Ngày pháp luật

Nhìn vào hành trình kéo dài 3 thập kỷ của vị "thuyền trưởng" tài ba Jeff Bezos với đế chế Amazon

Giang Phạm

Với phong cách lãnh đạo độc đáo, Jeff Bezos đã biến Amazon từ một tiệm sách trực tuyến trở thành một trong những công ty có tầm ảnh hưởng nhất nhì thế giới cùng vốn hóa thị trường lên tới 1.700 tỷ USD. 

Ngày 5/7, vị tỷ phú giàu nhất hành tinh Jeff Bezos đã chính thức rời khỏi ghế CEO tại Amazon. Trong suốt chuyến hành trình 27 năm, Jeff Bezos đã biến Amazon từ một tiệm sách trực tuyến trở thành một trong những công ty khổng lồ, có tầm ảnh hưởng nhất nhì thế giới cùng vốn hóa thị trường lên tới 1.700 tỷ USD.  

Nhận thấy nhu cầu không chỉ dừng lại ở mua sắm trực tuyến, Jeff đã mở rộng công ty sang lĩnh vực điện toán đám mây, và mở rộng sang cả truyền thông trực tuyến, trí tuệ nhân tạo, quảng cáo... Với lượng nhân viên khổng lồ, tham gia đa lĩnh vực, ông đã từng bước đưa Amazon ghi dấu chân trên khắp nước Mỹ. 

Sự lớn mạnh của Amazon đã giúp Jeff Bezos tích lũy được khối tài sản khổng lồ, gần 200 tỷ USD.
Sự lớn mạnh của Amazon đã giúp Jeff Bezos tích lũy được khối tài sản khổng lồ, gần 200 tỷ USD.

Sự lớn mạnh của Amazon đã giúp Jeff Bezos tích lũy được khối tài sản khổng lồ, khoảng 200 tỷ USD, ngay cả khi ông phải chia lại một phần tài sản cho vợ cũ là bà MacKenzie Scott. Tuy nhiên, ngay cả khi rời bỏ chiếc ghế CEO tại Amazon, vị tỷ phú 57 tuổi Jeff Bezos vẫn để lại những bài học, giá trị lớn về phong cách lãnh đạo cho những thế hệ sau. 

Khách hàng là thượng đế

Bezos lý giải thành công của Amazon là nhờ vào việc luôn quan tâm đến nhu cầu của khách hàng.

Từ những ngày đầu thành lập, ông luôn tham gia tất cả các cuộc họp để thúc đẩy giám đốc điều hành suy nghĩ về việc quyết định của họ liệu ảnh hưởng ra sao đến khách hàng.

Khi Bezos xem xét việc mở rộng kinh doanh, ông đã gửi email cho 1.000 khách hàng ngẫu nhiên và hỏi họ muốn mua gì trên website Amazon. Dựa trên những phản hồi của khách, ông quyết định mình sẽ bán bất cứ thứ gì trên internet - đó chính xác là những gì ông ấy đã làm.

Đưa ra ít quyết định nhưng đều phải chất lượng

Phát biểu tại Câu lạc bộ kinh tế Washington năm 2018, Bezos tiết lộ ông có thói quen ngủ sớm, dậy sớm và sắp xếp, lên lịch các buổi họp quan trọng, cần tập trung cao độ trước buổi trưa. Tất cả nhằm phục vụ cho việc đưa ra một vài quyết định rõ ràng và thông minh mỗi ngày.

"Mỗi ngày tôi chỉ cần đưa ra ba quyết định là đủ nhưng cả ba đều phải có chất lượng", ông cho biết.

Đổi mới, đổi mới hơn nữa

Năm 2019, Viện Drucker - tổ chức nghiên cứu thuộc đại học Claremont ở California đã xếp hạng Amazon là công ty được quản lý tốt nhất nước Mỹ. Một trong những yếu tố giúp Amazon vượt Apple giành được ngôi vương chính là nhờ sự đổi mới không ngừng. 

Theo vị tỷ phú Jeff Bezos, thất bại và đổi mới luôn đi song hành
Theo vị tỷ phú Jeff Bezos, thất bại và đổi mới luôn đi song hành

Các nhà nghiên cứu của Drucker tiết lộ, số lượng đơn đăng ký bằng sáng chế, nhãn hiệu và chi cho nghiên cứu và phát triển của Amazon vượt xa các công ty khác. Đồng thời tỷ lệ bỏ đơn đăng ký bằng sáng chế của công ty cũng cao hơn các doanh nghiệp khác. Đây là dấu hiệu cho thấy công ty sẵn sàng bỏ qua các công nghệ cũ, lỗi thời.

Không chỉ công ty, ngay bản thân Bezos cũng đứng tên hàng chục bằng sáng chế của Amazon. Đề cập đến những đổi mới của Amazon về phần đánh giá khách hàng, trợ lý ảo Alexa và tính năng mua sắm tiện lợi, ông tiết lộ: "Mọi phát minh rồi cũng trở thành cũ sau vài năm. Ngay cả chính bạn cũng sẽ nhàm chán với phát minh của chính mình. Điều này sẽ là động lực để mỗi nhà sáng chế luôn trau dồi và đổi mới".

Biết chấp nhận thất bại

Theo quan điểm của vị tỷ phú, thất bại và đổi mới luôn đi song hành. Tuy nhiên có sự khác biệt giữa thất bại tốt và thất bại xấu. "Khi phát triển một sản phẩm dịch vụ hoặc thử nghiệm mới mà nó chưa hoạt động tốt, điều đó không sao cả. Đó là thất bại có ý nghĩa. Nhưng nếu ta nhận thấy điều đó là thảm họa nhưng vẫn thực hiện quyết định ấy thì đó là một sai lầm", vị tỷ phú giải thích.

Tổ chức những cuộc họp có hiệu quả 

Ông Jeff Bezos nổi tiếng với nguyên tắc, tất cả các cuộc họp đều phải mang lại kết quả. Để làm được điều đó, ông đã yêu cầu những người thuyết trình phải viết ra giấy bản tóm tắt nội dung cuộc họp, dài không quá 6 trang. Văn bản này sẽ được gửi đến tất cả những người tham gia để đọc vào đầu buổi họp.

Các nhân viên sẽ có thể dành ra nhiều tuần để hoàn thiện phần nội dung này. Quá trình sẽ giúp làm sắc hơn những ý tưởng, đồng thời cải thiện việc đưa ra quyết định trước khi thảo luận.

Dành cho nhân viên quyền tự quản

Sự phát triển ngoạn mục của Amazon một phần còn nhờ vào việc ông cho phép nhân viên được quyền tự chủ trong công việc.

Điều này có nghĩa là nhân viên sẽ quán xuyến toàn bộ dự án của mình đảm nhận để có thể phát huy được năng lực và hiệu quả làm việc cao nhất. Với chủ trương này, công ty đã quy tụ được rất nhiều nhân tài trong các lĩnh vực nghề nghiệp khác nhau.

Phớt lờ giá cổ phiếu

Trong một buổi chia sẻ tại Câu lạc bộ kinh tế ở Washington, Jeff Bezos cho rằng việc tập trung vào biến động cổ phiếu công ty mỗi ngày là lãng phí thời gian và là một sai lầm. 

Suốt nhiều thập kỷ, ông nói với nhân viên rằng: "Nếu cổ phiếu của công ty tăng 30%/tháng, đừng cảm thấy mình thông minh thêm 30%. Còn nếu cổ phiếu giảm 30%, đừng vì thế mà cần cảm thấy mình kém đi. Đừng bao giờ dành thời gian để suy nghĩ về giá cổ phiếu hàng ngày vì chính tôi cũng chưa bao giờ làm điều đó". 

Theo ông, thay vào việc cứ nghĩ về giá cổ phiếu đó thì hãy trau dồi kiến thức để tìm ra con đường thành công.

Tin Cùng Chuyên Mục