Mỗi doanh nghiệp đều có một câu chuyện riêng, như MWG và FRT đang tìm kiếm tăng trưởng tại thị trường mới, PNJ tăng tốc trong ngành bán lẻ trang sức, còn DGW đang đánh chiếm thị trường ngách. Hãy cùng nhìn lại những nét chính trong năm 2018 của các doanh nghiệp này.
MWG – Bách Hóa Xanh bỏ số lượng, lấy chất lượng
Thời điểm đầu năm 2018, CTCP Đầu tư Thế Giới Di Động (MWG) đặt kế hoạch đầy tham vọng với 1.000 cửa hàng Bách Hóa Xanh dự tính mở trong năm. Tuy nhiên, mô hình cửa hàng nhỏ nằm trong khu dân cư cho thấy là một sai lầm. Doanh thu trung bình/cửa hàng giảm mạnh từ 730 triệu đồng/tháng vào cuối năm 2017 xuống còn 570 triệu đồng/tháng trong tháng 2 năm 2018.
MWG nhanh chóng nhận ra vấn đề và thay đổi chiến lược mở cửa hàng từ quý 2. Theo đó, cửa hàng mới sẽ có quy mô từ vừa đến lớn và nằm trên các trục đường chính dẫn vào khu dân cư để có thể thu hút lượng khách lớn và nhận diện thương hiệu tốt hơn. Thêm vào đó, mô hình “thịt tươi – cá lội” cũng được phổ biến để tạo khác biệt so với các chuỗi mini-mart khác.
Kết quả của sự thay đổi trên là doanh thu trung bình tăng mạnh lên 1,2 tỷ đồng/tháng vào tháng 11, biên lợi nhuận gộp cũng tăng từ 12% lên 17% trong cùng giai đoạn và chuỗi Bách Hóa Xanh đang tiến rất gần tới điểm hòa vốn.
Những cải thiện trên cho thấy tương lai tươi sáng của Bách Hóa Xanh trong năm 2019, cho dù công ty không đạt mục tiêu về số cửa hàng trong năm nay khi tổng số cửa hàng chỉ đạt hơn 400 cho đến hiện tại.
Về kết quả kinh doanh, MWG vẫn đạt mức tăng trưởng ấn tượng 34% doanh thu và 33% lợi nhuận sau thuế trong 11 tháng nhờ vào sự bứt phá mạnh mẽ của Điện Máy Xanh – nguồn đóng góp chính chiếm tới 55% doanh thu công ty.
MWG mở mới 104 cửa hàng trong 11 tháng, trong đó khoảng 1/3 được chuyển đổi từ cửa hàng Thế Giới Di Động để tăng doanh thu. Từ đó, doanh thu Điện Máy Xanh tăng 65% còn Thế Giới Di Động chỉ tăng 1%.
Do thị trường điện thoại đã gần bão hòa, trong khi thị trường điện máy vẫn tăng trưởng 20% trong năm 2018, MWG vẫn sẽ tiếp tục quá trình chuyển đổi cửa hàng trong năm 2019.
Trong tháng 12, MWG đã đưa vào thử nghiệm mô hình “2 giá” cho Điện Máy Xanh: giá gốc sẽ bao gồm đầy đủ dịch vụ vận chuyển nhanh, lắp đặt và bảo hành từ nhà bán lẻ trong khi sản phẩm mua với giá chiết khấu sẽ chỉ có bảo hành từ hãng. Mô hình này đang được áp dụng lên một số sản phẩm, với khác biệt về giá là 3%.
FRT –Chuỗi nhà thuốc Long Châu đang đi đúng hướng?
Mặc dù thị trường điện thoại đang chậm lại và gần đến ngưỡng bão hòa, CTCP Bán lẻ Kỹ thuật số FPT (FPT Retail – FRT) vẫn tìm được cách để tăng doanh thu mặt hàng này.
Đón lấy đà tăng trưởng của tín dụng tiêu dùng, FRT xúc tiến 2 chương trình trả góp đặc biệt: F.friends và Subsidy. Hiện 2 chương trình này đang đóng góp gần 10% doanh thu cho FRT và là một trong những trọng tâm phát triển của công ty trong năm sau.
Năm 2018, FRT đặt kế hoạch mở mới 100 cửa hàng, nhưng mục tiêu này đã không đạt được khi đến thời điểm cuối tháng 12 công ty mới mở được 71 cửa hàng.
F.Studio vấp phải khó khăn trong việc mở cửa hàng do những quy định khó khăn về địa điểm của Apple. Chỉ có 3 cửa hàng mới được mở trong năm nay, thấp hơn khá nhiều so với kỳ vọng.
Trong khi đó, chuỗi nhà thuốc Long Châu đang đi đúng hướng với 11 cửa hàng được mở mới đến nay. Biên lợi nhuận gộp tăng từ 14% lên 17% trong khi biên lợi nhuận sau thuế giảm từ 5% xuống 1,6% do chi phí quản lý tăng.
PNJ – Tăng trưởng doanh số cao nhờ thị trường trang sức tăng trưởng ổn định
CTCP Vàng bạc đá quý Phú Nhuận (PNJ) hoàn thành kế hoạch mở cửa hàng trong 9 tháng đầu năm 2018 với 44 cửa hàng được mở mới, nâng tổng số cửa hàng lên 308 cửa hàng. Doanh thu và lợi nhuận sau thuế tăng lần lượt 35% và 38% trong 9 tháng và ước đạt trên 35% cho cả năm.
Tăng trưởng doanh số các cửa hàng đã mở trên một năm của các cửa hàng vàng duy trì ở mức cao (23%) nhờ thị trường TP. HCM còn nhiều dư địa, trong khi con số này của cửa hàng bạc chỉ là 1% do chiến lược sản phẩm chưa thực sự hợp lý.
Trong năm 2018, PNJ đã tách mảng bán sỉ ra và thành lập công ty riêng chuyên về bán sỉ, đồng thời mở 1 trung tâm bán sỉ. Công ty muốn thúc đẩy mảng này để vươn tới miếng bánh thị phần của 12.000 cửa hàng vàng tư nhân, chiếm 70% thị phần trang sức cả nước.
Dự án phát triển hệ thống quản lý đa năng (ERP) sẽ hoàn thành trong năm 2019, cùng với các dự án về big data và bán hàng đa kênh sẽ góp phần cải thiện hiệu quả hoạt động và gia tăng khoảng cách giữa PNJ và các đối thủ cạnh tranh.
PNJ gần đây lấn sân sang mảng đồng hồ đeo tay, chủ yếu là đồng hồ có mức giá dưới 10 triệu đồng cho khách hàng nữ. Tuy nhiên, mảng bán đồng hồ vẫn còn khá nhỏ, hiện công ty đang bán khoảng 1.000 mẫu đồng hồ thông qua trang web online và 14 điểm bán lẻ, tất cả đều ở TP. HCM.
DGW – “Vớ bẫm” nhờ Xiaomi, kỳ vọng vào Nokia
CTCP Thế Giới Số (Digiworld – DGW) trở thành nhà phân phối độc quyền cho Xiaomi từ năm 2017. Đó là cơ sở để năm 2018 công ty đặt kế hoạch khá tham vọng: tăng trưởng 22% doanh thu và 30% lợi nhuận sau thuế (trong khi mức tăng trưởng năm 2017 chỉ đạt lần lượt 0% và 16%).
Kết quả thực tế thậm chí còn tốt hơn kỳ vọng, doanh thu và lợi nhuận sau thuế trong 11 tháng đầu năm 2018 của DGW đạt lần lượt 5.460 tỷ đồng và 103 tỷ đồng, hoàn thành 116% và 102% kế hoạch năm.
Tại thời điểm tháng 7/2018, thị phần điện thoại Xiaomi tăng 70% so với đầu năm, kéo theo tăng trưởng 300% doanh thu DGW từ mảng điện thoại di động trong 9 tháng đầu năm, mảng này đóng góp khoảng 40% tổng doanh thu công ty.
Đáng chú ý, trong tháng 9/2018, DGW đã ký kết hợp đồng với Nokia HMD, cho phép công ty phân phối sản phẩm Nokia tại Việt Nam. DGW kỳ vọng hợp đồng này sẽ làm tăng doanh thu mảng điện thoại ít nhất 50% trong năm 2019.
Doanh thu từ máy tính xách tay chỉ tăng nhẹ 3% trong khi doanh thu thiết bị văn phòng tăng 57%, đến từ đóng góp tăng lên từ máy chủ, giải pháp năng lượng và thiết bị IoTs.
Trong khi đó, mảng kinh doanh mới về nhóm hàng tiêu dùng nhanh và thực phẩm chức năng, mặc dù có biên lợi nhuận gộp trên 40%, nhưn chỉ mới đóng góp hơn 1% doanh thu và chưa thể trở thành động lực tăng trưởng mới cho DGW.