Tại TPHCM, các sản phẩm làng nghề như: nem Thủ Đức, lư đồng An Hội, chiếu Bình An... những năm gần đây đã quen thuộc với người tiêu dùng trong và ngoài nước. Thông qua việc đưa sản phẩm lên sàn thương mại điện tử (TMĐT), nhiều làng nghề tại đây không chỉ kinh doanh hiệu quả mà còn khẳng định giá trị thương hiệu của mình.
Làng nghề đúc lư đồng An Hội (trên đường Nguyễn Duy Cung, quận Gò Vấp, TPHCM) là một trong những làng nghề nức tiếng. Có thời, làng có tới 50 lò đúc đồng đỏ lửa. Nhưng nay chỉ còn được 5 lò kiên trì bám trụ: Hai Thắng, Năm Toàn, Ba Cồ, Sáu Bảnh và Út Kiển. Chủ các cơ sở này đều là bà con trong dòng họ, mọi người cố gắng duy trì làng nghề của ông cha với mong muốn bảo tồn và phát triển nghề truyền thống lâu đời mà tổ tiên của họ đã góp phần khai sinh, gìn giữ.
Ghé thăm làng nghề lư đồng An Hội những ngày cuối tháng 2, từ ngay đầu đường Nguyễn Duy Cung, quận Gò Vấp, ai cũng có thể cảm nhận được không khí rộn ràng, náo nhiệt bằng những âm thanh đặc biệt.
Nghệ nhân Trần Minh Toàn, gắn bó với nghề này gần 50 năm cho biết, từng có khoảng thời gian làng nghề An Hội tưởng chừng như mai một, không có chỗ đứng trong thị trường. Bởi vì, sản phẩm đều làm bằng thủ công nên giá thành đắt, nhân công lại khó kiếm vì các công đoạn đều làm bằng tay chân. Trong khi công nghiệp ngày càng phát triển, nhiều lư đồng công nghiệp cũng ra đời với mẫu mã phong phú và giá thành rẻ hơn. Thế nhưng nhờ lên sàn thương mại điện tử, sản phẩm của làng nghề An Hội được nhiều người biết đến, thị trường được mở rộng hơn và làng nghề dần hưng thịnh trở lại.
“TMĐT quảng bá cho làng nghề của mình, người ta biết được chỗ đó danh dự và uy tín. Nói chung quảng bá là mình có sự tiến bộ hơn. Ví dụ ngày trước không có vấn đề quảng bá mình bán chỉ 7 - 8 thôi, chứ chuyện quảng bá nó phải bán tới 10 nó phải có tăng thêm” - nghệ nhân Toàn nói.
Đây là tín hiệu đáng mừng cho các làng nghề thủ công tại TPHCM nói riêng và cả nước nói chung khi duy trì ổn định được lượng sản phẩm bán ra trong nhiều năm qua. Với làng nghề lư đồng An Hội, nhiều khách hàng từ các tỉnh miền Trung, miền Bắc và ngoài nước đã liên hệ tìm về đây để chiêm ngưỡng và sở hữu lư đồng và các vật dụng thờ cúng. Đa số khách từ phương xa biết đến các cơ sở sản xuất của làng nghề đều thông qua kênh TMĐT, nhờ TMĐT các làng nghề đã khẳng định được chất lượng, uy tín của mình.
Để làm nghề truyền thống giữa thời hiện đại, cách để khách hàng tiếp cận sản phẩm cũng là một vấn đề đáng để tâm. Cũng như làng nghề Lư đồng An Hội, làng gốm Lái Thiêu (TX Thuận An, tỉnh Bình Dương) hiện không chỉ được khách hàng biết đến qua danh tiếng, mà còn qua các phương tiện cơ bản nhất là bày bán trực tiếp, sử dụng mạng xã hội Facebook và các trang web.
Các sản phẩm gốm của làng gốm Lái Thiêu được trưng bày.
Đến với làng gốm Lái Thiêu, hình ảnh đầu tiên có thể bắt gặp đó là trên sông, những ghe thuyền đậu sát vào nhau, chất đầy những sản phẩm gốm sứ như lu, khạp, chén, đĩa… nổi tiếng hơn cả vẫn là heo đất làng gốm Lái Thiêu. Hai bên đường xe tải cỡ lớn, cỡ nhỏ đậu san sát trước các cửa hàng, nhiều cửa hàng bán lẻ cũng đem xe máy đến để lấy hàng, phía khu công viên bờ sông có sẵn những chiếc xe ba gác sẵn sàng chở hàng khi khách mua sỉ, lẻ về các thành phố.
Chị Nguyệt Ánh đại diện cho xưởng Vườn Nhà Gốm cho biết, trước đây có đến hơn 200 hộ làm heo đất nhưng nay chỉ còn vọn vẹn 20 hộ. Vì bảo vệ môi trường và nhiều hộ không còn đam mê với nghề truyền thống nên đã bỏ nghề đi kiếm việc khác làm. Cách đây mấy năm, làng gốm Lái Thiêu gần như bị xoá sổ, hàng hoá thì bị ùn tắc, không có đầu ra. Tìm đến các kênh TMĐT, xưởng Vườn Nhà Gốm cũng như các hộ kinh doanh khác đã được nhiều người tiêu dùng biết và tìm đến, dần dần vươn lên khẳng định thương hiệu làng nghề:
“Ở đây mình chỉ có một truyền thông điện tử thôi đó là thông qua mạng xã hội và cụ thể là Facebook. Tất cả các thông tin về sản phẩm, về dòng gốm, về làng nghề truyền thống thì mình luôn luôn cập nhật thông tin trên đó. Nó như một là một kênh bổ sung cho các hoạt động tại chỗ của mình và để cho nhiều người biết đến làng nghề làm gốm ở Lái Thiêu của mình” - chị Ánh chia sẻ.
Hiện nay, sự phát triển của công nghệ thông tin đang giúp cho thị trường sản phẩm làng nghề ngày được được mở rộng hơn. Trước đây, hầu hết làng nghề muốn giới thiệu sản phẩm đến người tiêu dùng đều phải nhờ vào các hội chợ, chương trình kết nối của cơ quan chức năng, thì bây giờ những sản phẩm này có thể dễ dàng tìm kiếm thông qua các kênh TMĐT như Internet, mạng xã hội Facebook, Zalo…
Theo ông Nguyễn Hữu Phước – Phó Chủ tịch Hiệp hội làng nghề Việt Nam, mặc dù công nghiệp có phát triển thì tiểu thủ công nghiệp làng nghề vẫn duy trì và phát triển. Tuy không tiếp cận được những khâu kĩ thuật bằng máy móc, hầu hết các sản phẩm đều mang tính chất thủ công phục vụ đời sống hàng ngày của người dân. Bởi vậy, với những làng nghề truyền thống họ vẫn đảm đương được với những sự thay đổi của thời đại, để cho mọi người thấy sự hiện diện và phát triển bình thường của các làng nghề dù có diễn biến như thế nào.
“Trước hết, phải khẳng định là trong trào lưu hướng đến hiện đại hoá, liên quan đến sản xuất phân phối thì các ngành nghề truyền thống cũng không thể không tìm cách thích ứng thị trường. Mà để doanh số cao hơn thông qua tiếp cận thi trường hiệu quả hơn, thông qua các ngành nghề truyền thống cũng phải đi đến hiện đại, tiếp cận thị trường quốc tế. Hiện nay, chúng tôi đang hy vọng có nhiều doanh nghiệp ở trong làng nghề đi theo xu hướng đó” - ông Phước nói.
Thương mại điện tử góp phần mở rộng thị trường, vừa tăng sức cạnh tranh, giữ “lửa nghề” cho các thế hệ không ngừng sáng tạo để khẳng định giá trị sản phẩm. Không chỉ là chuyện làm ăn của làng nghề, việc doanh nghiệp, cơ sở sản xuất cùng nhau lên sàn thương mại điện tử cũng đã góp phần xây dựng thương hiệu sản phẩm truyền thống, đưa thương hiệu làng nghề tiến xa hơn trên thị trường./.