Chưa đến tháng Chạp, anh Văn Đức, nhân viên một công ty cung cấp cây xanh tại quận 7, TP.HCM đã phải về quê ăn Tết sớm. Các dự án chung cư mà công ty anh nhận thầu cảnh quan đều đang tạm dừng vì… chủ đầu tư không đủ chi phí để duy trì tiến độ.
Tại một nhà máy sản xuất gạch ốp lát lớn ở Đồng Nai, chị Thu Thùy, trưởng quản lý một dây chuyền cũng lo lắng: “Những năm trước chúng tôi thường nhận được các đơn hàng lớn cung cấp gạch ốp lát cho khu chung cư, khu biệt thự. Năm nay hầu như có rất ít đơn hàng với số lượng nhỏ lẻ. Nhà máy buộc phải cắt giảm giờ làm, cắt giảm công nhân. Chúng tôi đang cố gắng xoay sở mọi cách để duy trì sản xuất, giữ việc làm cho người lao động”.
Nhiều ngành nghề chung cảnh ngộ
Bất động sản (BĐS) ngưng trệ, các doanh nghiệp xây dựng cũng chung cảnh ngộ. Nhiều nhà thầu lớn đã thông báo giảm lương nhân viên từ tháng 11, thậm chí giảm tới 50% tổng lương. Tình trạng khách hàng nợ ngày một nhiều và tăng trích lập dự phòng khó đòi của một số “ông lớn” xây dựng như Coteccons, Hòa Bình… phản ánh bức tranh chung của ngành xây dựng trọng bối cảnh BĐS gặp nhiều khó khăn. Ông Lê Viết Hải, Phó chủ tịch Hiệp hội Nhà thầu Xây dựng Việt Nam còn nhấn mạnh nguy cơ phá sản của giới nhà thầu nếu BĐS không được gỡ khó. Các công trình quy mô lớn thời gian qua bị ngưng trệ đã gây “hiệu ứng domino” xuống hệ sinh thái nguyên vật liệu cung ứng ngành xây dựng, từ cửa đến xi măng, sắt, thép…
Chị T.L, Giám đốc Công ty A.W chuyên sản xuất, phân phối cửa nhôm lớn tại TP.HCM, buồn bã chia sẻ: “Có tới 60% dự án của A.W bị dừng, tiền không về được do các chủ đầu tư không có dòng tiền, cũng không vay được từ ngân hàng để trả cho doanh nghiệp cung ứng vật liệu. Thêm khoảng gần 20% dự án vẫn còn khả năng duy trì công trình nhưng thanh toán chia ra nhiều đợt và phải đợi tiền. Công ty giờ chỉ có thể trông chờ vào phần nhỏ còn lại từ phía nhà dân lẻ. Giờ làm ngày nào biết ngày ấy chứ cũng không định trước được giai đoạn sắp tới như thế nào”.
Thép cũng là một ngành bị ảnh hưởng lớn khi BĐS và xây dựng “đứng hình”. Sản xuất và tiêu thụ thép trong tháng 10/2022 tiếp tục diễn biến theo chiều hướng đi xuống, khi giảm lần lượt 16,38% và 29,4% so với cùng kỳ. Các nhà sản xuất thép lớn nhất Việt Nam như Hòa Phát, Hoa Sen… đã đối mặt với sự sụt giảm đáng kể về sản lượng lẫn tiêu thụ. “Thép trong nước chủ yếu được tiêu thụ nhờ các dự án BĐS và đầu tư công. Nhưng nhóm dự án địa ốc gần như bị đóng băng khi thị trường gặp khó về pháp lý, vốn, thanh khoản... đã tác động nặng nề đến ngành thép”, nhiều lãnh đạo doanh nghiệp thép trần tình.
Mối liên hệ hữu cơ đến hơn 40 ngành nghề kinh tế
Một nghiên cứu của Hiệp hội BĐS Việt Nam gần đây cho thấy, đóng góp của thị trường BĐS trong GDP giai đoạn 2019-2021 là khoảng 14%. Ngành BĐS có khả năng lan tỏa đến hơn 40 ngành kinh tế quan trọng khác, góp phần phát triển đồng bộ nền kinh tế. Khi nhu cầu sử dụng cuối cùng của BĐS tăng 1.000 tỷ đồng sẽ kích thích giá trị sản xuất của các ngành còn lại là 772 tỷ đồng và lan tỏa tới giá trị tăng thêm là 191 tỷ đồng.
Theo TS Lê Xuân Nghĩa, Nguyên Phó chủ tịch Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia, trong đại dịch vừa qua kinh tế thế giới tuy rất khó khăn nhưng không sụp đổ, đó là nhờ 2 trụ cột là hệ thống ngân hàng và thị trường BĐS vẫn tồn tại vững vàng trên toàn cầu. BĐS là một trong những ngành có mức độ tác động lan tỏa lớn nhất. Theo tính toán, tỷ lệ tác động lan tỏa của BĐS là 1,3 – 1,4, tức là 1% tăng trưởng BĐS sẽ tại ra 1,3 – 1,4% tăng trưởng của nền kinh tế.
Xét riêng với một dự án đang triển khai, ngay khi công trình được khởi động, kéo theo sự ảnh hưởng đến hàng loạt ngành nghề liên quan khác.
Đầu tiên, gắn bó trực tiếp nhất sẽ là thị trường xây dựng với đơn vị tổng thầu thi công và các nhà thầu phụ. Từ công tác định vị trắc đạt, thi công cọc tường vây, ép cọc bê tông ly tâm, thi công đào đất cho đến thi công phần ngầm thô (cột, dầm, sàn)… Song song đó là các nhà thầu MEP thi công cơ điện, thầu thi công hoàn thiện (xây tường, tô, ốp, lát, trần thạch cao, sơn nước, lắp đặt thiết bị vệ sinh, tủ bếp, sàn gỗ, phòng cháy chữa cháy, thang máy…) và hoàn thiện hầm, khu công cộng, bể bơi, hạ tầng, cây xanh….
Đi kèm sẽ là sự tác động trực tiếp tới ngành cung cấp và sản xuất vật liệu xây dựng thô (cọc bê tông, xi măng, sắt, thép, gạch, ngói, cát, sơn, bột trét tường…), sản phẩm nhôm kính xây dựng (kiếng, cửa nhôm, cửa nhựa, lan can các loại…), sản phẩm dính tường (đồ gỗ, ván đóng tủ, dây cáp điện, các loại ổ cắm, bóng đèn điện, dây cáp quang, thiết bị xây dựng...). Cùng với đó là các nhóm ngành khác như cây xanh cảnh quan, vật liệu thi công hạ tầng…
Một dự án xây dựng quy mô tầm trung thường kéo dài khoảng 2 – 4 năm, cùng với đó là công ăn việc làm cho nhiều ngàn lao động liên quan. Trong khi đó, một đại dự án quy mô hàng trăm, ngàn ha, thậm chí kéo dài đến cả chục năm, đóng góp không nhỏ cho ngân sách địa phương, thay đổi bộ mặt của một vùng đất và duy trì công ăn việc làm cho hàng chục, trăm ngàn lao động. Từ kiến trúc sư, kỹ sư xây dựng, kỹ sư hạ tầng, thợ xây, công nhân lao động phổ thông, công nhân viên các nhà máy sản xuất nguyên vật liệu - máy móc thiết bị, công nhân viên ngành khai khoáng, công ty vận chuyển kho bãi, công ty xuất nhập khẩu… thậm chí còn tạo thu nhập cho các hàng quán ăn uống, các dịch vụ quanh BĐS đó. Và còn rất nhiều ngành nghề tác động gián tiếp khác.
Với vòng ảnh hưởng lớn đó, ngược lại vấn đề, khi BĐS “đứng hình”, cũng giống như “đầu kéo” của nhiều ngành nghề phụ trợ khác bị khựng lại. Đầu kéo khựng thì toàn bộ phía sau sẽ bị dồn toa. Những biểu hiện thực tế từ thị trường đang chứng minh cho mối liên hệ mật thiết đó. Do vậy, tháo gỡ khó khăn cho thị trường BĐS không chỉ là câu chuyện của BĐS mà còn tạo tiền để để cả chuỗi ngành phụ trợ có được cơ hội phát triển.
Link bài gốc