xu hướng tìm đáy mới hay đây là nhịp hồi bền vững. Do vậy nhà đầu tư nên dự phòng kịch bản xấu nhất khi thị trường không thể giữ vững mốc 650 điểm.

Về định giá, mức PE hiện tại về mức 10,8 lần rất thấp dẫn đồng thời cũng là mức thấp nhất 5 năm qua. Bởi vậy, đây có thể coi là một trong những yếu tố quan trọng để chờ đợi cơ hội mua tốt nhất khi thị trường bị rơi vào trạng thái bán quá đà và sát các vùng hỗ trợ kỹ thuật mạnh xoay quanh vùng 600 - 650 điểm.

Chiến lược đầu tư: có thể giải ngân từng phần đối với các cổ phiếu tăng điểm trong phiên cuối tuần, hoặc có thể đón đầu đối với các cổ phiếu trong rổ ETF mới. Tập trung vào các cổ phiếu giảm sâu thuộc nhóm ngân hàng, dầu khí, vật liệu xây dựng, thực phẩm...

Nguồn: MBS

Tin Cùng Chuyên Mục