Theo đó, tổng phương tiện thanh toán đến cuối tháng 4 năm 2024 đạt hơn 16.019 triệu tỷ đồng, tăng 0,13% so với đầu năm. Tiền gửi của khách hàng tại hệ thống TCTD đạt hơn 13,4 triệu tỷ đồng trong tháng 4, tăng hơn 120.000 tỷ đồng.
Cả tiền gửi của tổ chức kinh tế và dân cư đều tăng trưởng dương trong tháng 4.
Cụ thể, tiền gửi của các tổ chức kinh tế đạt hơn 6,7 triệu tỷ đồng, tăng thêm hơn 81 nghìn tỷ đồng. Nhưng do sụt giảm khá mạnh trong 2 tháng đầu năm nên tính chung trong 4 tháng, tiền gửi của tổ chức kinh tế ghi nhận sụt giảm 1,95%.
Ngược lại, tiền gửi của dân cư trong tháng 4 tăng hơn 39,7 nghìn tỷ đồng và đạt hơn 6,7 triệu tỷ đồng, đạt kỷ lục mới. Lũy kế trong 4 tháng đầu năm, tiền gửi dân cư tăng hơn 183.000 tỷ đồng (tương đương tăng 2,8%).
Bất chấp lãi suất thấp kỷ lục trong giai đoạn đầu năm, tiền gửi tại hệ thống ngân hàng tiếp tục tăng trưởng. Đặc biệt, tiền gửi của dân cư tiếp tục tăng mạnh, đạt kỷ lục mới.
Song mức tăng trưởng của tiền gửi tại hệ thống ngân hàng vẫn thấp hơn so với tín dụng. Tiền gửi khách hàng của hệ thống tăng 0,91% trong 4 tháng đầu năm, trong khi tăng trưởng tín dụng là 2,01%.
Để hút khách gửi tiền, các ngân hàng cũng liên tục tăng lãi suất huy động trong những tháng gần đây.
Đã có một số ngân hàng niêm yết mức lãi suất huy động lên đến 6-6,1%/năm theo công bố như: HDBank, OceanBank, OCB, NCB và SHB.
Cụ thể, mức lãi suất huy động 6,1%/năm, cao nhất thị trường hiện nay, được HDBank niêm yết cho tiền gửi kỳ hạn 12 tháng; NCB và OceanBank niêm yết cho tiền gửi kỳ hạn 18-36 tháng và SHB niêm yết cho tiền gửi kỳ hạn từ 36 tháng.
Mức lãi suất huy động 6%/năm đang được OCB niêm yết cho tiền gửi kỳ hạn dài 36 tháng, trong khi BVBank vừa áp dụng mức lãi suất này cho tiền gửi kỳ hạn từ 18-36 tháng.
Đáng chú ý, Ngân hàng SeABank mặc dù niêm yết lãi suất cao nhất 5,7%/năm, nhưng thực tế đang huy động với lãi suất lên đến 6,2%/năm.